8 tháng của năm 2021, trong bức tranh tổng thể của xuất khẩu thì thị trường Mỹ có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, dự báo tăng trưởng xuất khẩu những tháng cuối năm vẫn còn là ẩn số...
8 tháng của năm 2021, trong bức tranh tổng thể của xuất khẩu thì thị trường Mỹ có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Mỹ tiếp tục được củng cố là quốc gia có vị trí số 1 của hàng xuất khẩu Việt Nam. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, dự báo tăng trưởng xuất khẩu những tháng cuối năm vẫn còn là ẩn số.
Sản xuất tại Công ty TNHH Tân Seiko (TP.Biên Hòa), doanh nghiệp đang định hướng mở rộng xuất khẩu sang Mỹ. Ảnh: V.Thế |
Bên cạnh đó, hàng xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ cũng đang đứng trước những vấn đề điều tra hợp pháp, phòng vệ thương mại, do vậy các doanh nghiệp (DN) làm hàng xuất khẩu cần lưu ý để tránh sai sót cũng như có giải pháp để đa dạng hóa thị trường hơn.
* Thị trường xuất khẩu lớn nhất
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tháng 8-2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam đạt 26,2 tỷ USD, tính chung 8 tháng đạt 212,55 tỷ USD, tăng 21,2% so với cùng kỳ năm trước.
Về thị trường xuất khẩu, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 62,2 tỷ USD, tăng 32,5% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là Trung Quốc đạt 32,7 tỷ USD, tăng 19,8%. Thị trường Liên minh châu Âu (EU) đạt 26,1 tỷ USD, tăng 14,5%. Thị trường ASEAN đạt 18,4 tỷ USD, tăng 23,3%. Hàn Quốc đạt 13,9 tỷ USD, tăng 9,9%. Nhật Bản đạt 13,5 tỷ USD, tăng 8,6%. Như vậy, tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ của Việt Nam đạt mức rất cao, giá trị xuất khẩu cũng gần gấp đôi so với thị trường lớn thứ 2 là Trung Quốc.
Một số mặt hàng Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất sang Mỹ như: dệt may; giày dép; gỗ và sản phẩm từ gỗ; máy móc, thiết bị dụng cụ và phụ tùng khác; máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại các loại và linh kiện.
Đơn cử như mặt hàng dệt may, Mỹ luôn là một trong những thị trường xuất khẩu chính. Kim ngạch xuất khẩu dệt may vào Mỹ năm 2020 đạt 14 tỷ USD, chiếm 40% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam. 8 tháng của năm và cả năm 2021, Mỹ sẽ tiếp tục là thị trường nhập khẩu hàng dệt may lớn nhất từ Việt Nam.
Tại Đồng Nai, thống kê cho thấy, 8 tháng của năm 2021, xuất khẩu đạt gần 15,2 tỷ USD, tăng hơn 29,1% so với cùng kỳ. Riêng thị trường Mỹ đạt gần 4,74 tỷ USD, chiếm gần 31,2% tổng giá trị xuất khẩu. Trong cùng kỳ, nhập khẩu từ Mỹ vào Đồng Nai là hơn 979 triệu USD, có nghĩa là thị trường Mỹ tiếp tục là thị trường xuất siêu lớn nhất của tỉnh. Hàng hóa từ Đồng Nai vào được thị trường Mỹ sẽ có cơ hội mở rộng ra các thị trường khác.
Là cơ sở mộc mỹ nghệ xuất khẩu nổi tiếng của Đồng Nai, theo ông Nguyễn Thành Nhân, chủ Cơ sở Gỗ mỹ nghệ Thành Nhân (ở xã Bình Minh, H.Trảng Bom), từ nhiều năm nay, các đối tác ở Mỹ là thị trường lớn nhất của cơ sở. Doanh nghiệp Mỹ yêu cầu rất cao về chất lượng sản phẩm nên quá trình sản xuất phải chăm chút, làm đúng theo các thiết kế, mẫu mã được đối tác đưa ra. Từ việc bán được hàng ở thị trường này, cơ sở tiếp tục mở rộng ra thị trường khác.
Tương tự, ông Lương Minh Liêm, Giám đốc Công ty TNHH Tân Seiko (TP.Biên Hòa) cho hay, các sản phẩm nhựa kỹ thuật dùng trong thiết bị điện tử, thiết bị y tế của DN ngoài bán cho các đối tác là công ty có vốn đầu tư nước ngoài trong nước thì một phần đang được xuất khẩu sang một số nước phát triển. Trong đó, Mỹ là thị trường chiến lược mà công ty hướng đến trong những năm tới.
* Nhiều “sóng gió” trong những tháng cuối năm
Mặc dù xuất khẩu nói chung, xuất khẩu sang Mỹ nói riêng tăng trưởng cao trong 8 tháng của năm 2021, nhưng thực tế gần đây tình hình xuất khẩu đang gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch Covid-19.
Đánh giá của Cục Thống kê Đồng Nai, tăng trưởng xuất khẩu cao là do cộng dồn các tháng lại, đặc biệt là 6 tháng đầu năm. Từ tháng 7 trở lại đây, dịch bệnh bùng phát trên diện rộng, nhiều DN phải ngừng sản xuất hoặc chỉ bố trí một phần, hạn chế người lao động tại nhà máy để thực hiện “3 tại chỗ” nên sản lượng hàng hóa cũng như giá trị xuất khẩu đã sụt giảm mạnh.
So với tháng 7, xuất khẩu tháng 8 của Đồng Nai giảm tới 19,7% do hàng loạt nhà máy phải ngưng hoạt động. Hầu hết các sản phẩm đều giảm so với tháng trước, trong đó những mặt hàng giảm nhiều là: gỗ giảm 18,38% và dệt may giảm 19,83%.
Theo các DN, sự hoạt động chậm lại để chống đỡ dịch bệnh sẽ xảy ra nhiều vấn đề nguy hại vì việc đáp ứng các đơn hàng là liên tục, khi đã tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu với các quy định khắt khe thì phải đảm bảo được tiến độ mắc xích của mình. Trong một thời hạn nhất định như 1-2 tháng, các đối tác vẫn có thể gia hạn để DN giao hàng hoặc triển khai kế hoạch dự phòng, tuy nhiên tình trạng này kéo dài sẽ khiến cho nguy cơ bị đứt nguồn xuất hàng, hủy hợp đồng là rất lớn.
“Trong tình hình hiện nay, tiêm vaccine ngừa Covid-19 là giải pháp khả dĩ nhất để “cứu” nền sản xuất, giữ được hoạt động ổn định của kinh tế. Chúng tôi rất lo lắng trong những tháng tới nếu dịch bệnh kéo dài chưa biết tình hình sẽ đi về đâu” - ông Lê Xuân Quân, Phó chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai cho hay.
Bên cạnh ảnh hưởng của dịch bệnh, một vấn đề khác là một số mặt hàng, sản phẩm Việt Nam tiếp tục có nguy cơ bị Mỹ áp dụng biện pháp chống lẩn tránh, gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp hoặc áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại. Cụ thể là gỗ dán từ nguyên liệu gỗ cứng, tủ gỗ, ghế sofa có khung gỗ, đá nhân tạo, gạch men, xe đạp điện, ống đồng, vỏ bình gas, ghim đóng thùng, gỗ thanh... Do đó, trong quá trình làm hàng xuất khẩu từ nay đến cuối năm, DN cần quan tâm đến lĩnh vực này để xuất khẩu mang tính bền vững.
Vương Thế