Báo Đồng Nai điện tử
En

Điện mặt trời vẫn chờ chính sách về giá

04:06, 18/06/2021

Trước thời điểm cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời (ĐMT) tại Việt Nam hết hiệu lực vào ngày 31-12-2020, Bộ Công thương cho biết, Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (thuộc Bộ Công thương) đang phối hợp với các đơn vị tư vấn nghiên cứu các mô hình, quy mô và giá bán điện cho từng loại hình ĐMT.

Trước thời điểm cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời (ĐMT) tại Việt Nam hết hiệu lực vào ngày 31-12-2020, Bộ Công thương cho biết, Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (thuộc Bộ Công thương) đang phối hợp với các đơn vị tư vấn nghiên cứu các mô hình, quy mô và giá bán điện cho từng loại hình ĐMT. Dự kiến trong quý I-2021, Cục sẽ có báo cáo Bộ Công thương xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ chính sách ĐMT cho giai đoạn tiếp theo.

Doanh nghiệp giới thiệu thiết bị phát điện tại hội thảo Phát triển bền vững nguồn năng lượng tái tạo nối lưới và điện mặt trời mái nhà năm 2020 tại TP.HCM
Doanh nghiệp giới thiệu thiết bị phát điện tại hội thảo Phát triển bền vững nguồn năng lượng tái tạo nối lưới và điện mặt trời mái nhà năm 2020 tại TP.HCM. Ảnh: BAN MAI

Tuy nhiên, đến nay chính sách mới về giá, về ký hợp đồng mua bán điện vẫn chưa có, nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất, lắp đặt ĐMT ở vào thế "tiến thoái lưỡng nan".

* "Tiến thoái lưỡng nan"

Năm 2020, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ xây lắp Tiến Thịnh (trụ sở TP.HCM) đã thực hiện hàng chục công trình ĐMT lớn, nhỏ ở nhiều tỉnh, thành phía Nam, trong đó có Đồng Nai. Tổng doanh thu của công ty khoảng 10 tỷ đồng.

Thế nhưng, 6 tháng đầu năm 2021, DN này chỉ thực hiện được vài dự án ĐTM quy mô nhỏ ở các vùng chưa có hệ thống điện lưới. Tổng doanh thu vài trăm triệu đồng. Nguyên vật liệu tồn kho. Hàng trăm công nhân, kỹ sư lắp ráp ĐMT chuyển sang làm bảo trì, bảo hành cho các công trình đã lắp đặt trước đó.

Theo Công ty TNHH MTV Điện lực (PC) Đồng Nai, tính đến hết năm 2020, có 5.937 khách hàng được ký hợp đồng vận hành hệ thống ĐMT, tổng công suất lắp đặt hơn 688 mWp, sản lượng phát lên lưới bình quân khoảng 70 triệu kWh/tháng.

“DN đang đuối sức vì chờ chính sách giá ĐMT mới” - ông Trịnh Ngọc Quyết Tiến, Giám đốc Công ty TNHH thương mại dịch vụ xây lắp Tiến Thịnh chia sẻ.

Theo ông Tiến, cơ chế khuyến khích phát triển ĐMT đã hết hiệu lực; việc ngành Điện các tỉnh ngưng tiếp nhận, giải quyết các yêu cầu về đấu nối và ký hợp đồng mua bán điện từ hệ thống ĐMT do người dân và DN lắp đặt sau ngày 31-12-2020; thêm vào đó là dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại đã khiến các DN sản xuất, lắp ráp ĐMT rơi vào tình thế "tiến thoái lưỡng nan".

Cùng chia sẻ về vấn đề này, đại diện Công ty TNHH Kỹ thuật Đạt (TP.HCM) cho rằng, các DN ĐMT đang gặp rất nhiều khó khăn. Từ đầu năm đến nay, các dự án ĐMT phát lưới mới gần như chững lại. Nguyên nhân một phần vì dịch bệnh, một phần vì khách hàng lo lắp đặt xong ngành Điện chưa ký hợp đồng đấu nối, mua điện. Do đó, công ty phải tính toán lại sản lượng, thiết bị ĐMT nhập về; đồng thời, đẩy mạnh truyền thông để khách hàng chuyển sang lắp đặt ĐMT có lưu trữ năng lượng để sử dụng thay vì bán cho ngành Điện.

Với các đơn vị thi công lắp đặt ĐMT cũng bị tác động không ít. Ông Bùi Công Nam, Trưởng bộ phận thi công, Công ty TNHH Giải pháp năng lượng xanh (TP.Biên Hòa) chia sẻ, những tháng cuối năm 2020, bộ phận thi công của công ty làm việc hết công suất, thậm chí làm việc cả ngày nghỉ cuối tuần. Tuy nhiên, từ đầu năm 2021 đến nay, bộ phận này hầu như không có việc làm, một số công nhân phải chuyển sang làm công việc khác để duy trì thu nhập. Các dự án lắp đặt mới vừa ít, vừa quy mô nhỏ, chủ yếu hộ gia đình lắp đặt vài tấm pin ĐMT để giảm tiền điện sinh hoạt.

* Cần chính sách liền mạch, lâu dài

Từ năm 2019 đến nay, ĐMT đã 2 lần bị “bỏ trống” chính sách. Chính sách mới nhất là Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ban hành ngày 6-4-2020 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển ĐMT tại Việt Nam đã hết hiệu lực vào cuối năm 2020. Nhiều DN cho rằng, sự bất ổn về chính sách là rủi ro lớn nhất, bởi nhà đầu tư không tính toán được hiệu quả của dự án, thời gian thu hồi vốn.

Nhân viên Công ty TNHH Thương mại dịch vụ xây lắp Tiến Thịnh thi công lắp đặt điện mặt trời cho khách hàng
Nhân viên Công ty TNHH Thương mại dịch vụ xây lắp Tiến Thịnh thi công lắp đặt điện mặt trời cho khách hàng

Theo ông Nguyễn Thượng Quân, Giám đốc Công ty CP Công nghệ tích hợp Sao Nam (TP.HCM), chính sách về giá đang tác động lớn đến hoạt động của các đơn vị sản xuất kinh doanh thiết bị, DN và nhà đầu tư làm ĐMT. Điển hình là khi Quyết định số 13 của Thủ tướng Chính phủ quy định giá mua điện ĐMT cố định 1.943 đồng/kWh trong 20 năm được ban hành, hàng loạt dự án ĐMT được triển khai. Sự phát triển “nóng” các dự án ĐMT gây quá tải nguồn cung, khó kiểm soát chất lượng thiết bị nhập khẩu. Khi quyết định hết hiệu lực, các dự án ĐMT chững lại, không ít DN giảm 50-90% doanh thu, công nhân mất việc.

Từ ngày 1-1-2021 đến nay, PC Đồng Nai dừng tiếp nhận các yêu cầu về đấu nối và ký hợp đồng mua bán ĐMT theo chỉ đạo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Cùng với đó, công ty phải thực hiện cắt giảm sản lượng ĐMT theo chỉ đạo của Trung tâm Điều độ hệ thống điện miền Nam và Tổng công ty Điện lực miền Nam nhằm đảm bảo vận hành an toàn hệ thống điện lưới quốc gia; đầu tư nâng cấp, cải tạo lưới điện để hấp thụ tối đa các nguồn phát năng lượng mặt trời từ các điện lực.

Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ xây lắp Tiến Thịnh Trịnh Ngọc Quyết Tiến cho rằng, chính sách càng minh bạch rõ ràng, ổn định lâu dài thì DN càng thuận lợi. “Hai năm nay, chính sách ĐMT cứ mở - đóng, đóng - mở khiến các DN không có định hướng lâu dài về nhân sự, không dám nhập vật tư. Tôi mong sớm có chính sách biểu giá mua ĐMT để hoạt động kinh doanh của các DN bớt ngưng trệ. Chính sách mới càng minh bạch, lâu dài, DN càng bớt rủi ro” - ông Tiến chia sẻ.

Phát triển năng lượng tái tạo, trong đó có ĐMT sử dụng tại chỗ, là giải pháp để giảm bớt áp lực đầu tư cho ngành Điện, tận dụng nguồn tài nguyên vô tận và bổ sung cho các nguồn năng lượng như: than, dầu khí, nước đang có nguy cơ suy giảm là ưu tiên của Chính phủ. Nhưng để tránh tình trạng phát triển “nóng”, phát triển ngắt quãng như thời gian qua, các nhà đầu tư cần chính sách về giá ĐMT minh bạch, liền mạch, ổn định.

Phó giám đốc Sở Công thương Thái Thanh Phong cho rằng, một số khu vực có nguy cơ thiếu điện cao, có nhu cầu điện lớn như khu công nghiệp thì chưa hoặc ít có nhà đầu tư dự án ĐMT, trong khi một số khu vực ít nguy cơ thiếu điện, hạ tầng phát lưới chưa đảm bảo lại phát sinh dự án, có nhà đầu tư đăng ký.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công thương, Sở Công thương đang rà soát lại các dự án ĐMT trên địa bàn. Ông Phong cho biết, Đồng Nai đang khuyến khích phát triển các dự án ĐMT trên mái nhà xưởng trong khu công nghiệp, trang trại chăn nuôi, trang trại nông nghiệp công nghệ cho mục đích sử dụng tại chỗ.

Ban Mai

Tin xem nhiều