Đồng Nai đã đưa ra những giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, để đạt hiệu quả cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành, địa phương trong thực hiện quy hoạch, lựa chọn nhà đầu tư, giám sát dự án.
[links()]Đồng Nai đã đưa ra những giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, để đạt hiệu quả cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành, địa phương trong thực hiện quy hoạch, lựa chọn nhà đầu tư, giám sát dự án.
Một dự án khu đô thị ở xã Phước An (H.Nhơn Trạch) hơn 15 năm còn ngổn ngang, mới xây dựng vài căn nhà mẫu dở dang. Ảnh: H.GIANG |
Theo kế hoạch sử dụng đất (SDĐ) của các huyện, thành phố, năm 2021, Đồng Nai có hơn 1,9 ngàn dự án với diện tích khoảng 26 ngàn ha. Trong đó, chỉ có 250 dự án đăng ký mới, còn lại là dự án cũ những năm trước chuyển qua. Các dự án trên sẽ được đưa vào quy hoạch SDĐ cấp huyện giai đoạn 2021-2030. Các dự án đều có lộ trình thực hiện, song những năm qua, ít dự án hoàn thành đúng thời hạn.
* Đẩy nhanh tiến độ dự án
Các dự án được quy hoạch để triển khai gồm có dự án đầu tư công và dự án thực hiện bằng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước do các doanh nghiệp (DN) đăng ký thực hiện. Qua tìm hiểu, trên địa bàn tỉnh rất nhiều dự án chậm tiến độ kể cả dự án đầu tư công lẫn dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách. Trong đó, có không ít dự án kéo dài nhiều năm chưa hoàn thành như: đường ven sông Đồng Nai; đường ven sông Cái; đường trục trung tâm TP.Biên Hòa; hương lộ 2; chống ngập suối Chùa, suối Bà Lúa, suối Cầu Quan; Khu du lịch Sơn Tiên; Khu công nghiệp công nghệ cao Long Thành; Khu công nghiệp Cẩm Mỹ; khu dân cư Long Tân - Phú Hội; khu đô thị Đại Phước; điểm du lịch sinh thái Sixsense Latitude Sài Gòn River…
Phó chủ tịch UBND H.Nhơn Trạch Nguyễn Thế Phong cho biết: “Huyện thường xuyên rà soát các dự án trên địa bàn và nhắc nhở nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ các dự án. Với các dự án thực hiện bằng nguồn vốn ngoài ngân sách mà DN không chịu triển khai, cố ý kéo dài thời gian thực hiện, huyện sẽ kiến nghị UBND tỉnh thu hồi để mời gọi nhà đầu tư khác hoặc bỏ quy hoạch SDĐ nếu không còn phù hợp. Còn dự án đầu tư công, huyện phối hợp với chủ đầu tư thực hiện nhanh công tác bồi thường giải phóng mặt bằng để sớm có đất sạch thi công”.
Các dự án đầu tư công, Chính phủ, UBND tỉnh có quy định, đến cuối năm giải ngân đạt từ 95% kế hoạch trở lên; nếu không đạt, vốn sẽ chuyển qua những dự án khác và năm sau sẽ không bố trí vốn nhiều cho dự án. Quy định trên là để các địa phương buộc phải đẩy nhanh tiến độ các dự án để giải ngân. Các dự án đầu tư công đa số thuộc lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật nên hoàn thành đúng tiến độ sẽ tạo đột phá cho địa phương trong phát triển kinh tế - xã hội.
Giám đốc Sở KH-ĐT Hồ Văn Hà cho hay: “Muốn đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công thì chủ đầu tư phải chọn được đơn vị tư vấn, thi công có năng lực, đội ngũ làm công tác bồi thường giải phóng mặt bằng chuyên nghiệp. Đồng thời, các đơn vị liên quan có sự kết hợp chặt chẽ, kịp thời giải quyết những vướng mắc, như vậy mới rút ngắn được thời gian thực hiện dự án”.
Cũng theo ông Hà, với dự án đầu tư ngoài ngân sách nhà nước, vào tháng 5-2021, UBND tỉnh đã giao cho Sở tiến hành kiểm tra hơn 100 dự án lớn tại các huyện, thành phố. Qua kiểm tra sẽ hướng dẫn, nhắc nhở các DN thực hiện theo đúng lộ trình đã cam kết, những dự án quá thời gian quy định không triển khai sẽ tham mưu cho UBND tỉnh thu hồi.
* Kiểm soát chặt chẽ hơn
Qua tìm hiểu các dự án chậm triển khai có nhiều nguyên nhân, nhưng đa số vẫn là vướng về quy hoạch, bồi thường giải phóng mặt bằng, chủ đầu tư không đủ năng lực thực hiện, xin cấp phép dự án rồi để đó chờ thời. Do đó, nhiều người dân trên địa bàn tỉnh mong muốn UBND tỉnh, các địa phương kiểm tra, rà soát kỹ từng dự án và có theo dõi chặt chẽ lộ trình triển khai. Các DN không đủ năng lực thực hiện dự án hoặc đăng ký dự án với mục đích chỉ là mua đi, bán lại để kiếm lời chứ không có ý định xây dựng như cam kết ban đầu thì nên thu hồi.
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng nhấn mạnh: “Trong giai đoạn tới, việc điều chỉnh quy hoạch các dự án rất khó khăn. Vì thế, trong quy hoạch SDĐ cấp huyện giai đoạn 2021-2030, các huyện, thành phố phải phối hợp với đơn vị tư vấn, các sở, ngành rà soát, tính toán thật kỹ và dự báo sát với thực tế để khi những dự án đưa vào quy hoạch SDĐ có sự đồng nhất giữa các quy hoạch để có thể triển khai nhanh. Các huyện, thành phố để xảy ra nhiều dự án lệch pha về quy hoạch phải điều chỉnh, không thực hiện được thì lãnh đạo địa phương sẽ phải chịu trách nhiệm”.
Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cũng giao Sở KH-ĐT cùng với các địa phương kiểm tra lại năng lực của các đơn vị tư vấn xem có đáp ứng được yêu cầu hay không. Qua đó, ưu tiên chọn những đơn vị tư vấn giỏi có kinh nghiệm để các dự án được phê duyệt có thể triển khai theo đúng lộ trình và trong quá trình thi công ít phải điều chỉnh sẽ rút ngắn thời gian, sớm hoàn thành đưa vào khai thác.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai Nguyễn Hồng Quế, các địa phương cùng lúc làm nhiều dự án nên nhân lực phải dàn trải, dẫn đến các dự án kéo dài không thực hiện kịp tiến độ. Huyện, thành phố có nhiều dự án đang triển khai, hằng tuần thường họp giải quyết khó khăn nên mời thêm các sở, ngành để hỗ trợ giải quyết vướng mắc, đẩy nhanh được tiến độ.
Theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, dự án đã giao đất sau 2-4 năm không triển khai sẽ bị thu hồi và Nhà nước sẽ không bồi thường đất, tài sản trên đất. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, nhiều DN đã “lách luật” bằng cách kéo dài thời gian hoàn tất thủ tục đầu tư, chậm trễ trong bồi thường giải phóng mặt bằng… Do đó, trên địa bàn tỉnh vẫn tồn tại những dự án kéo dài 1-2 thập niên chưa xong.
Một số chuyên gia kinh tế chia sẻ, muốn khắc phục tình trạng dự án kéo dài, tỉnh cần lựa chọn kỹ nhà đầu tư và chỉ cấp phép cho những DN có kinh nghiệm, năng lực trên lĩnh vực mời gọi đầu tư. Bên cạnh đó, UBND tỉnh có quy định, cam kết cụ thể, chi tiết với DN về thời gian triển khai dự án và quá thời hạn quy định sẽ thu hồi. UBND tỉnh căn cứ vào giấy chứng nhận đầu tư đã cấp để quản lý, đốc thúc DN thực hiện đúng tiến độ, nếu cố tình chậm trễ phải cương quyết xử lý và thu hồi dự án. Các địa phương khi quy hoạch cần tính toán kỹ, chỉ đưa các dự án có khả năng triển khai vào quy hoạch SDĐ và dự báo được những vướng mắc để có giải pháp tháo gỡ từ đầu sẽ hạn chế được dự án “treo” hai lần. |
Hương Giang