Mặc dù dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp nhưng Đồng Nai vẫn kỳ vọng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) năm 2022 sẽ có nhiều khởi sắc. Nếu hạ tầng một số KCN hoàn thành, có đất cho DN thuê thì tỉnh sẽ có đột phá trong thu hút đầu tư.
Mặc dù dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp nhưng Đồng Nai vẫn kỳ vọng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong năm 2022 sẽ có nhiều khởi sắc hơn năm trước. Nếu hạ tầng một số khu công nghiệp (KCN) hoàn thành, có đất cho doanh nghiệp (DN) thuê thì tỉnh sẽ có đột phá trong thu hút đầu tư.
Khu công nghiệp Giang Điền đang được tiến hành mở rộng để thu hút thêm nhà đầu tư. Ảnh: H.GIANG |
Theo Sở KH-ĐT, kế hoạch năm 2022, thu hút đầu tư FDI vào Đồng Nai khoảng 1,1 tỷ USD. Trong đó, riêng các KCN trên địa bàn khoảng 700 triệu USD và ngoài KCN 400 triệu USD. Tuy nhiên, khả năng dòng vốn FDI vào tỉnh sẽ vượt kế hoạch năm.
* Trông đợi hạ tầng KCN
Năm 2021, kế hoạch của tỉnh là thu hút đầu tư FDI, đầu tư trong nước vào KCN lần lượt là 700 triệu USD và 1 ngàn tỷ đồng. Kết quả, các KCN của tỉnh đã thu hút đầu tư FDI được hơn 1,2 tỷ USD, đạt 172,3% kế hoạch năm và thu hút đầu tư trong nước được trên 1.272 tỷ đồng, đạt 127,2% kế hoạch. Trong năm trước, thu hút đầu tư vào các KCN tại Đồng Nai gặp 2 khó khăn lớn là dịch bệnh Covid-19 khiến thời gian giãn cách xã hội kéo dài và diện tích đất cho thuê ở những KCN còn rất ít. Thế nhưng, thu hút đầu tư của tỉnh vẫn về đích sớm. Năm nay, tỉnh dự kiến sẽ hoàn thành sớm thủ tục đất đai để nhà đầu tư hoàn thành hạ tầng cho DN thứ cấp thuê đất làm nhà xưởng sản xuất, kinh doanh.
Ông Lê Văn Danh, Phó trưởng ban phụ trách Ban Quản lý các KCN Đồng Nai cho biết: “Tỉnh đang cố gắng hỗ trợ DN hạ tầng bằng cách giải quyết nhanh các thủ tục liên quan đến đất đai, xây dựng để sớm hoàn thiện hạ tầng KCN Công nghệ cao Long Thành (H.Long Thành) và một số KCN mở rộng diện tích. Có diện tích đất công nghiệp lớn cho thuê, tỉnh sẽ thu hút được nguồn vốn lớn của DN FDI và DN Việt, như vậy khả năng vượt xa kế hoạch năm”.
Đến nay, Đồng Nai đã thành lập 32 KCN, trong đó có 31 KCN đang hoạt động, KCN Công nghệ cao Long Thành đang trong quá trình bồi thường giải phóng mặt bằng và thực hiện các thủ tục về đất đai để xây dựng hạ tầng. Bên cạnh đó, có nhiều KCN đang tiến hành mở rộng như: Amata, Giang Điền, Hố Nai, Sông Mây, Ông Kèo, Định Quán…
Ông Nguyễn Hoàng Nguyên, Trưởng phòng Quản lý đất đai Công ty CP Đô thị Amata Long Thành cho hay: “Công ty là chủ đầu tư hạ tầng KCN Công nghệ cao Long Thành. Hiện công ty đang gấp rút hoàn thành các thủ tục về đất đai để xây dựng hạ tầng, dự tính đến cuối năm nay sẽ có khoảng 40ha cho các DN thuê làm nhà máy sản xuất”.
Cũng theo ông Nguyên, thời gian qua, có những DN FDI đã đến tìm hiểu về KCN Công nghệ cao Long Thành và đề nghị sẽ thuê diện tích đất lớn để triển khai dự án. Do đó, nếu có mặt bằng sớm để thi công hạ tầng nhanh sẽ đón được dòng vốn lớn, chất lượng cao của DN FDI vào KCN.
* Công nghiệp vẫn hấp dẫn nhà đầu tư
Đồng Nai có nhiều dự án hạ tầng giao thông lớn cấp quốc gia, vùng, tỉnh đang được triển khai kết nối nhằm tạo động lực cho phát triển kinh tế. Tỉnh khai thác những lợi thế trên bằng cách quy hoạch thêm các dự án về KCN, cụm công nghiệp để phát triển công nghiệp. Đầu tư vào hạ tầng KCN, công nghiệp trên địa bàn tỉnh là lĩnh vực được các DN rất quan tâm và muốn bỏ vốn đầu tư.
Khu công nghiệp Nhơn Trạch 2 (H.Nhơn Trạch) có nhiều doanh nghiệp muốn mở rộng sản xuất nhưng đã hết đất cho thuê |
Ông Hiroyuki Ichil, Tổng giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Long Đức (H.Long Thành) chia sẻ: “Công ty đầu tư hạ tầng KCN Long Đức khá thành công, thu hút được nhiều DN FDI đầu tư vào và hiện nay đã lấp đầy. Vì thế, công ty đang tìm hiểu và rất muốn tham gia đầu tư thêm hạ tầng các KCN khác tại Đồng Nai để có đất cho DN thứ cấp thuê. Thời gian qua, có nhiều DN Nhật Bản, FDI đã ngỏ ý với công ty muốn đầu tư mới, mở rộng sản xuất nếu có đất công nghiệp cho thuê”.
Nhiều DN đánh giá, đầu tư vào các KCN của Đồng Nai rất thuận lợi vì tỉnh nằm ở khu vực đầu mối giao thông của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ, đường thủy, đường sắt và tới đây là đường hàng không rất thuận lợi. Hàng hóa sản xuất tại Đồng Nai có thể vận chuyển đi các tỉnh, thành khác trong cả nước và xuất khẩu sẽ rút ngắn được thời gian, chi phí vận chuyển. Do đó, nếu tỉnh hoàn thiện nhanh các thủ tục, hồ sơ đầu tư hạ tầng KCN, có sẵn đất cho thuê thì sẽ có nhiều DN FDI, DN trong nước đến tỉnh đầu tư vào công nghiệp.
Ông Park Hyun Bae, Chủ tịch Hiệp hội các DN Hàn Quốc tại Đồng Nai nói: “Đến nay, các DN Hàn Quốc đã đầu tư vào Đồng Nai trên 7 tỷ USD và dự tính trong năm nay và những năm tới sẽ còn tiếp tục tăng cao, khi dịch bệnh Covid-19 lắng xuống, đi lại giữa 2 nước thuận lợi. Nếu Đồng Nai đầu tư hoàn thiện hạ tầng các KCN có đất cho thuê với diện tích lớn sẽ có nhiều tập đoàn của Hàn Quốc đăng ký đầu tư vào tỉnh”.
Trong năm 2022 và những năm tiếp theo, Đồng Nai có nhiều cơ hội thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp. Tuy nhiên, tỉnh muốn đón được dòng vốn lớn, chất lượng cao của các DN thì phải nhanh chóng hoàn thành các thủ tục để có mặt bằng cho DN thuê.
Hương Giang