Sau đợt nghỉ Tết Nguyên đán 2022, nhu cầu tiêu thụ nhiều mặt hàng như: thực phẩm tươi sống, rau củ quả, dịch vụ ăn uống… thường tăng cao. Nhiều chợ, siêu thị, cửa hàng kinh doanh dịch vụ… đã chủ động các phương án kinh doanh phù hợp, tiếp tục triển khai các chương trình khuyến mãi để thu hút khách hàng.
Sau đợt nghỉ Tết Nguyên đán 2022, nhu cầu tiêu thụ nhiều mặt hàng như: thực phẩm tươi sống, rau củ quả, dịch vụ ăn uống… thường tăng cao. Nhiều chợ, siêu thị, cửa hàng kinh doanh dịch vụ… đã chủ động các phương án kinh doanh phù hợp, tiếp tục triển khai các chương trình khuyến mãi để thu hút khách hàng.
Người dân chọn mua các loại rau củ quả tại một sạp kinh doanh ở chợ Biên Hòa. Ảnh: L.Phương |
* Nhiều mặt hàng,dịch vụ vẫn còn “giá Tết”
Ghi nhận của phóng viên tại các chợ ở TP.Biên Hòa như: chợ Biên Hòa, chợ Tân Hiệp…, giá các loại thịt heo, thịt gà, thịt bò hiện vẫn tương đương, một số mặt hàng còn giảm giá so với thời điểm trước đợt nghỉ Tết Nguyên đán, sức mua các mặt hàng này chưa nhiều…
Bà Thu Huệ, chủ một sạp thịt gà ở chợ Tân Hiệp chia sẻ: “Sức mua những ngày đầu năm khá chậm. Do đó, tôi cân đối lượng hàng nhập về bán cho phù hợp, lượng hàng nhập về bán hiện giảm khoảng 50% so với trước Tết”.
Trong khi đó, sức mua các loại rau củ quả có xu hướng tăng sau Tết, giá các loại rau xanh, củ, quả lại tăng khoảng 10-15%. Nhiều chủ sạp rau ở chợ Biên Hòa cho biết, do sau Tết nguồn rau củ quả nhập về chưa ổn định, phong phú nên giá một số loại rau củ có xu hướng tăng. Theo đó, giá súp lơ khoảng 40 ngàn đồng/kg, cà rốt, khoai tây 25-30 ngàn đồng/kg, bắp cải 20 ngàn đồng/kg, dưa leo 20-25 ngàn đồng/kg, cà chua khoảng 30 ngàn đồng/kg…
Giá các loại trái cây vẫn ở mức cao so với trước Tết, nhu cầu tiêu thụ cao trong những ngày đầu năm mới. Bà Mộng Thu, chủ một sạp trái cây ở chợ Tân Hiệp cho biết, các loại trái cây hiện bán khá chạy, giá nhiều loại trái cây trong nước khá ổn định, trong khi giá các loại trái cây nhập khẩu tăng hơn trước Tết do chi phí vận chuyển tăng.
Tương tự, các các loại hải sản “nhích” giá hơn so với trước Tết như: cá diêu hồng 60-70 ngàn đồng/kg, cá bông lau 60-75 ngàn đồng/kg, cá lóc 60-80 ngàn đồng/kg, tôm thẻ khoảng 200 ngàn đồng/kg, mực lá 250-300 ngàn đồng/kg, bạch tuộc khoảng 200 ngàn đồng/kg…
Bà Kim Loan, chủ một sạp bán hải sản ở chợ Biên Hòa cho biết, sau Tết nguồn cung ứng chưa ổn định, trong khi nhu cầu tiêu thụ có phần giảm hơn nên giá nhiều loại hải sản tăng từ 5-10 ngàn đồng/kg tùy loại.
Ông Nguyễn Văn Cương, Phó trưởng ban Quản lý chợ Biên Hòa chia sẻ, hiện nhiều mặt hàng thực phẩm tươi sống, thịt tại chợ vẫn giữ giá ổn định, trong khi giá một số loại rau củ quả những ngày qua có xu hướng tăng 10-15% tùy loại. Sức mua nhìn chung bắt đầu chững lại so với đợt cao điểm cận Tết Nguyên đán. Ban Quản lý chợ sẽ tiếp tục chủ động thực hiện công tác báo giá hằng ngày, đảm bảo niêm yết giá…
Người tiêu dùng chọn mua các loại thịt gà tại một sạp kinh doanh ở chợ Tân Hiệp (TP.Biên Hòa) |
Bên cạnh đó, để đáp ứng nhu cầu thay đổi khẩu vị cũng như tìm một không gian ăn uống, tụ họp đầu năm, ngày càng có nhiều hàng quán mở cửa kinh doanh, phục vụ xuyên Tết. Tuy nhiên, khi đi ăn uống vào những ngày này, khách hàng phải lưu ý vấn đề là hàng quán tăng giá hoặc có tính thêm phí phụ thu. Có nơi tính phí 5-10 ngàn đồng/món ăn, uống; có nơi tính phụ thu 10-30%/tổng giá trị hóa đơn, thậm chí cao hơn...
Chị Thanh Ngân (ngụ P.Bửu Long, TP.Biên Hòa) cho biết, việc phụ thu dịp Tết cũng hợp lý vì tiền nguyên liệu trong những ngày này tăng cao do khan hiếm nguồn cung, cũng như để bù đắp việc trả lương cho nhân viên làm Tết phải nhân đôi, nhân ba so với những ngày bình thường. Tuy nhiên, hàng quán cần tăng giá phù hợp, có thông báo rõ ràng cho khách hàng biết trước để tránh gây khó chịu, bức xúc cho khách hàng khi tính tiền.
* Sức mua sau Tết bão hòa
Đại diện nhiều siêu thị, chợ truyền thống, lượng khách đến mua sắm từ ngày 2-2 (tức mùng 2 Tết) đến nay giảm hơn khá nhiều so với những ngày giáp Tết do nhiều người đã trữ đủ các loại thực phẩm, bánh kẹo, thức uống từ trước Tết, nhiều gia đình về quê hoặc đi du lịch nên nhu cầu mua sắm giảm.
Ông Phạm Phước Lộc, Phó giám đốc Co.opmart Biên Hòa chia sẻ, siêu thị mở cửa trở lại từ mùng 4 Tết (ngày 4-2), nhìn chung sức mua những ngày sau Tết có phần chững lại. Người tiêu dùng chủ yếu chọn mua các loại thực phẩm tươi sống, rau củ quả, thực phẩm chế biến sẵn… Siêu thị vẫn tiếp tục chạy các chương trình khuyến mãi, kích cầu tiêu dùng, cũng như áp dụng chương trình rút thăm trúng thưởng, hái lộc đầu năm… để thu hút khách hàng.
Đại diện chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây (H.Thống Nhất) cho biết, nhiều tiểu thương của chợ hoạt động xuyên Tết, trong những ngày đầu Xuân mới từ mùng 2 Tết (ngày 2-2) đến nay, số lượng tiểu thương hoạt động khoảng 40%, lượng rau củ quả tiêu thụ trung bình tại chợ khoảng 100 tấn/ngày. Nhìn chung nhu cầu tiêu thụ trong những ngày đầu năm vẫn chưa cao, dự báo khoảng từ sau mùng 10 Tết, nhu cầu sẽ trở lại ổn định bình thường…
Tương tự, theo ông Nguyễn Danh Thịnh, Giám đốc HTX Thương mại dịch vụ Phương Lâm, đơn vị quản lý chợ Phương Lâm (H.Tân Phú), sức mua tại chợ những ngày vừa qua chưa cao, chủ yếu tập trung vào các mặt hàng rau củ quả. Chợ chủ động phương án về nguồn hàng, đảm bảo hoạt động kiểm tra, niêm yết giá...
Nhiều cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống cho biết sẽ triển khai các phương án kinh doanh phù hợp sau Tết và sớm đưa đơn giá trở lại bình thường, tránh trường hợp giữ “giá Tết” quá lâu.
Ông Nguyễn Anh Vũ, quản lý chuỗi quán ăn Nhà Đôi tại TP.Biên Hòa chia sẻ, sức mua dịp Tết tăng khoảng 30-40% so với ngày thường. Trong thời gian Tết, cửa hàng có thu phụ phí đối với một số món trên thực đơn để cân đối các chi phí duy trì hoạt động xuyên Tết. Đến hết mùng 7 Tết (ngày 7-2), cửa hàng sẽ quay về áp dụng đơn giá bình thường.
Lam Phương