Báo Đồng Nai điện tử
En

Sớm chuẩn bị cho phục hồi kinh tế

08:09, 12/09/2021

Hiện nay, nhiều tỉnh, thành trên cả nước đang gấp rút xây dựng kế hoạch để phục hồi kinh tế khi dịch Covid-19 từng bước được kiểm soát. Đây cũng là khoảng thời gian Đồng Nai tập trung dập dịch để doanh nghiệp nhanh chóng khôi phục sản xuất,...

Hiện nay, nhiều tỉnh, thành trên cả nước đang gấp rút xây dựng kế hoạch để phục hồi kinh tế khi dịch Covid-19 từng bước được kiểm soát. Đây cũng là khoảng thời gian Đồng Nai tập trung dập dịch để doanh nghiệp (DN) nhanh chóng khôi phục sản xuất, kinh doanh, góp phần thực hiện “mục tiêu kép”.

Công ty TNHH Sản phẩm máy tính Fujitsu Việt Nam ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2 đang duy trì sản xuất khoảng 30%, hy vọng sớm mở cửa khôi phục lại sản xuất bình thường
Công ty TNHH Sản phẩm máy tính Fujitsu Việt Nam ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2 đang duy trì sản xuất khoảng 30%, hy vọng sớm mở cửa khôi phục lại sản xuất bình thường. Ảnh: H.GIANG

Ngày 9-9-2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 105/NQ- CP về hỗ trợ DN, HTX, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19. Mục tiêu là để khôi phục, phát triển lại sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa và khắc phục gián đoạn chuỗi cung ứng.

* Nỗ lực trong bối cảnh nhiều khó khăn

Sau thời gian giãn cách xã hội kéo dài, đa số các DN tại Đồng Nai và các tỉnh, thành khác đều rơi vào khó khăn. Trong đó, có nhiều DN phải dừng hoạt động, còn những DN duy trì được sản xuất thì chỉ cầm chừng, công suất chỉ đạt trên 30% so với trước đây. Đồng Nai, TP.HCM, Bình Dương là những trung tâm công nghiệp quan trọng nhất của Việt Nam bị thiệt hại nặng nề do dịch bệnh Covid-19 đã dẫn đến chuỗi cung ứng của cả nước gián đoạn, kéo theo hàng loạt các nhà máy không đủ nguyên liệu để sản xuất hoặc sản phẩm không tiêu thụ được.

Ông Alain Cany, Chủ tịch Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam cho biết: “Đợt dịch lần thứ 4 đã tác động rất lớn đến sản xuất kinh doanh của DN châu Âu tại Việt Nam, nhiều DN chỉ duy trì sản xuất 30-40%. Hiện nay, thị trường châu Âu có nhu cầu nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam tăng mạnh, nhưng do không thể sản xuất được nên 18% đơn hàng đã được chuyển qua nước khác và 16% đơn hàng khác đang được đối tác cân nhắc. Nếu giãn cách xã hội tiếp tục kéo dài, kinh tế chưa mở cửa trở lại trong tháng 9- 2021, có thể đơn hàng sẽ tiếp tục chuyển đi”.

Cũng theo ông Alain Cany, dù nhiều DN châu Âu tại Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh Covid-19 nhưng chưa có DN nào có ý định rút lui khỏi Việt Nam. Các DN vẫn tin tưởng vào chính sách điều hành của Chính phủ, nỗ lực của chính quyền các địa phương trong phòng chống dịch bệnh và chuẩn bị các giải pháp cho phục hồi kinh tế.

Bên cạnh đó, giãn cách xã hội cũng khiến cho nhiều DN gặp khó khăn trong lưu thông hàng hóa giữa các tỉnh, thành. Việc giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, sản xuất, xuất nhập khẩu cũng gặp trở ngại. Đồng thời, chính sách về phòng chống dịch của một số địa phương ban hành gấp, DN không đủ thời gian chuẩn bị khiến cho hoạt động sản xuất kinh doanh rơi vào bị động.

Tổng giám đốc Công ty TNHH Bosch Việt Nam Guru Mallikarjuna cho rằng, thời gian giãn cách xã hội kéo dài khiến DN gặp rất nhiều khó khăn trong việc thực hiện phương án “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 địa điểm”. Vì các nhà máy không đủ chỗ để bố trí cho tất cả người lao động ở lại làm việc nên chỉ duy trì được hơn 30% lao động so với bình thường. Do đó, công suất của các nhà máy giảm mạnh, ảnh hưởng đến các đơn hàng đã ký kết. Quá trình vận chuyển hàng hóa của DN gặp nhiều trở ngại bởi các quy định về hàng hóa thiết yếu. Mở cửa trở lại sẽ giúp DN phục hồi sản xuất, đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hóa không bị gián đoạn.

* Doanh nghiệp mong sớm phục hồi sản xuất

Vừa qua, UBND tỉnh Đồng Nai đã có văn bản gửi các sở, ngành, huyện, TP.Biên Hòa, TP.Long Khánh tham mưu các nội dung để UBND tỉnh xây dựng kế hoạch phục hồi kinh tế trên địa bàn Đồng Nai. Trong đó, UBND tỉnh sẽ ban hành giấy thông hành vaccine thay cho các hình thức quản lý khác như: giấy đi đường, kết quả xét nghiệm âm tính... Đưa ra các giải pháp, ứng dụng công nghệ thông tin trong DN và cộng đồng qua các nền tảng thương mại điện tử nhằm tránh tiếp xúc trực tiếp. Đồng thời, tỉnh sẽ ban hành quy chuẩn hoạt động các ngành nghề để xây dựng lộ trình mở cửa từng bước cho phù hợp với điều kiện thực tế là vừa phòng, chống dịch vừa duy trì sản xuất. Với lĩnh vực hải quan sẽ ứng dụng điện tử 100% đối với các thủ tục về thương mại, xuất nhập khẩu, thuế để DN rút ngắn thời gian thông quan xuất khẩu, an tâm sản xuất kinh doanh.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức, tỉnh sẽ tập trung vào các giải pháp hỗ trợ các DN, cơ sở kinh doanh giảm chi phí, chăm lo đời sống cho người lao động. Trong thời gian tới, Đồng Nai sẽ đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, thương mại, giúp DN mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa, xuất khẩu. Tỉnh tiếp tục mời gọi các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào nhiều lĩnh vực như: công nghiệp, hạ tầng kỹ thuật, thương mại dịch vụ, nông nghiệp, du lịch... Mục tiêu của tỉnh là thực hiện thành công “mục tiêu kép” theo yêu cầu của Chính phủ và cùng với các tỉnh, thành khác trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, khơi thông và vận hành chuỗi cung ứng ổn định, góp phần khôi phục nền kinh tế.

Ông Chris Hooun, Giám đốc chiến lược toàn cầu của Tập đoàn Shire Oak International (Anh) chia sẻ: “Tập đoàn đang đợi kinh tế được mở cửa lại bình thường sẽ tiếp tục liên kết với một số DN, tổ chức trên địa bàn tỉnh triển khai các dự án về năng lượng tái tạo. Đồng Nai là nơi công nghiệp phát triển nên có nhiều tiềm năng đề mở rộng đầu tư trên lĩnh vực này”.

Những DN nước ngoài đã đầu tư vào tỉnh mong muốn kinh tế mở cửa trở lại để khôi phục lại sản xuất bình thường, nắm lấy cơ hội từ các thị trường châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc đang có nhu cầu nhập khẩu hàng hóa lớn từ Việt Nam. Bên cạnh đó, nhiều tập đoàn, DN nước ngoài cũng hy vọng giao thương trở lại bình thường để mở rộng đầu tư vào tỉnh trên các lĩnh vực.

Hương Giang

Tin xem nhiều