Hiện nay, Nhật Bản là đối tác giao thương lớn thứ ba của Đồng Nai. Tuy gần 2 năm qua, đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng lớn đến giao thương giữa các nước, nhưng xuất khẩu và thu hút đầu tư từ Nhật Bản vào Đồng Nai vẫn tăng cao.
Hiện nay, Nhật Bản là đối tác giao thương lớn thứ ba của Đồng Nai. Tuy gần 2 năm qua, đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng lớn đến giao thương giữa các nước, nhưng xuất khẩu và thu hút đầu tư từ Nhật Bản vào Đồng Nai vẫn tăng cao.
Sản xuất thiết bị máy móc để xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản tại Công ty TNHH Daiwa Light Alloy Industry Việt Nam ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 giai đoạn II. Ảnh: H.Giang |
Theo Sở Công thương, kim ngạch xuất khẩu của Đồng Nai vào thị trường Nhật Bản 7 tháng của năm 2021 đạt gần 1,3 tỷ USD, chiếm 9,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh và tăng hơn 13% so với cùng kỳ năm trước.
* Thị trường xuất khẩu lớn
Nhiều năm trở lại đây, kim ngạch xuất khẩu của Đồng Nai vào Nhật Bản liên tục tăng cao và đây là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của tỉnh chỉ sau Hoa Kỳ và Trung Quốc. Hàng hóa các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh xuất nhiều qua Nhật Bản là máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng; phương tiện vận tải và phụ tùng; giày dép các loại; sản phẩm gỗ; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện.
Những năm gần đây, DN trên địa bàn tỉnh rất chú trọng đến thị trường này và liên tục mở rộng thị phần để tận dụng các lợi thế từ Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương - CPTPP.
Chủ tịch UBND tỉnh CAO TIẾN DŨNG cho biết, chính quyền Đồng Nai cam kết sẽ tiếp tục tạo mọi điều kiện để DN triển khai dự án được thuận lợi, sớm đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tỉnh ưu tiên phòng, chống dịch bệnh Covid-19, hạn chế lây lan vào các nhà máy để giữ môi trường sản xuất, kinh doanh ổn định nhất cho DN. |
Bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, Giám đốc kinh doanh Công ty CP Thực phẩm GC ở Khu công nghiệp Hố Nai (H.Trảng Bom) cho biết: “Sản phẩm của công ty xuất khẩu vào Nhật Bản mấy năm gần đây liên tục tăng cao. Nhật Bản là thị trường đòi hỏi rất cao về chất lượng, mẫu mã, nhưng khi hàng hóa đã được chấp nhận thì sẽ có đơn hàng lớn và lâu dài”.
Bên cạnh đó, DN ký kết được các đơn hàng từ Nhật Bản cũng như có được tấm giấy thông hành về chất lượng sản phẩm, rất dễ mở rộng tiêu thụ sang những quốc gia, vùng lãnh thổ khác. Vì thế, nhiều DN tại Đồng Nai rất coi trọng thị trường Nhật Bản. Những năm gần đây, Đồng Nai thường xuyên tổ chức các đợt giao thương để tạo cơ hội cho DN hai bên liên kết cung ứng sản phẩm đầu vào cho nhau.
Theo ông Hirai Shinji, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản tại TP.HCM, Đồng Nai là một trong những đối tác kinh tế lớn của Nhật Bản. Thời gian qua, kim ngạch xuất, nhập khẩu giữa Nhật Bản và Đồng Nai liên tục tăng cao, nhiều DN Đồng Nai trở thành đối tác cung ứng sản phẩm với số lượng lớn cho thị trường Nhật Bản.
Nhiều DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đến tỉnh đầu tư là nhắm đến việc liên kết để đưa hàng hóa vào thị trường Nhật Bản để hưởng các ưu đãi về thuế quan.
* Thu hút đầu tư tăng nhanh
Hiện nay, Nhật Bản xếp thứ 3 trong 42 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào tỉnh với khoảng 5 tỷ USD (sau Hàn Quốc, Đài Loan). Các DN Nhật Bản chủ yếu đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và hầu hết có công nghệ hiện đại, đáp ứng được nhu cầu, tiêu chí trong thu hút đầu tư của tỉnh.
Dù xảy ra đại dịch Covid-19, việc đi lại giữa hai quốc gia bị hạn chế nhưng nguồn vốn đầu tư của Nhật Bản vào Đồng Nai liên tục tăng. Trong đó, có dự án đầu tư mới, dự án mở rộng sản xuất.
Ông Masato Kataoka, Tổng giám đốc Công ty TNHH Ojitex Việt Nam (thuộc Tập đoàn Oji Paper) cho biết: “Sau một thời gian đầu tư vào tỉnh tương đối hiệu quả, đầu năm 2021, công ty đã quyết định đầu tư thêm một nhà máy mới tại Khu công nghiệp Lộc An - Bình Sơn ở H.Long Thành. Nhà máy trên có tổng vốn đầu tư lên đến hàng chục triệu USD. Nhà máy sẽ sản xuất các loại bao bì chất lượng cao để tiêu thụ tại Việt Nam và xuất khẩu. Công suất nhà máy khoảng 78 ngàn tấn sản phẩm/năm”.
DN Nhật Bản đã đầu tư vào tỉnh gần 300 dự án trên các lĩnh vực, song chủ yếu vẫn là công nghiệp. Ông Watanabe Nobuhiro, Tổng lãnh sự Nhật Bản tại TP.HCM cho rằng, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến làn sóng đầu tư của DN Nhật Bản vào Đồng Nai. Tới đây, khi dịch bệnh lắng xuống, giao thương trở lại bình thường, sẽ có nhiều DN Nhật Bản đến Đồng Nai đầu tư hơn nữa. Hiện nay, quỹ đất dành cho phát triển công nghiệp của tỉnh không còn nhiều, nếu tỉnh có chuẩn bị trước sẽ thu hút được các dự án có vốn lớn từ Nhật Bản cũng như các nước khác.
Từ đầu năm đến nay, có hơn 10 dự án của Nhật Bản đầu tư vào tỉnh, trong đó có đầu tư mới và tăng vốn đầu tư mở rộng sản xuất. Một số dự án có vốn đầu tư lớn như: dự án của Công ty TNHH Ojitex Việt Nam tại Khu công nghiệp Lộc An - Bình Sơn (H.Long Thành) khoảng 60 triệu USD; dự án của Công ty TNHH Om Digital Solutions Việt Nam ở Khu công nghiệp Long Thành tăng 20 triệu USD sản xuất máy ảnh kỹ thuật số, máy ghi âm, linh kiện máy ghi âm, máy ảnh... |
Hương Giang