Báo Đồng Nai điện tử
En

Dịch vụ cộng sinh công nghiệp còn nghèo nàn

08:02, 27/02/2022

Cộng sinh công nghiệp trong khu công nghiệp (KCN) là hoạt động mà các doanh nghiệp (DN) hợp tác nhằm tối ưu hóa việc sử dụng nguyên liệu đầu vào, chất thải đầu ra.

Cộng sinh công nghiệp trong khu công nghiệp (KCN) là hoạt động mà các doanh nghiệp (DN) hợp tác nhằm tối ưu hóa việc sử dụng nguyên liệu đầu vào, chất thải đầu ra.

5 hình thức cộng sinh công nghiệp trong khu công nghiệp theo Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam  Thông tin: Hoàng Lộc - Đồ họa: Hải Quân
5 hình thức cộng sinh công nghiệp trong khu công nghiệp theo Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam. Thông tin: Hoàng Lộc - Đồ họa: Hải Quân

Dịch vụ này được đánh giá góp phần tiết kiệm chi phí sản xuất, giảm rủi ro về môi trường. Tuy nhiên, tại Đồng Nai loại hình dịch vụ này còn ít.

* Ít dịch vụ cộng sinh công nghiệp

Chia sẻ tại hội thảo Tăng cường năng lực quản lý môi trường và chuyển đổi xanh tại các KCN tỉnh Đồng Nai cuối năm 2021, ông Lê Xuân Thịnh, Giám đốc Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam cho biết, hiện một số KCN ở Việt Nam đã hình hành các hình thức cộng sinh công nghiệp như: cộng sinh tiện ích và chia sẻ hạ tầng; cộng sinh phụ phẩm và trao đổi chất thải; cộng sinh các dịch vụ chung.

Trong công nghiệp, thông thường chất thải của ngành này là nguyên liệu, hàng hóa của ngành khác. Việc phát triển các hình thức cộng sinh như: nguyên vật liệu, phế phẩm, nước thải, năng lượng trong KCN hoặc các KCN lân cận giúp các DN tiết kiệm chi phí, giảm rủi ro về môi trường. Điều các DN cần là phải có tổ chức, đơn vị hỗ trợ khai thông pháp lý; kết nối các DN cùng ngành nghề có thể cộng sinh cùng nhau; các quy định chi tiết và rõ ràng.

Phát triển các dịch vụ cộng sinh công nghiệp trong KCN giúp DN tiết kiệm chi phí nguyên vật liệu, chi phí vận chuyển; từ đó gia tăng lợi nhuận, tăng lợi thế cạnh tranh, giúp cải thiện hồ sơ môi trường, giảm phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên, nâng cao uy tín của DN với khách hàng, cộng đồng địa phương. Đồng thời nó cũng giúp KCN từng bước chuyển sang mô hình phát triển sinh thái xanh.

Tuy nhiên, theo dõi tại Đồng Nai, loại hình dịch vụ này còn ít, chưa rõ ràng. Có chăng chỉ cộng sinh tiện ích và chia sẻ hạ tầng: điện, nước, xử lý nước thải. Còn lại, các DN tự tìm kiếm nguồn nguyên liệu, đơn vị đào tạo nhân lực, đối tác chuyển nhượng hoặc xử lý phụ phẩm, chất thải. Ông Thành cho rằng, các KCN thiên về một vài ngành nghề như: dệt may Nhơn Trạch, chế biến gỗ Tam Phước, Long Thành thuận lợi triển khai hình thức cộng sinh phụ phẩm và trao đổi chất thải. Chẳng hạn, DN sản xuất đồ gỗ có thể cung cấp mùn cưa cho nhà máy ván ép; công ty xử lý nước thải có thể cấp nước cho DN dệt nhuộm, khí biogas cho DN sử dụng nhiên liệu sinh khối; chế biến thực phẩm cộng sinh được với sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Ông Cao Việt Chương, Giám đốc KCN Nhơn Trạch 6 chia sẻ, kinh tế tuần hoàn, cộng sinh công nghiệp là xu thế tất yếu góp phần giúp ngăn ngừa ô nhiễm và hướng tới phát triển KCN sinh thái. KCN Nhơn Trạch 6 đặt mục tiêu chuyển đổi theo hướng này nhưng hiện còn nhiều rào cản về cơ chế và luật pháp. Một đơn cử nhỏ là, KCN Nhơn Trạch 6 muốn sử dụng lại dung dịch tẩy rửa bề mặt ống thép của Công ty TNHH Thép SeAH Việt Nam trong KCN, nhưng theo quy định, dung dịch này được xếp vào nhóm nước thải loại A, phải chuyển giao cho đơn vị có chức năng xử lý, sau đó mới chuyển lại cho DN cộng sinh, rất lòng vòng, tốn kém.

Bà Hoàng Thanh Nga, Quản lý chương trình dệt may của Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam - WWF Việt Nam cho rằng, xanh hóa quy trình sản xuất, cam kết bảo vệ môi trường và phát thải thấp là các tiêu chí mà DN ngành dệt may phải thực hiện khi tham gia chuỗi cung ứng quốc tế. Tuy nhiên, phần lớn các KCN chưa có hoặc thiếu dịch vụ cộng sinh công nghiệp. Hiện chưa có nhiều mô hình, sáng kiến về trao đổi chất thải, năng lượng, tuần hoàn nước giữa các DN dệt may cùng KCN và giữa các KCN; chưa có sự kết nối giữa KCN, DN với cộng đồng dân cư để bảo vệ môi trường xung quanh.

* Cần hỗ trợ về vốn, pháp lý

Trên thực tế, hiện đã có những DN tại Đồng Nai áp dụng hình thức cộng sinh công nghiệp nhưng chưa phổ biến. Do thiếu diện tích đất và chuyên môn, chi phí đầu tư lớn nên chưa hình thành được mô hình cộng sinh hoàn chỉnh.

Ông Binu Jacob, Tổng giám đốc Nestlé Việt Nam cho rằng, DN rất quan tâm đến loại hình cộng sinh phụ phẩm và trao đổi chất thải. Tuy nhiên, do KCN chưa có hình thức cộng sinh này nên DN phải hợp tác với các đơn vị riêng lẻ. Chẳng hạn, hợp tác với công ty sản xuất gạch không nung để tái sử dụng bùn thải, tro từ hoạt động sản xuất cà phê; hợp tác với công ty tái chế bao bì (lon, vỏ) để giảm rác thải. DN tự thực hiện giảm nhựa nguyên sinh thông qua đổi mới và cải tiến bao bì; tuần hoàn bình nước lavie loại 19 lít.

Theo đại diện KCN Amata, năm 2021 KCN được Bộ KH-ĐT chọn thí điểm dự án Triển khai KCN sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ chương trình KCN sinh thái toàn cầu. Dự án này khuyến khích KCN hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật và xã hội để kết nối, hỗ trợ DN thực hiện cộng sinh công nghiệp; khuyến khích các DN hợp tác với nhau hoặc với bên thứ ba đào tạo nhân lực, sử dụng các yếu tố đầu vào sản xuất, tái sử dụng chất thải và năng lượng dư thừa nhằm giảm chi phí. Tuy nhiên đến nay, chưa có sự hỗ trợ pháp lý, vốn cho KCN hay DN thực hiện chuyển đổi.

Ông Võ Tân Thành, Phó chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, việc phát triển các KCN mới theo hướng chuyên ngành để áp dụng các hình thức cộng sinh công nghiệp tại Đồng Nai, Bình Dương hay TP.HCM là khó vì đa ngành nghề, trình độ và năng lực công nghệ khác nhau. Giải pháp đặt ra là chuyển đổi từ KCN truyền thống sang KCN sinh thái, KCN xanh tạo cơ hội cho các DN cộng sinh với nhau thành một hệ thống kinh tế tuần hoàn trong KCN. Thông qua hệ thống này, nhà đầu tư có thể tiết kiệm chi phí sản xuất, lưu thông, làm hạ giá thành sản phẩm.

Ban Mai

Tin xem nhiều