Thời gian qua, các ngân hàng đã đồng loạt tăng lãi suất huy động tiền gửi. Khi nhu cầu vốn của khách hàng dần hồi phục trong mùa kinh doanh cao điểm và dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, ngân hàng đẩy mạnh huy động vốn.
Thời gian qua, các ngân hàng đã đồng loạt tăng lãi suất huy động tiền gửi. Khi nhu cầu vốn của khách hàng dần hồi phục trong mùa kinh doanh cao điểm và dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, ngân hàng đẩy mạnh huy động vốn. Tuy nhiên, trước áp lực tăng lãi suất huy động, nhiều doanh nghiệp (DN) lo ngại có thể tạo sức ép lên lãi suất cho vay.
Sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh đang hồi phục, doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn ngân hàng lớn hơn. Ảnh: V.Gia |
Theo đó, lãi suất cho vay có thể được các ngân hàng điều chỉnh tăng lên, điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh đang hồi phục sau dịch.
* Lãi suất huy động tăng
Từ đầu năm đến nay, nhiều ngân hàng đã công bố tăng lãi suất huy động. Khảo sát tại phần lớn các ngân hàng, lãi suất huy động tiền gửi bằng Việt Nam đồng trong tháng 2-2022 tại nhiều ngân hàng đã được điều chỉnh tăng; trong đó, có ngân hàng huy động với lãi suất trên 12%/năm…
Cụ thể, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) điều chỉnh tăng lãi suất từ 0,4-0,5%/năm với nhiều kỳ hạn từ ngày 7-2. Tại Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank), khách hàng gửi tiết kiệm online cũng được cộng thêm 0,3-0,4%/năm so với gửi tại quầy và mức lãi suất áp dụng đầu Xuân cũng cao hơn so với cùng kỳ năm trước 0,2-0,4%/năm tùy theo kỳ hạn gửi. Đặc biệt, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), khách hàng được hưởng lãi suất cao nhất lên tới 12,4%/năm khi gửi tiền tiết kiệm Prime Savings trên ngân hàng số VPBank NEO. Các ngân hàng khác cũng có những chính sách nhằm thu hút tiền gửi trong dân bằng cách tăng lãi suất huy động vốn.
Việc ngân hàng tăng lãi suất huy động đã khiến cho một số DN có nhu cầu vay vốn hồi phục sản xuất, kinh doanh cũng lo ngại sẽ ảnh hưởng đến chiều cho vay của ngân hàng.
Ông Nguyễn Trí Minh, Giám đốc Công ty TNHH Giấy Minh Cường Phát (Khu công nghiệp Amata, TP.Biên Hòa) cho biết, công ty đang phục hồi sản xuất mạnh. Nhu cầu về bao bì giấy trên thị trường đang gia tăng trở lại nên DN đang tăng tốc nhập hàng để cung ứng cho các đối tác. Tuy nhiên, sau nhiều tháng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, việc phục hồi vẫn chưa được như trạng thái ban đầu, do đó nguồn tài chính vẫn khó khăn. Việc các ngân hàng tăng lãi suất huy động cũng khiến cho ông cũng như các DN khác lo lắng sẽ ảnh hưởng đến lãi suất cho vay, như vậy cũng tác động đến nguồn tiền của DN, trong đó có cả những khoản vay cũ.
Tương tự, một DN vận tải khách trên địa bàn TP.Biên Hòa cho hay, ngành Vận tải đã và đang lấy lại tốc độ phục hồi. Kế hoạch của DN này trong năm nay là sẽ đầu tư thêm một số đầu xe mới để mở rộng hướng tuyến vận tải khách từ TP.Biên Hòa đi các địa phương khác và vận chuyển khách du lịch cao cấp. So với dự kiến ban đầu, nếu như ngân hàng tăng lãi suất cho vay, DN này sẽ phải chịu thêm một khoản chi phí bởi số vốn hiện tại là không đủ. Đại diện công ty cho hay, vẫn đang nghe ngóng tình hình để có những quyết định tiếp theo một cách hiệu quả nhất.
* Khó có biến động lớn
Qua theo dõi, mặc dù việc tăng lãi suất huy động đã diễn ra trong thời gian gần đây, nhưng các chuyên gia ngân hàng nhận định, lãi suất cho vay có thể sẽ không có nhiều biến động bởi Nhà nước vừa có những động thái để ngành Ngân hàng tiếp tục chủ trương giảm lãi suất, cơ cấu nợ cho khách hàng. Điều này rất cần thiết và phù hợp để hỗ trợ cộng đồng DN trong giai đoạn đầu của quá trình hồi phục sau dịch. Trong đó, Quốc hội đã thông qua và Chính phủ cũng bắt đầu triển khai gói chính sách tiền tệ hỗ trợ lãi suất 2%/năm, tối đa 40 ngàn tỷ đồng cho một số ngành nghề ưu tiên.
Khi đại dịch Covid-19 xảy ra từ đầu năm 2020 đến nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã 3 lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành, tạo điều kiện cho các ngân hàng có thêm điều kiện giảm lãi suất cho vay. Đến nay, lãi suất cho vay đã giảm trên dưới 2% so với trước khi dịch bệnh xảy ra. Đồng thời, hệ thống ngân hàng đẩy mạnh tái cơ cấu vốn, giãn nợ cho DN bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Tại Đồng Nai, dư địa vốn của các ngân hàng còn rất lớn. Các ngân hàng sẵn sàng hỗ trợ khách hàng cá nhân, DN có phương án kinh doanh hiệu quả, khả thi, đáp ứng các điều kiện vay. Theo số liệu của Cục Thống kê Đồng Nai, đến ngày 31-1-2022, tổng dư nợ cấp tín dụng trên địa bàn khoảng 284 ngàn tỷ đồng, tăng 1,6% so với ngày 31-12-2021 (trong đó nợ xấu ước chiếm 0,75% trên tổng dư nợ cho vay). Đồng thời, các tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn, giảm lãi vay cho 27,3 ngàn khách hàng, kể cả DN lớn, DN nhỏ, các hộ kinh tế gia đình với tổng giá trị nợ lũy kế gần 11 ngàn tỷ đồng.
Ông Phạm Quốc Bảo, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Đồng Nai cho hay, đến hiện tại, ghi nhận việc tăng lãi suất huy động của các ngân hàng vẫn chưa tác động đến lãi suất cho vay. Để hỗ trợ, đồng hành cùng cộng đồng DN trên địa bàn, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Đồng Nai sẽ tiếp tục bám sát các quyết định của Trung ương để chỉ đạo, đôn đốc các tổ chức tín dụng triển khai đồng bộ những giải pháp tín dụng cho người dân, DN. Đặc biệt là vấn đề triển khai cho vay vốn với lãi suất ưu đãi nhằm hỗ trợ quá trình phục hồi của DN.
Văn Gia