Báo Đồng Nai điện tử
En

Để nông sản không phải "giải cứu"

11:03, 01/03/2021

Từ trước Tết Nguyên đán 2021 đến nay, cả chục tỉnh, thành đã xảy ra tình trạng nông dân mong chờ được hỗ trợ "giải cứu" từ rau, củ, quả đến trái cây. Tình trạng này tiếp tục kéo dài đến sau Tết Nguyên đán 2021, từ các tỉnh, thành bị phong tỏa vì dịch Covid -19 tiếp tục mở rộng ra nhiều tỉnh, thành chưa xuất hiện dịch cũng vì nguyên nhân nguồn cung lớn hơn cầu, nông sản bị ùn ứ.

Từ trước Tết Nguyên đán 2021 đến nay, cả chục tỉnh, thành đã xảy ra tình trạng nông dân mong chờ được hỗ trợ “giải cứu” từ rau, củ, quả đến trái cây. Tình trạng này tiếp tục kéo dài đến sau Tết Nguyên đán 2021, từ các tỉnh, thành bị phong tỏa vì dịch Covid -19 tiếp tục mở rộng ra nhiều tỉnh, thành chưa xuất hiện dịch cũng vì nguyên nhân nguồn cung lớn hơn cầu, nông sản bị ùn ứ.

Bưởi gặp cảnh dội chợ, rớt giá. Trong ảnh: Thu hoạch bưởi tại xã Tân Bình, H.Vĩnh Cửu
Bưởi gặp cảnh dội chợ, rớt giá. Trong ảnh: Thu hoạch bưởi tại xã Tân Bình, H.Vĩnh Cửu. Ảnh: B.Nguyên

Cùng với nhiều giải pháp “giải cứu” nông sản trước mắt như kết nối kênh tiêu thụ, tổ chức các điểm bán hàng hỗ trợ nông dân, chưa bao giờ việc tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo chuỗi liên kết từ khâu nuôi, trồng đến tiêu thụ, chế biến được đặt ra một cách cấp bách như hiện nay.

* Hàng loạt loại nông sản lại “kêu cứu”

Đi đầu trong việc “kêu cứu” là hàng ngàn tấn rau, củ bị bỏ mặc trên đồng vì không có nơi tiêu thụ ở một số tỉnh, thành như Hải Dương, Hà Nội... vì nhiều nơi bị phong tỏa do dịch Covid-19. Tình trạng này tiếp tục lan dần ra nhiều tỉnh, thành chưa xuất hiện dịch như nông dân trồng rau Đà Lạt, nông dân trồng bưởi H.Cẩm Mỹ... “kêu cứu” vì còn cả ngàn tấn rau, hàng trăm tấn bưởi không gọi được thương lái thu mua.

Gần đây nhất, UBND H.Cẩm Mỹ cũng đã có văn bản gửi đến nhiều cơ quan, đoàn thể của tỉnh Đồng Nai và TP.HCM hỗ trợ nông dân trên địa bàn huyện tiêu thụ bưởi. Cụ thể, sau Tết Nguyên đán 2021, tại 2 xã Xuân Tây và Xuân Đông còn khoảng 550 tấn bưởi đào đang chín rục ngoài vườn mà không có thương lái thu mua.

Nguyên nhân khiến nông dân trồng bưởi rơi vào cảnh phải “kêu cứu” là do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, nếu phân tích kỹ và rõ hơn thì nguyên nhân thực sự của câu chuyện trái bưởi bị ùn ứ, không có nơi tiêu thụ là do thời gian qua, diện tích trồng bưởi trong cả nước tăng nhanh, nguồn cung quá dồi dào trong khi thị trường tiêu thụ giảm mạnh. Chỉ tính riêng trên địa bàn Đồng Nai, hiện diện tích bưởi đã phát triển lên gần 8,3 ngàn ha, tăng gấp đôi so với vài ba năm trước đó. Đây cũng là nguyên nhân khiến đặc sản bưởi da xanh ngay trong những ngày tiêu thụ cao điểm nhất của Tết Nguyên đán 2021, giá bán tại vườn chỉ còn 15 ngàn đồng/kg, thấp hơn nhiều lần so với mọi năm cũng khó tìm được thương lái thu mua.

Giá rau xuống thấp do thị trường tiêu thụ ảnh hưởng bởi dịch Covid-19
Giá rau xuống thấp do thị trường tiêu thụ ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

Giá thấp, khó khăn về đầu ra do cung vượt cầu cũng là câu chuyện chung của nhiều loại nông sản từng đứng tốp đầu về lợi nhuận nhờ xuất khẩu tốt như: tiêu, cà phê, điều... Theo một số thương lái chuyên kinh doanh các mặt hàng nông sản trên địa bàn Đồng Nai, dịch Covid-19 đang gây khó khăn rất lớn cho thị trường tiêu thụ các mặt hàng nông sản. Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa của câu chuyện “giải cứu” nông sản đã xảy ra từ nhiều năm nay đều do sản xuất cung chưa gặp cầu. Dịch Covid-19 càng bộc lộ rõ thực trạng cung thừa, cầu thiếu do nông dân vẫn sản xuất tự phát, chạy theo phong trào mà chưa thật sự làm theo nhu cầu của thị trường.

* Cần “tính chuyện đường dài”

Trong văn bản báo cáo của UBND H.Cẩm Mỹ về hoạt động hỗ trợ nông dân trồng bưởi trên địa bàn huyện, giải pháp được đặt ra về lâu dài là UBND huyện tập trung mời gọi doanh nghiệp tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ bưởi đào, chú trọng đề xuất các mô hình đầu tư vào chế biến như làm nước ép bưởi, rượu bưởi... Song song đó, địa phương tiếp tục vận động người dân không mở rộng diện tích trồng bưởi; sản xuất theo quy trình và ghi chép nhật ký sản xuất để truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp tiêu thụ.

Theo Phó giám đốc Sở NN-PTNT Trần Lâm Sinh, “tính chuyện đường dài” cho sản xuất nông nghiệp theo chuỗi liên kết từ nuôi, trồng đến tiêu thụ đã được Đồng Nai chú trọng thực hiện trong nhiều năm qua. Kết quả đến nay, toàn tỉnh có 16 dự án cánh đồng lớn đã được phê duyệt với tổng diện tích trên 5,2 ngàn ha với tổng kinh phí hỗ trợ dự kiến gần 70,3 tỷ đồng. Ngoài ra, các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh cũng đã triển khai nhiều dự án xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ với nhiều mặt hàng chủ lực của địa phương.

Tuy nhiên, chương trình vẫn chưa phát huy được hiệu quả như mong đợi vì số dự án, cánh đồng lớn với sự tham gia của một số ít các doanh nghiệp, HTX chỉ mới chiếm một phần nhỏ về diện tích cũng như sản lượng nông sản được bao tiêu trong chuỗi liên kết còn rất khiêm tốn so với tổng sản lượng nông sản trên địa bàn tỉnh. Mặt khác, nhiều chuỗi liên kết vẫn dễ dàng đứt gãy, chưa thật sự phát huy hiệu quả, chưa xứng với tiềm năng.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi, để sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững, có đầu ra ổn định, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả các dự án cánh đồng lớn, xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ.

Trong đó, Đồng Nai tiếp tục quan tâm hỗ trợ nông dân, HTX, doanh nghiệp… tiếp cận các chính sách ưu đãi của Nhà nước; chú trọng thu hút đầu tư trong lĩnh vực sơ chế, chế biến; hỗ trợ làm chứng nhận GAP; xây dựng thương hiệu hàng hóa... để nông sản không chỉ đáp ứng tốt ở thị trường nội địa mà còn đạt chuẩn xuất khẩu vào những thị trường khó tính nhất.

Bình Nguyên

 

Tin xem nhiều