Báo Đồng Nai điện tử
En

Giải bài toán thiếu nhân lực cho doanh nghiệp

10:03, 07/03/2022

Trong sản xuất công nghiệp, nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn Đồng Nai đang thiếu nguồn nhân lực để phục hồi, mở rộng sản xuất. Do đó, các DN phải tính toán lại quy trình vận hành của từng dây chuyền trong nhà máy nhằm giảm áp lực do thiếu lao động.

Trong sản xuất công nghiệp, nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn Đồng Nai đang thiếu nguồn nhân lực để phục hồi, mở rộng sản xuất. Do đó, các DN phải tính toán lại quy trình vận hành của từng dây chuyền trong nhà máy nhằm giảm áp lực do thiếu lao động.

Công ty TNHH Bình Tiên Biên Hòa (Khu công nghiệp Amata, TP.Biên Hòa) đang thiếu vài trăm lao động cho sản xuất. Ảnh: H.Giang
Công ty TNHH Bình Tiên Biên Hòa (Khu công nghiệp Amata, TP.Biên Hòa) đang thiếu vài trăm lao động cho sản xuất. Ảnh: H.Giang

Theo Cục Thống kê Đồng Nai, trong tháng 2-2022, số lao động đang làm việc trong các DN trên địa bàn tỉnh tăng hơn 1% so với tháng trước, nhưng giảm 3,6% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, DN nhà nước giảm hơn 20%; DN ngoài nhà nước tăng hơn 20%; DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giảm hơn 5%. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Đồng Nai trong 2 tháng đầu năm 2022 vẫn tăng 31,6% so với cùng kỳ năm 2021.

* Điều hành sản xuất linh hoạt

Sau đợt nghỉ Tết Nguyên đán 2022, nhiều công nhân về quê đã không trở lại làm việc dẫn đến các nhà máy tại Đồng Nai rơi vào tình trạng thiếu lao động cho sản xuất. Vì vậy, các DN đã thay đổi kế hoạch, linh hoạt trong điều hành từng vị trí trong dây chuyền sản xuất để tránh tình trạng phải tạm dừng hoạt động, ảnh hưởng đến các đơn hàng đã ký kết với đối tác trong và ngoài nước.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng, để nâng cao năng lực cạnh tranh và định hướng phát triển công nghiệp của Đồng Nai đến năm 2025, tỉnh sẽ tiếp tục thu hút các tập đoàn kinh tế lớn có tiềm năng về công nghệ, tài chính… Từ đó, phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, từng bước thực hiện mục tiêu xanh hóa sản xuất; ưu tiên thu hút dự án công nghiệp phục vụ phát triển chiều sâu các ngành công nghiệp mũi nhọn như: cơ khí chế tạo, điện - điện tử, chế biến thực phẩm sạch; dự án thân thiện môi trường.

Bà Lưu Thị Thu Hà, Trưởng phòng Nhân sự Công ty TNHH Bình Tiên Biên Hòa (Khu công nghiệp Amata, TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Trước khi xảy ra đợt dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4 vào quý III-2021, số lao động làm việc trong công ty khoảng 2,7 ngàn người, nhưng hiện chỉ còn hơn 2,1 ngàn người. Do đó, DN liên tục tuyển thêm lao động từ đầu năm đến nay nhưng vẫn chưa đủ số lượng, buộc phải tính toán chi tiết từng đơn hàng, điều tiết lao động trong các nhà máy để đảm bảo công suất, giao hàng đúng hạn cho khách hàng trong nước và nước ngoài. Công ty đưa thêm máy móc tự động vào một số khâu trong sản xuất để giảm nguồn lao động mà vẫn tăng năng suất, chất lượng”.

Theo các DN, hiện muốn tuyển được nguồn nhân lực có tay nghề rất khó khăn, nhiều nhà máy sẵn sàng tuyển lao động phổ thông vào để đào tạo nhưng cũng không tuyển được. Thiếu nguồn nhân lực ảnh hưởng lớn đến quá trình phục hồi, mở rộng sản xuất của các nhà máy. Trong tình hình khó khăn chung, DN phải bỏ ra số tiền lớn để nhập khẩu máy móc để tự động hóa nhiều khâu trong sản xuất cũng không phải việc dễ. Hơn 2 năm qua, dịch bệnh Covid-19 khiến đa số DN đều giảm doanh thu và lợi nhuận.

Bà Nguyễn Ngọc An Hảo, Trợ lý Tổng giám đốc Công ty TNHH Vacpro Việt Nam ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 1 (H.Nhơn Trạch) cho hay: “Vacpro cần khoảng 800 lao động tham gia các dây chuyền sản xuất, nhưng sau Tết Nguyên đán 2022, nhiều lao động về quê không trở lại nên công ty thiếu khoảng 100 lao động. Tuy Vacpro có tổ chức tuyển dụng lao động nhưng được rất ít. Để hoạt động các dây chuyền không bị gián đoạn, giữ được công suất đáp ứng kịp các đơn hàng, DN buộc phải hướng dẫn và điều tiết một người phụ trách 2-3 công đoạn”. Cách phân bố lao động như Vacpro giúp cho nhà máy giảm bớt nỗi lo thiếu lao động, tăng năng suất lao động và giúp người lao động tăng thu nhập.

* Đầu tư thêm máy móc, công nghệ

Trong 2 tháng đầu năm nay, các DN Đồng Nai đã chi khoảng 281 triệu USD để nhập khẩu máy móc và dụng cụ phụ tùng về để lắp ráp dây chuyền sản xuất mới hoặc thay đổi những máy móc cũ. Mục tiêu của các nhà máy là để duy trì sản xuất ổn định, tăng năng suất để hoàn thành các đơn hàng đã ký với đối tác trong nước và nước ngoài.

Năm 2020 và 2021, dù xảy ra dịch bệnh Covid-19, nhưng các DN trên địa bàn tỉnh vẫn bỏ ra gần 1,6 tỷ USD/năm để nhập khẩu những máy móc, thiết bị công nghệ hiện đại về để phục vụ cho sản xuất công nghiệp. Một số DN cho biết, đầu tư máy móc hiện đại về giảm lao động, tăng năng suất là một trong những ưu tiên hàng đầu trong sản xuất.

Ông Nguyễn Thanh Minh, Trưởng phòng Hành chính nhân sự Công ty TNHH Action Composites Hightech Industries (Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 giai đoạn 2, H.Nhơn Trạch) kể: “Công ty chuyên sản xuất những linh kiện cho các dòng ô tô, xe mô tô cao cấp và đơn hàng luôn dồi dào. Công ty có kế hoạch mở rộng sản xuất trong năm 2022 và những năm tiếp theo. Tuy nhiên, tuyển lao động với số lượng lớn không dễ nên nhiều khâu, công ty nhập các máy móc hiện đại về để tự động hóa. Nhiều công đoạn chỉ cần một vài lao động theo dõi và điều khiển máy móc”.

Thực tế, có nhiều DN tại Đồng Nai đã dần đưa robot vào trong sản xuất ở một số khâu trong nhà máy, tuy chi phí ban đầu cao nhưng về lâu dài sẽ giải được bài toán thiếu nhân lực. Đây cũng là mong muốn của tỉnh trong thu hút đầu tư trong nước, nước ngoài vào sản xuất công nghiệp trong những năm qua.

Hương Giang

Tin xem nhiều