Báo Đồng Nai điện tử
En

Doanh nghiệp "ngóng" vốn giá rẻ

09:03, 08/03/2022

40 ngàn tỷ đồng sẽ được chuyển tới các doanh nghiệp (DN) thông qua ngân hàng theo Nghị quyết 11 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Số tiền này sẽ được giải ngân dưới dạng hỗ trợ lãi suất 2% để người vay tiếp cận nguồn vốn với giá rẻ hơn.

40 ngàn tỷ đồng sẽ được chuyển tới các doanh nghiệp (DN) thông qua ngân hàng theo Nghị quyết 11 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Số tiền này sẽ được giải ngân dưới dạng hỗ trợ lãi suất 2% để người vay tiếp cận nguồn vốn với giá rẻ hơn.

Phục hồi sản xuất, doanh nghiệp đang mong được vay vốn giá rẻ từ ngân hàng Trong ảnh: Đóng gói sản phẩm tại Công ty TNHH Cơ khí Nhật Nam (TP.Biên Hòa)
Phục hồi sản xuất, doanh nghiệp đang mong được vay vốn giá rẻ từ ngân hàng Trong ảnh: Đóng gói sản phẩm tại Công ty TNHH Cơ khí Nhật Nam (TP.Biên Hòa). Ảnh: V.GIA

Đã hơn 1 tháng trôi qua kể từ khi Nghị quyết 11 được ban hành, cộng đồng DN, HTX, hộ kinh doanh đang rất mong chính sách này triển khai trên thực tế, trong khi nghị định hướng dẫn thi hành vẫn đang được Ngân hàng Nhà nước lấy ý kiến để hoàn thiện.

* DN rất cần vốn cho sản xuất

Là DN sản xuất, chế tạo các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ về kim khí, Công ty TNHH Kim Tuấn Thịnh (TP.Biên Hòa) đang có nhu cầu nâng công suất, tuyển thêm lao động để phục vụ nhu cầu đơn hàng tăng lên của các đối tác đang trong quá trình hồi phục sản xuất. Ông Trần Minh Tuấn, Giám đốc công ty cho biết, thông tin Quốc hội, Chính phủ có chính sách hỗ trợ giảm lãi suất 2%, ông và nhiều DN khác rất mừng bởi với nhu cầu vay vốn của mình, các DN sẽ được tiếp cận nguồn tiền ngân hàng với lãi suất thấp hơn. Tuy nhiên, đến nay đã sang tháng 3, các kế hoạch sản xuất bắt đầu vào “phom” mà vẫn chưa nghe DN nào được triển khai cho vay. “Sau thời gian dài khó khăn, nay có cơ hội hồi phục và phát triển, điều cần thiết đối với các DN là nguồn tiền để đổ vốn vào mua nguyên vật liệu cũng như tái đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm. Các DN hầu hết cũng đã vay mượn vốn ngân hàng, mà lãi suất huy động hiện nay đang có xu hướng tăng lên, chúng tôi lại càng lo lắng việc sẽ khó vay vốn hơn khi lãi suất cho vay có thể tăng. Việc cấp bù lãi suất là chính sách rất cần thiết nhưng cần triển khai càng sớm càng tốt” - ông Tuấn mong mỏi.

Ông Nguyễn Đức Tuấn Hải, Giám đốc Công ty TNHH Chiếc Lá Xanh (H.Trảng Bom) chuyên sản xuất đèn ngủ, hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu sang châu Âu, Mỹ cho hay, cấp thiết nhất hiện nay đối với cộng đồng DN là vốn cho sản xuất. Nhiều DN cũng đã ký được đơn hàng xuất khẩu cho những tháng kế tiếp, nhưng chi phí cho sản xuất giai đoạn này đang ở mức cao. Hầu hết nguyên, vật liệu đầu vào liên tục tăng giá, giá dầu, gas lại tăng phi mã, lập đỉnh nhiều lần. Cước vận tải hàng hóa đường biển là một gánh nặng nữa cho các DN xuất khẩu nhưng ngay cả vậy cũng khó để có thể đảm bảo giao hàng đúng thời hạn. Đó là chưa kể tình hình dịch bệnh phức tạp trở lại, khó khăn do tác động bởi giao tranh ở châu Âu cũng đang từng ngày đội chi phí sản xuất lên.

Từng bước hồi phục nhưng các DN nhỏ và vừa lại đang cạn vốn để đổ vào sản xuất, cộng đồng DN rất mong ngóng sớm được vay vốn với lãi suất hỗ trợ, điều này sẽ giúp họ có cơ hội đẩy nhanh quá trình hồi phục của mình.

* Mong đợi, nhưng…

Hiện tại, việc hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của DN, HTX, hộ kinh doanh đang được Ngân hàng Nhà nước lấy ý kiến để trình Chính phủ sớm ban hành.

Cụ thể, dự thảo quy định đối tượng được hỗ trợ lãi suất là DN, HTX, hộ kinh doanh thuộc các ngành nghề: hàng không, vận tải kho bãi; du lịch; dịch vụ lưu trú, ăn uống; GD-ĐT; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp, chế biến, chế tạo; xuất bản phần mềm; lập trình máy vi tính và hoạt động có liên quan; hoạt động dịch vụ thông tin.

Các trường hợp khác cũng được hỗ trợ với mục đích sử dụng vốn để xây dựng nhà ở cho công nhân mua, thuê và thuê mua; xây dựng nhà ở xã hội; cải tạo chung cư cũ thuộc danh mục dự án do Bộ Xây dựng công bố. Mức lãi suất hỗ trợ đối với khách hàng là 2%/năm đối với khoản vay được giải ngân trong khoảng thời gian từ ngày 11-1-2022 đến hết 31-12-2023.

Khách hàng muốn vay vốn theo diện này phải có đơn đề nghị và được ngân hàng cho vay chấp thuận tại thời điểm giải ngân, hoặc thời điểm ký kết thỏa thuận cho vay. Dự thảo cũng đề ra nguyên tắc cụ thể để ngăn ngừa việc trục lợi chính sách. Nếu khách hàng sử dụng vốn vay không đúng mục đích theo kết luận của các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền thì khách hàng có trách nhiệm hoàn trả cho ngân hàng số tiền đã được hỗ trợ lãi suất để hoàn trả ngân sách nhà nước.

Dù rất muốn được vay vốn, song nhận xét khách quan, ông Nguyễn Đức Tuấn Hải đánh giá rằng đối với gói vay này, các DN nhỏ và vừa, DN siêu nhỏ rất khó chạm tới. Ấy là bởi ngân hàng không hạ chuẩn cho vay đối với các DN khi tham gia vay gói lãi suất ưu đãi 2%. Điều kiện là DN không có nợ đang được cơ cấu, nợ xấu mới được tiếp cận chính sách hỗ trợ này thì nhiều cơ sở cũng sẽ rất khó.

“Những việc liên quan đến chính sách, cũng như các chính sách trước đây, chủ yếu các DN lớn mới có thể tiếp cận được. Đó là tiếp cận rồi còn phải xét duyệt, phải chờ các thủ tục khác nữa thì bao giờ DN mới có thể vay vốn được. Ngay như gói vay DN trả lương trước đây, những DN nhỏ khó lòng mà kỳ vọng nhiều. Ngoài ra, vốn chính sách mà nhiều DN chính sách không được hưởng cũng bớt đi ý nghĩa của nó” - ông Hải nói.

Cùng nhận định trên, theo ông Tô Hoài Nam, Phó chủ tịch thường trực, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam, là gói vay chính sách nhưng đối với hơn 90% DN đang gặp khó, đa phần lại là DN nhỏ thì việc siết chặt điều kiện tín dụng cũng sẽ gây thêm khó khăn khi DN muốn tiếp cận nguồn vốn.

Văn Gia

Tin xem nhiều