Để tiến đến sản xuất nông sản lớn, chuyên nghiệp và ổn định thì việc đầu tư các kho lạnh bảo quản sản phẩm sau khi thu hoạch cũng như trong quá trình chế biến là rất quan trọng.
Để tiến đến sản xuất nông sản lớn, chuyên nghiệp và ổn định thì việc đầu tư các kho lạnh bảo quản sản phẩm sau khi thu hoạch cũng như trong quá trình chế biến là rất quan trọng.
Đầu tư kho lạnh quy mô lớn không phải là điều dễ dàng đối với nhiều doanh nghiệp. Trong ảnh: Lắp đặt hệ thống kho lạnh tại một nhà máy của Công ty CP Thực phẩm GC. Ảnh: V.Gia |
Trên địa bàn Đồng Nai, bước đầu đã có một số doanh nghiệp (DN) quan tâm, đầu tư kho lạnh để bảo quản sản phẩm, nhưng vẫn còn ít. Việc đầu tư vào lĩnh vực này không đơn giản bởi chi phí cao, các HTX cũng như DN nhỏ rất khó để thực hiện.
* Hiệu quả bảo quản nông sản cao
Tại H.Cẩm Mỹ, bà Nguyễn Thị Mỹ Dung đã đầu tư kho lạnh cấp đông sản phẩm bán cho các DN chế biến và xuất khẩu. Theo bà Dung, hiện bà có 5 kho lạnh, công suất bình quân 4 tấn/kho. Việc đầu tư kho lạnh giúp bà chủ động nguồn nguyên liệu để cung ứng sầu riêng, mít cấp đông cho các công ty sản xuất bánh kẹo, đồ uống xuất khẩu tươi và sấy khô. Không chỉ thu mua sản phẩm trên địa bàn H.Cẩm Mỹ và các huyện lân cận, bà Dung còn mở rộng vùng nguyên liệu ra các tỉnh miền Tây Nam bộ, Tây nguyên. “Nông sản, trái cây cấp đông rất có tiềm năng cả nguyên liệu đầu vào lẫn thị trường đầu ra, do đó sẽ nâng cấp để vừa tăng công suất lưu kho, giảm tiêu hao điện năng, vừa bảo quản tốt hơn chất lượng sản phẩm” - bà Dung nhận định.
Hiện nay, trong ngành logistics, kho vận, vấn đề bảo quản vẫn đang là điểm yếu của ngành sản xuất, chế biến nông sản của Việt Nam. Thạc sĩ ĐẶNG QUÝ NHÂN, giảng viên Trường đại học Mở TP.HCM cho hay, vì nhiều lý do khác nhau, hệ thống kho lạnh hiện nay ở Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu từ thực tế sản xuất. Ngoài trái cây thì thủy sản cũng cần rất nhiều kho lạnh, đây là 2 mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Về lâu dài, trong chiến lược thu hút đầu tư, các địa phương có thế mạnh về nông nghiệp cần chú trọng hơn đến việc mời gọi DN đầu xây dựng hệ thống kho lạnh, có giải pháp hỗ trợ vốn vay cho DN chế biến nông sản thì mới phần nào giải quyết được tình hình. |
Cũng tại H.Cẩm Mỹ, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thương mại Toàn Thắng là một trong những điển hình thành công nhờ từng bước đầu tư kho lạnh để bảo quản và chế biến sản phẩm sầu riêng. Trong thời điểm mặt hàng trái cây tươi gặp khó khăn trong tiêu thụ do ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19, Toàn Thắng vẫn có thể đưa vào chế biến từ 30-50 tấn trái sầu riêng tươi/ngày và mua, trữ đông hàng trăm tấn sầu riêng tươi. Hiện DN đã xuất khẩu sản phẩm vào Trung Quốc, Hong Kong, Đài Loan, Thái Lan. Theo ông Trương A Vùng, Giám đốc Công ty Toàn Thắng, đây là tiền đề để DN tiếp tục nâng cấp các tiêu chuẩn về chất lượng, mở rộng quy mô chế biến, tính chuyện xuất khẩu vào những thị trường khó tính hơn như: Canada, Hoa Kỳ, Nhật Bản...
Tương tự, Công ty CP Công nghệ thực phẩm Lương Gia hiện có 2 nhà máy chế biến nông sản ở TP.Long Khánh và H.Nhơn Trạch, DN này cũng đã quan tâm đầu tư vào hệ thống bảo quản sản phẩm, chế biến để nâng cao chất lượng mặt hàng nông sản của mình. Đến nay, Lương Gia đang từng bước trở thành DN xuất khẩu nông sản có tiếng tại Đồng Nai.
Việc đầu tư vào hệ thống kho lạnh, bảo quản, chế biến nông sản là hướng đi lâu dài và bắt buộc của các DN, HTX trong lĩnh vực nông nghiệp và chế biến sản phẩm nông nghiệp. Thực tế cho thấy, đơn vị nào xây dựng được hệ thống bảo quản sản phẩm tốt thì sẽ chủ động hơn trong việc dự trữ hàng cho đối tác cũng như phục vụ chế biến của mình.
* Chi phí lớn, DN nhỏ khó kham nổi
Lợi ích của đầu tư vào việc bảo quản nông sản, trong đó có hệ thống kho lạnh đã rõ, nhưng chưa có nhiều nông dân, HTX, kể cả DN làm được vì chi phí đầu tư rất lớn. Đối với những DN lớn, có tiềm lực mạnh thì việc đầu tư xây dựng kho lạnh để bảo quản nông sản là câu chuyện không quá khó khăn, song với các DN nhỏ và vừa thì đây là bài toán khá nan giải.
HTX Thanh Bình (H.Trảng Bom) hiện có tổng diện tích 70ha trồng chuối. Ngoài ra, HTX còn bao tiêu đầu ra cho nhiều nông dân trong vùng. Hiện HTX đang triển khai kế hoạch xây dựng nhà máy chế biến. Đối với việc đầu tư hệ thống kho lạnh, Giám đốc HTX Thanh Bình Lý Minh Hùng cho biết, trong giai đoạn khó khăn hiện nay, mỗi ngày HTX xuất đi hơn 20 tấn chuối, nhưng công suất kho lạnh để bảo quản chỉ được 5 tấn, không “thấm tháp” vào đâu. “Chúng tôi đang làm việc với ngân hàng để tìm hướng thu xếp vốn, đầu tư vào hệ thống nhà máy sản xuất, chế biến, kho bảo quản sản phẩm nhưng trong giai đoạn hiện nay, đây vẫn là bài toán khó” - ông Hùng chia sẻ.
Cũng theo ông Lý Minh Hùng, không chỉ ông mà các DN, HTX khác đều mong muốn Nhà nước quan tâm đầu tư các khu sơ chế, bảo quản công nghệ cao để bảo quản nông sản, trái cây tươi khi xảy ra ùn ứ vì hầu như các sản phẩm của Việt Nam đều theo mùa vụ. Thu hút đầu tư hệ thống kho lạnh quy mô lớn và cho các đơn vị kinh doanh nông sản thuê lại cũng là một giải pháp tốt vì từng đơn vị nhỏ lẻ sẽ rất khó đầu tư khu bảo quản đồng bộ bởi chi phí rất tốn kém.
Tương tự, Công ty CP Thực phẩm GC (H.Trảng Bom) đã đầu tư hơn 20 tỷ đồng để bảo quản sản phẩm cây nha đam trước và trong quá trình sản xuất. Theo đại diện công ty, bảo quản lạnh nông sản sẽ giữ cho chất lượng sản phẩm tươi, ngon hơn, nhưng với số vốn đầu tư lớn, lên đến hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng thì sẽ không nhiều đơn vị theo nổi. Trong khi đó, kho lạnh nhỏ, lẻ thì quy mô dự trữ không đủ đáp ứng. “May mắn là GC đã tích lũy được các nguồn lực nên đã chủ động hơn trong lĩnh vực này, nếu không sẽ gặp nhiều thách thức trong sản xuất và đáp ứng các đơn hàng” - đại diện công ty cho biết.
Văn Gia