Là quốc gia có thiên hướng về sản xuất, xuất khẩu nên ở Việt Nam, dịch vụ logistics từ đầu vào đến đầu cuối rất quan trọng cho việc vận hành chuỗi cung ứng. Tốc độ phát triển, tiềm năng của dịch vụ logistics là rất lớn, tuy nhiên hiện tại chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng cho ngành còn nhiều hạn chế.
Là quốc gia có thiên hướng về sản xuất, xuất khẩu nên ở Việt Nam, dịch vụ logistics từ đầu vào đến đầu cuối rất quan trọng cho việc vận hành chuỗi cung ứng. Tốc độ phát triển, tiềm năng của dịch vụ logistics là rất lớn, tuy nhiên hiện tại chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng cho ngành còn nhiều hạn chế.
Nhân lực cho ngành Logistics đang là bài toán quan trọng của các doanh nghiệp hiện nay. Ảnh: V.Thế |
Việc kết nối đào tạo giữa các trường đại học, hiệp hội, các doanh nghiệp (DN) và địa phương là rất cần thiết và cấp bách để nâng cao năng lực đáp ứng của ngành trong tương lai.
* Nhu cầu cao, nguồn cung thiếu và yếu
TS Mai Xuân Thiệu, Chủ tịch Hiệp hội Phát triển nhân lực logistics Việt Nam nhận định, nhân lực đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển bền vững logistics ở Việt Nam, nhưng chưa phát huy được vai trò. Việt Nam có khoảng 3 ngàn DN có hoạt động liên quan đến logistics và dự kiến đến năm 2030, nhu cầu nguồn nhân lực về logistics sẽ trên 200 ngàn. Trong khi đó, khả năng đáp ứng về nhu cầu nguồn nhân lực logistics chỉ khoảng 10% nhu cầu của thị trường nên có thể nói nguồn nhân lực logistics tại Việt Nam đang thiếu cả về số lượng lẫn chất lượng.
Tương tự, tại Đồng Nai, ông Nguyễn Duy Hưng, Phó chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai, Giám đốc Công ty TNHH Hưng Thịnh Phát (chuyên dịch vụ vận tải hàng hóa, vận tải container và dịch vụ xuất nhập khẩu) cho hay, số lượng DN nội tỉnh làm về logistics bước đầu có phát triển nhưng quy mô nhỏ, hoạt động chưa thực sự chuyên nghiệp, lại bị cạnh tranh gay gắt với các đơn vị cung cấp dịch vụ của nước ngoài.
“DN vừa nhỏ, thiếu các kỹ năng, dịch vụ logistics chuyên nghiệp, lại cạnh tranh với nhau nên chưa lớn mạnh được, một phần cũng do nguồn cung ứng chất lượng nhân sự còn thiếu, các DN phải bỏ công đào tạo lại nhưng vẫn chưa nhiều” - ông Hưng nhận xét.
Với dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, hệ thống cảng biển nước sâu, hơn 30 khu công nghiệp và mạng lưới đường cao tốc, Đồng Nai có nhiều lợi thế để trở thành trung tâm logistics của cả khu vực. Vấn đề là ngoài sự chuẩn bị về cơ sở hạ tầng thì công tác đào tạo cũng phải được tính toán càng sớm càng tốt. Việc tính toán quy hoạch logistics Đồng Nai là phải kéo được các DN không chỉ ở trong tỉnh mà các tỉnh, thành khác trong khu vực về làm dịch vụ xuất nhập khẩu. Hiện tại, nhiều DN của Đồng Nai vẫn đang phải làm dịch vụ xuất nhập khẩu ở TP.HCM, trong khi địa phương lại có lợi thế hơn hẳn về đường sông, hệ thống cảng có thể phát triển.
Về lâu dài, xu hướng dịch chuyển ra khỏi trung tâm đô thị sẽ là chủ đạo. Nếu không có sự chuẩn bị tốt, nhất là về nguồn nhân lực, tỉnh sẽ rất khó nắm bắt và tận dụng được những lợi thế này.
Mở rộng kết nối để nâng cao năng lực đáp ứng
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc xây dựng nguồn nhân lực trong lĩnh vực logistics tại Việt Nam đòi hỏi sự tham gia và cam kết tích cực của các bên liên quan, bao gồm: Chính phủ, chính quyền địa phương, các DN logistics và các trường dạy nghề. Đặc biệt, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chuyên trách với DN nhằm xác định chính xác nhu cầu lao động và tuyển dụng. Bên cạnh đó, Nhà nước cần xây dựng các bộ tiêu chuẩn nghề đối với lĩnh vực logistics, hỗ trợ các trường đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị thuộc lĩnh vực logistics…
Nhận thấy được điều này, Chính phủ đã ban hành kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025. Trong đó, việc đào tạo nhân lực phục vụ ngành được xác định rất quan trọng gồm những nội dung đẩy mạnh đào tạo logistics, nhất là ở cấp đại học, nâng cao chất lượng và số lượng giảng viên về logistics. Đào tạo cơ bản về logistics cho cán bộ quản lý DN và cán bộ quản lý nhà nước. Kết nối các tổ chức đào tạo, DN logistics Việt Nam với các tổ chức đào tạo nước ngoài.
TS Mai Xuân Thiệu cho biết thêm, Hiệp hội Phát triển nhân lực logistics Việt Nam được thành lập trong năm nay cũng nhằm mục tiêu trên và Hiệp hội sẽ có nhiều kế hoạch để thúc đẩy sự liên kết, kết nối này.
Không chỉ mở rộng kết nối, đào tạo giữa nhà trường và DN mà sự bắt tay hợp tác của các DN với nhau cũng là điều rất cần thiết.
Ngày 5-11, Tập đoàn Hùng Nhơn, một trong những tập đoàn hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực chăn nuôi với các trang trại chăn nuôi heo, gà tại nhiều tỉnh, thành Đông Nam bộ, Tây nguyên, cũng như các lĩnh vực bất động sản, sản xuất, thương mại khác, đã ký kết hợp tác chiến lược với Công ty TNHH Thông Quan, một trong những DN logistics tiêu biểu của Đồng Nai. Theo đó, hai bên hướng tới hợp tác nhằm đầu tư phát triển áp dụng công nghệ thông tin 4.0 trong hoạt động logistics; dịch vụ ủy thác xuất nhập khẩu, thủ tục hải quan; dịch vụ vận chuyển đa phương thức, các mặt hàng siêu trường, siêu trọng; dịch vụ thương mại mua bán, xuất nhập khẩu hàng nông sản, kết nối nhà cung cấp và phân phối trong nước và quốc tế; dịch vụ thuê kho bãi.
Ông Đặng Văn Điềm, Giám đốc Công ty TNHH Thông Quan cho biết, đây là cơ hội để DN nâng tầm hoạt động của mình. “Chúng tôi hy vọng việc hợp tác giữa 2 đơn vị sẽ tạo ra cơ hội cùng phát triển lâu dài, phối hợp chặt chẽ để thực hiện thành công các dự án khác trong tương lai, nhất là ở lĩnh vực vận tải, logistics và chuỗi cung ứng, cung cấp dịch vụ cho các khách hàng một cách tốt nhất” - ông Điềm mong muốn.
Vương Thế