Giá xăng dầu tiếp tục tăng lên một ngưỡng mới kéo theo hệ lụy là nguyên liệu đầu vào, dịch vụ logistics đều tăng thêm khiến doanh nghiệp (DN) gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Hiện nhiều DN đang cố gắng cân đối, giảm bớt chi phí để duy trì sản xuất.
Giá xăng dầu tiếp tục tăng lên một ngưỡng mới kéo theo hệ lụy là nguyên liệu đầu vào, dịch vụ logistics đều tăng thêm khiến doanh nghiệp (DN) gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Hiện nhiều DN đang cố gắng cân đối, giảm bớt chi phí để duy trì sản xuất.
Gốm của Đồng Nai sản xuất ra đến hơn 90% xuất khẩu sang Hoa Kỳ, châu Âu và các nước khác trên thế giới nên chịu tác động rất lớn từ giá xăng dầu tăng |
Đến ngày 13-3, tại Việt Nam, giá xăng gần 30 ngàn đồng/lít, dầu diesel hơn 25 ngàn đồng/lít, dầu hỏa gần 24 ngàn đồng/lít và dầu mazut gần 21 ngàn đồng/kg. Như vậy, so với cách đây hơn 10 ngày, giá xăng tăng gần 3 ngàn đồng/lít, dầu diesel, dầu hỏa tăng gần 4 ngàn đồng/lít, mazut tăng hơn 2,5 ngàn đồng. Giá xăng dầu trong nước đang được điều chỉnh theo diễn biến giá xăng dầu thế giới.
* Tác động mạnh đến giá thành sản phẩm
Lâu nay, giá xăng dầu có tác động rất lớn đến tình hình sản xuất, kinh doanh của các DN trên các lĩnh vực, bởi giá các mặt hàng, dịch vụ, cước phí sẽ tăng theo. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, DN đang trên đà phục hồi lại phải đối mặt với giá xăng dầu tăng sẽ là gánh nặng vì giá mọi chi phí đều tính vào giá thành sản phẩm, việc này có thể làm chậm tốc độ phát triển và tăng trưởng.
Ông Nguyễn Tiến Chương, Chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai chia sẻ: “Trong nửa năm qua, giá xăng dầu đã tăng khoảng 50% khiến các DN gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Khi nguyên liệu cho sản xuất tăng giá, các dịch vụ như: vận tải, phí thuê kho bãi cũng tăng, DN đều phải tính vào giá thành sản phẩm. Hàng hóa có giá bán cao, người tiêu dùng sẽ thắt chặt chi tiêu, DN sẽ bị thu hẹp đầu ra cả thị trường trong nước lẫn xuất khẩu”.
Theo ông LEE SAM, Giám đốc Công TNHH Men-Chuen Việt Nam (Khu công nghiệp Nhơn Trạch 6, H.Nhơn Trạch), mỗi khi giá xăng dầu tăng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, vì thế DN đều bất an khi mặt hàng trên khó dự báo được trong tương lai sẽ biến động như thế nào. DN không nắm rõ được tình hình khi xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh sẽ bị động và không dám ký những đơn hàng dài hạn với đối tác. |
Nhiều DN cho rằng, giá xăng dầu tăng nhanh với biên độ lớn dẫn đến DN khó trở tay do đa số đơn hàng đều ký hợp đồng trước với đối tác từ 2-10 tháng. Trong 2 năm qua, dịch bệnh Covid-19 đã làm cho lợi nhuận của các DN bị thu hẹp, có những DN chấp nhận sản xuất huề vốn để duy trì hoạt động, giữ chân người lao động. Do đó, nếu giá xăng dầu vẫn tăng, nhiều DN sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong duy trì hoạt động và phát triển.
Ông Võ Thanh Tuấn, Giám đốc Công ty CP An Phú Thịnh (H.Long Thành) cho biết: “Với những đơn hàng đã ký kết từ trước, DN chỉ có thể thương lượng với khách hàng nếu họ chấp nhận cho điều chỉnh giá sẽ bớt áp lực, còn họ không đồng ý DN sẽ phải gánh chịu. Trong bối cảnh như hiện nay, các DN đều phải tính toán cắt giảm những khâu không quan trọng, giảm chi phí sản xuất để duy trì hoạt động”.
* Khó dự báo trước
Vấn đề các DN lo lắng là giá xăng dầu sẽ còn tiếp tục “leo thang” và khó dự báo trước. Như vậy, DN sẽ rơi vào thế bị động vì không tính toán sát được giá thành cho sản phẩm khi nguyên liệu đầu vào phải nhập khẩu từ nhiều quốc gia, giá vận chuyển có thể tiếp tục tăng.
Cụ thể, giá container hàng xuất, nhập khẩu đã tăng từ 4-8 lần so với đầu năm 2020. Đơn cử, đầu năm 2020, DN xuất khẩu hàng vào Hoa Kỳ chỉ 3 ngàn USD/container thì hiện đã tăng lên 24-25 ngàn USD/container. DN còn đang bất an là giao tranh giữa Nga và Ukraine còn tiếp diễn, châu Âu, Hoa Kỳ tiếp tục áp dụng các chính sách trừng phạt với Nga sẽ dẫn đến nguồn cung năng lượng, vận tải bị ảnh hưởng nặng nề. Vì hiện Nga là nước cung ứng dầu thô lớn cho thế giới với khoảng 5 triệu thùng/ngày, không còn nguồn cung trên, các nước châu Âu, Hoa Kỳ sẽ mất một thời gian dài mới tìm được nguồn cung bù lại.
Theo nhiều DN lớn, ngoài nỗi lo về nguyên liệu thì chi phí vận tải có thể sắp có một đợt điều chỉnh giá mới và tình trạng thiếu container vừa mới được cải thiện theo chiều hướng tốt hơn, nay tiếp tục quay trở lại giai đoạn khó khăn như năm 2021.
Ông Trần Văn Danh, Chi hội trưởng Chi hội Vận tải hàng hóa và logistics Đồng Nai cho biết: “Không chỉ DN sản xuất gặp khó khăn khi xăng dầu tăng giá mà ngành vận tải cũng điêu đứng vì không thể điều chỉnh cước vận chuyển hàng hóa theo mỗi chu kỳ tăng giá của xăng dầu. Hiện có nhiều DN vận tải ở Đồng Nai không cầm cự được đã giảm công suất xuống chỉ còn 40-80% so với trước đây”.
Theo các DN, hiện chưa có giải pháp nào tối ưu cho sản xuất, kinh doanh trong tình hình này, nên nhiều DN đang trông đợi chính sách giảm thuế, lãi suất của Chính phủ để vượt qua giai đoạn khó khăn này, tiếp tục khôi phục, phát triển sản xuất.
Khánh Minh