Báo Đồng Nai điện tử
En

Doanh nghiệp nỗ lực trong năm mới

10:02, 06/02/2022

Dù dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, song đối với cộng đồng doanh nghiệp (DN), nhất là DN nhỏ và vừa trên địa bàn Đồng Nai, thời kỳ khó khăn nhất đã dần qua đi. Các DN cũng đã rất nỗ lực để có thể duy trì sản xuất, giữ vững chuỗi cung ứng để bước vào năm 2022 với nhiều kỳ vọng.

Dù dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, song đối với cộng đồng doanh nghiệp (DN), nhất là DN nhỏ và vừa trên địa bàn Đồng Nai, thời kỳ khó khăn nhất đã dần qua đi. Các DN cũng đã rất nỗ lực để có thể duy trì sản xuất, giữ vững chuỗi cung ứng để bước vào năm 2022 với nhiều kỳ vọng.

Hoạt động sản xuất tại một doanh nghiệp trên địa bàn TP.Biên Hòa
Hoạt động sản xuất tại một doanh nghiệp trên địa bàn TP.Biên Hòa. Ảnh: V.THẾ

Ngoài những nỗ lực tự thân, cộng đồng DN cũng rất mong có thêm chính sách thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi hơn để giúp DN tiếp tục phục hồi và phát triển.

* Vượt khó, chuẩn bị “sức” phục hồi

Công ty CP Sản xuất bao bì công nghiệp Toàn Cầu với nhiều nhà máy hoạt động ở Đồng Nai đã hoàn thành vượt mức kế hoạch đặt ra trong năm 2021. Ông Phạm Văn Chính, Giám đốc công ty cho hay, có những thời điểm DN đối mặt với rất nhiều khó khăn, nhất là tại nhà máy ở TP.Biên Hòa nằm trong vùng tạm phong tỏa, giãn cách xã hội để phòng dịch. DN đã phải tìm mọi cách để ứng phó với những bất lợi cùng lúc như: thiếu lao động sản xuất, nguyên vật liệu tăng giá, cước vận tải tăng cũng như nguồn cung nguyên liệu đứt gãy… Bên cạnh đó, DN còn phải chuẩn bị cho việc sản xuất tại chỗ trong một thời gian khá dài. Tuy nhiên, nhờ nỗ lực của toàn bộ nhân viên mà năm 2021, DN này vẫn tăng trưởng 20% về sản lượng so với năm 2020. Trên đà thắng lợi đó, công ty đã quyết định mở thêm nhà máy sản xuất mới để nâng công suất và đầu tư dây chuyền thiết bị hiện đại nhằm đưa ra những mẫu mã, sản phẩm chất lượng. Dự kiến trong năm nay, việc chuẩn bị nhà máy mới sẽ được thực hiện, đưa DN bước vào giai đoạn phát triển mới.

Theo số liệu của Cục Thống kê Đồng Nai, năm 2021, dù gặp nhiều khó khăn nhưng nhìn chung, các DN cũng nỗ lực đầu tư vốn thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh của mình. Trong năm qua, tổng vốn đầu tư trong nước đăng ký cấp giấy chứng nhận đầu tư, chủ trương đầu tư và điều chỉnh tăng vốn là hơn 13,3 ngàn tỷ đồng. Tổng vốn đăng ký thành lập mới DN ngoài nhà nước và bổ sung tăng vốn hơn 93,2 ngàn tỷ đồng, tăng 7,4% so với năm 2020. Trong đó có 2,9 ngàn DN đăng ký thành lập mới và 946 DN đăng ký tăng vốn bổ sung. Mặc dù về tổng thể, nguồn vốn mà các DN bổ sung vào nền kinh tế không đạt được mức cao như năm trước nhưng đây cũng là những con số thể hiện nỗ lực của DN sau một năm đầy biến động.

Tương tự, một DN khác cũng có kế hoạch mở rộng nhà máy trong năm 2022 là Công ty TNHH Cơ khí Nhật Nam. Hơn 1,5 triệu USD đã được DN đầu tư cho nhà máy thứ 2 với diện tích sàn sản xuất lên tới hơn 4 ngàn m2, cách khu sản xuất cũ không xa. Dù bị gián đoạn phần nào bởi dịch bệnh nhưng công tác chuẩn bị để đưa nhà máy mới vào vận hành cũng đang rất tích cực.

Hay như tại Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức, trong những tháng dịch bệnh, ông Đặng Tường Khanh, Giám đốc công ty cũng đã chịu khó đi khảo sát vùng đất Tây nguyên để thực hiện chiến lược mở rộng vùng cung ứng nguyên liệu của mình. Theo ông Khanh, mở rộng vùng nguyên liệu là hướng đi lâu dài của công ty. Ảnh hưởng của dịch bệnh cho thấy nguồn nguyên liệu ca cao thế giới dự báo sẽ còn có những thăng trầm. Trong tương lai, ngoài vùng Đông Nam bộ, Đồng Nai là chủ lực thì Trọng Đức định hướng sẽ còn mở rộng vùng nguyên liệu ra nhiều tỉnh, thành khác ở Tây nguyên, miền Trung và cả nước bạn Lào.

Một trong những ngành vẫn giữ được “phong độ” trong năm qua là sản xuất, chế biến gỗ. Theo ông Võ Quang Hà, Tổng giám đốc Công ty CP Tân Vĩnh Cửu, trải qua nhiều biến động do đại dịch Covid-19, nhưng các DN ngành gỗ đã nỗ lực hết mình. Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tỉnh Đồng Nai đạt 1,86 tỷ USD, tăng 10,8% so với năm 2020, đứng thứ 4 trong nhóm các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất của tỉnh và đứng thứ 2 xuất khẩu gỗ cả nước.

Trong năm 2021, Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai (Dowa) đã triển khai đề án sản xuất chế biến lâm sản bền vững tỉnh Đồng Nai đến năm 2025; phối hợp hướng dẫn các hội viên thực hiện thử nghiệm phân loại DN chế biến và xuất khẩu. Để phát triển ngành gỗ Đồng Nai, Dowa đã cơ bản vạch ra chiến lược để phát triển, thúc đẩy giao thương quốc tế. Dự kiến sau khi sân bay Long Thành xây dựng xong, sẽ xây dựng một trung tâm triển lãm chuyên sâu và sàn giao dịch điện tử về đồ gỗ. Đồng Nai sẽ giữ vị thế là địa phương hàng đầu trong kế hoạch đưa kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ từ 10 tỷ USD lên 20 tỷ USD trong năm 2025 theo mục tiêu mà Chính phủ đặt ra.

* Xem lao động là vốn quý của DN

Đối với các DN sản xuất, quy mô càng lớn thì số lượng lao động cũng vì thế mà nhiều hơn. Chăm lo đời sống cho người lao động sau một năm vất vả là giải pháp mà các DN trên địa bàn tỉnh đang thực hiện để khuyến khích họ gắn bó và cống hiến nhiều hơn nữa cho công ty.

Đầu tư máy móc, công nghệ để nâng cao năng lực là hướng đi mà nhiều doanh nghiệp tính toán tới
Đầu tư máy móc, công nghệ để nâng cao năng lực là hướng đi mà nhiều doanh nghiệp tính toán tới

Năm nay, các nhà máy, chi nhánh của Công ty TNHH MTV Thế Linh (chuyên sản xuất chăn, ga, gối, nệm ở TP.Biên Hòa) cũng gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, trong nhiều tháng liền phải tạm ngưng sản xuất tại khu vực nhà máy ở TP.Biên Hòa, nơi có khoảng 100 lao động, đã gây trở ngại cho sản xuất, cung ứng sản phẩm ra thị trường.

Ông Phạm Thế Linh, Giám đốc công ty cho hay, mười mấy năm khởi nghiệp, đây là khoảng thời gian mà ông cảm thấy khó khăn nhất kể từ khi DN đã đi vào sản xuất ổn định. Khó khăn chung của công ty nhưng cùng với đó cũng là khó khăn riêng của mỗi người lao động. Việc người lao động gắn bó với công ty được xem là tài sản quý mà bất cứ DN nào cũng phải gìn giữ.

Để người lao động gắn bó với DN, Công ty TNHH MTV Thế Linh luôn tìm các giải pháp nhằm hỗ trợ một cách tốt nhất có thể. Dù năm qua, việc sản xuất, kinh doanh gặp bất lợi nhưng các khoản chi lương, thưởng tết cho người lao động vẫn đảm bảo ổn định như mọi năm. Bên cạnh đó, các lao động gắn bó lâu năm với công ty còn có thêm các đãi ngộ khác.

“Chúng tôi hiểu sự gắn có của người lao động với văn hóa công ty là rất quan trọng, tạo nên thành công cho DN. Tại Thế Linh, những lao động có thâm niên làm việc 9-10 năm trở lên và có thành tích tốt, chúng tôi còn chi tiền để mua bảo hiểm nhân thọ trong vòng 10 năm như là một sự tri ân” - ông Phạm Thế Linh chia sẻ.

Tương tự, Công ty TNHH MTV Liên Khanh đóng trên địa bàn xã Bàu Trâm, vùng có đông người dân tộc thiểu số của TP.Long Khánh được xem là DN sản xuất tiêu biểu, đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động là đồng bào dân tộc. Ông Nguyễn Công Thụy, Giám đốc công ty cho biết, đợt dịch vừa qua, nhờ có sự chuẩn bị kỹ càng nên hoạt động sản xuất của DN vẫn giữ được sự ổn định, tạo điều kiện cho những tháng cuối năm tăng tốc sản xuất để phục vụ nhu cầu của khách hàng. Là người sinh ra và lớn lên tại địa phương, ông Thụy hiểu được những khó khăn về cuộc sống của nhiều người dân nơi đây bởi kinh tế từng nhà chủ yếu phụ thuộc vào việc sản xuất nông nghiệp nên luôn chú trọng, quan tâm hỗ trợ người lao động có việc làm và mức thu nhập ổn định.

Để cộng đồng DN ngày một phát triển lớn mạnh, khắc phục các khó khăn đã trải qua, DN rất mong muốn nhận được thêm sự khuyến khích, động viên từ việc hỗ trợ chính sách của chính quyền các cấp. Việc triển khai ngay các gọi hỗ trợ từ Trung ương cũng như tạo thuận lợi về môi trường kinh doanh vì thế rất cấp thiết.

Vương Thế

Tin xem nhiều