Hiện nay, các loại hình kinh doanh dần ổn định sau khi dịch bệnh Covid-19 cơ bản được kiểm soát, nhu cầu tiêu thụ của người dân cũng có chuyển biến, nhất là đối với các sản phẩm thời trang. Trong thời gian qua, sức mua tại các cửa hàng, hệ thống của nhiều thương hiệu thời trang trong nước dần được phục hồi, ổn định.
Hiện nay, các loại hình kinh doanh dần ổn định sau khi dịch bệnh Covid-19 cơ bản được kiểm soát, nhu cầu tiêu thụ của người dân cũng có chuyển biến, nhất là đối với các sản phẩm thời trang. Trong thời gian qua, sức mua tại các cửa hàng, hệ thống của nhiều thương hiệu thời trang trong nước dần được phục hồi, ổn định.
Người tiêu dùng chọn mua các sản phẩm giày, dép thời trang tại Cửa hàng Tiếp thị Biti’s ở P.Tam Hiệp, TP.Biên Hòa. Ảnh: L.PHƯƠNG |
Tuy nhiên, do tác động của vật giá “leo thang” nên người dân sẽ thắt chặt chi tiêu, xu hướng tiêu dùng các sản phẩm thời trang được dự báo có nhiều thay đổi trong thời gian tới.
* Tạo sức cạnh tranh mới
Ghi nhận tại TP.Biên Hòa, sau những tác động của tình hình dịch bệnh Covid-19, nhiều cửa hàng thời trang của các thương hiệu Việt đang dần phục hồi về doanh số, đẩy mạnh cải tiến mẫu mã, ngày càng chú trọng đến các chế độ khuyến mãi kích cầu, chăm sóc khách hàng..., đồng thời mở rộng thêm các phân khúc để cạnh tranh với hàng ngoại nhập.
Các local brand cũng gặp phải nhiều khó khăn trong bối cảnh hội nhập như: dù ý tưởng thiết kế, sản xuất hàng trong nước nhưng nguồn nguyên liệu vẫn còn phụ thuộc vào thị trường nước ngoài, nhất là từ Trung Quốc. Đồng thời, với sự phát triển của công nghệ thông tin, mạng xã hội khiến cho việc kinh doanh, tìm hiểu thông tin về nguồn hàng trở nên dễ dàng hơn, nhiều người có thể mở shop online bán hàng hơn trước đây… |
Bà Ngọc Nữ, Cửa hàng trưởng Cửa hàng Tiếp thị Biti’s (P.Tam Hiệp, TP.Biên Hòa) cho biết, kể từ sau đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, sức mua tại cửa hàng đã dần phục hồi và ổn định cho đến nay, nhất là khi người lao động và học sinh trở lại làm việc và học tập trực tiếp. Cửa hàng luôn cập nhật những mẫu mã mới gần đây như: bộ sưu tập Batman độc quyền tại Việt Nam, các loại giày nữ Êmbrace, giày đi học cho trẻ em..., giúp khách hàng ở mọi lứa tuổi, giới tính đều có sự lựa chọn phong phú, vừa ý cho riêng mình. Cùng với đó, hệ thống cửa hàng cũng thường xuyên có những chương trình ưu đãi, khuyến mãi như: dịp 8-3, lễ, Tết nhằm thu hút khách hàng, tăng sức mua sắm...
Tương tự, bà Lê Thị Ngọc Vi, Cửa hàng trưởng Cửa hàng Thời trang Sixdo ở đường Phạm Văn Thuận (TP.Biên Hòa) cho hay, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng từ khoảng tháng 11-2021 đến nay, khi các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng, người dân bắt đầu linh hoạt, thoải mái mua sắm hơn, doanh thu tại cửa hàng cũng khởi sắc trở lại, tăng khoảng 40% so với trước. Do đó, cửa hàng liên tục cập nhật những mẫu mã mới như bộ sưu tập xuân - hè, mang đến nhiều trải nghiệm cho khách hàng đến mua sắm trực tiếp.
“Mặc dù gặp sự cạnh tranh từ các thương hiệu thời trang trong nước lẫn nước ngoài nhưng điểm đặc biệt của Sixdo nằm ở sự sang trọng và đa ứng dụng, mang đến nhiều dòng sản phẩm gần gũi, dễ tiếp cận hơn. Với cùng một mẫu mã, mỗi độ tuổi khi mặc vào sẽ có một cảm nhận, vẻ đẹp khác nhau. Ngoài ra, cửa hàng luôn chú trọng nâng cao chất lượng, trải nghiệm, chế độ hậu mãi dành cho khách hàng để thời trang Việt nói chung và Sixdo nói riêng luôn khẳng định vị thế, uy tín nhất định trong lòng người tiêu dùng” - bà Vi chia sẻ.
* Cơ hội cho các “local brand”
Thời gian gần đây, thời trang Việt đang có nhiều lợi thế để phát triển trên “sân nhà” so với các nhãn hàng thời trang nước ngoài, nhất là khi các đơn hàng thời trang nội địa từ Trung Quốc đang bị ùn ứ do nhiều thành phố ở Trung Quốc tạm phong tỏa để phòng, chống dịch Covid-19. Trên thực tế, thời gian qua, xu hướng đặt mua sản phẩm thời trang nước ngoài khá thịnh hành, nhất là hàng hóa nội địa Trung Quốc tạo ra sức cạnh tranh lớn cả về mẫu mã lẫn giá cả với nhiều thương hiệu thời trang trong nước.
Bộ sưu tập các sản phẩm thời trang tại Cửa hàng Sixdo - một thương hiệu thời trang Việt trên đường Phạm Văn Thuận, TP.Biên Hòa. (Ảnh: Lam Phương) |
Chị Lê Hằng (ngụ P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa) cho biết, do tính chất công việc bận rộn nên chị thường kết hợp 2 xu hướng mua hàng trực tiếp hoặc đặt mua các sản phẩm nước ngoài thông qua các sàn thương mại điện tử và những fanpage đặt hàng nước ngoài. Tuy nhiên, khi dịch bệnh bùng phát, các đơn hàng nội địa nước ngoài đặt trước, săn sale thường xuyên trong tình trạng ùn ứ, chưa rõ thời gian hàng về. Do đó, gần đây, khi có thời gian chị quan tâm nhiều đến các cửa hàng thời trang Việt như: IVY Moda, Sixdo, Elise... để mua sắm cho đỡ phải chờ đợi mà vẫn tìm được những mặt hàng phong phú, chất lượng.
Sự bùng nổ của công nghệ thông tin, mạng xã hội, các kênh phân phối trực tuyến, cũng như thị hiếu của người tiêu dùng có nhiều biến chuyển, xu hướng mua sắm online thông qua các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội... nhiều hơn là đến trực tiếp các cửa hàng. Do đó, để nắm bắt xu thế này, nhiều cửa hàng, thương hiệu thời trang Việt đã đẩy mạnh, mở rộng các kênh tiếp thị, bán hàng trực tuyến. |
Song song đó, trong bối cảnh hội nhập như hiện nay, xu hướng thời trang nhanh (fast fashion) trở thành một xu hướng mới nhận được sự hưởng ứng của đông đảo người dùng, đặc biệt là giới trẻ. Điều này đã tạo cơ hội cho các thương hiệu local brand trong nước ra đời. “Local brand” được hiểu là thương hiệu nội địa của một vùng nhất định. Ví dụ như ở Việt Nam, các sản phẩm của local brand được lên ý tưởng, thiết kế, sản xuất bởi người Việt, được đóng mác “made in Vietnam”…
Ông Trần Đại Dương, nhà sáng lập nhãn hàng thời trang SomeHow chia sẻ, thương hiệu SomeHow được hình thành và phát triển hơn 4 năm qua theo xu hướng local brand. Hiện hệ thống cửa hàng của SomeHow đã được mở rộng và phát triển ở các thành phố lớn như: Hà Nội, TP.HCM… với doanh số tăng trưởng tốt qua các năm và đang phục hồi ổn định trở lại sau thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Trong thời gian tới, SomeHow sẽ tiếp tục phát triển hệ thống cửa hàng ở các tỉnh, thành, trong đó có Đồng Nai, nhất là chú trọng đến các dòng sản phẩm thời trang nhanh dành cho cả nam và nữ.
Theo đại diện một số thương hiệu, nhãn hàng local brand, đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 vừa tạo ra nhiều thách thức, vừa mở ra nhiều cơ hội để phát triển thương hiệu, mở rộng thị phần. Đây như là “bộ lọc” đối với các thương hiệu nhỏ, khả năng cạnh tranh thấp về vốn, nguồn hàng, từ đó tạo điều kiện phát triển đối với các thương hiệu đủ sức cạnh tranh, có ngôn ngữ, xu hướng thiết kế riêng.
Lam Phương