Là một trong những địa phương phát triển mạnh các ngành sản xuất công nghiệp nên Đồng Nai có nhiều điều kiện để doanh nghiệp (DN) lựa chọn lĩnh vực công nghệ - chế tạo...
Là một trong những địa phương phát triển mạnh các ngành sản xuất công nghiệp nên Đồng Nai có nhiều điều kiện để doanh nghiệp (DN) lựa chọn lĩnh vực công nghệ - chế tạo, nhất là chế tạo ra các máy móc, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ để khởi nghiệp.
Các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nếu có đủ điều kiện, hoàn toàn có thể tự chủ công nghệ để chế tạo được những máy móc hiện đại (ảnh minh hoạ) |
Trên địa bàn tỉnh, ngày càng có nhiều DN trẻ, DN quy mô nhỏ “ăn nên làm ra” từ lĩnh vực này. Tuy nhiên, theo các DN, khác với các ngành nghề dịch vụ, muốn thành công khi khởi nghiệp từ lĩnh vực này đòi hỏi rất nhiều yếu tố từ kiến thức, kỹ năng, công nghệ đến ý chí bền bỉ bởi đầu tư vào sản xuất, chế tạo khá tốn kém.
* Chế tạo sản phẩm made by Việt Nam
Lựa chọn lĩnh vực công nghệ để khởi nghiệp là giải pháp khá mạo hiểm, song ông Bùi Hữu Chí và các cộng sự của mình trong 5 năm qua đã từng bước đưa Công ty TNHH Công nghệ viễn thông Chí Thanh (TP.Biên Hòa) lớn mạnh trên thị trường. Các dịch vụ cung cấp hệ thống camera an ninh, báo cháy tự động, tổng đài điện thoại, tự động hóa trong DN... của công ty đã nhận được sự hợp tác của những DN lớn trên địa bàn tỉnh. Thành quả mới nhất của DN này là vừa chế tạo thành công và ra mắt thị trường robot vệ sinh các tấm pin năng lượng mặt trời.
Sản phẩm của công ty khi kết hợp với 2 công nhân có thể vệ sinh sạch sẽ 6 ngàn m2 tấm pin năng lượng mặt trời chỉ trong 1 ngày, trong khi hiện nay cần đến 6 công nhân làm trong 5 ngày. Robot có tính năng tương đương, thậm chí tốt hơn nhưng rẻ hơn nhiều so với hàng Châu Âu, lại làm chủ công nghệ hơn 90%, có thể bảo trì, bảo dưỡng ngay trong nước nên sẽ là một trong những lợi thế để cạnh tranh. Công ty cũng đang phát triển thêm phần xử lý ảnh trên robot sử dụng công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo) để nâng cấp robot của mình. Định hướng của DN là trở thành tổ hợp đa ngành, từ nhà thầu và đối tác chiến lược về hệ thống điện nhẹ của các DN nước ngoài tại Việt Nam, đồng thời hướng đến các khả năng chế tạo máy móc tự động công nghệ Việt và cung ứng nhân lực trong quản lý, quản trị sản xuất cho DN.
Tương tự, trong lĩnh vực công nghiệp cơ khí hỗ trợ, ông Ngô Thanh Bình, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ sản xuất Quyết Thắng (TP.Biên Hòa) đã gặt hái được nhiều thành công. Cho đến hiện tại, DN khởi nghiệp này đã sản xuất, cung ứng phục vụ nhu cầu của các công ty, xí nghiệp nhiều loại máy móc như: máy làm tỏi đen và máy nấu rượu, máy hàn giàn giáo tự động, các loại phễu rung, máy cấp phôi tự động dành cho công nghiệp và cải tiến các loại máy móc cơ điện khác... Đặc biệt, sản phẩm phễu rung cung cấp phôi, nguyên liệu cho các công đoạn của nhiều ngành sản xuất do ông và nhân viên chế tạo luôn “cháy hàng”. Hiện DN đã có các đơn đặt hàng đến những tháng đầu năm sau, do vậy luôn yên tâm về đầu ra sản phẩm.
Một ví dụ thành công khác là ông Mai Thành Long, Giám đốc Công ty TNHH Môi trường Chín Chín. Sản phẩm chủ lực do công ty chế tạo hiện nay là máy ép phân xử lý chất thải hữu cơ phục vụ trong chăn nuôi heo. Trước đây, ông Long vốn là nhà thầu lắp đặt các hệ thống máy móc ngoại nhập dạng này nhưng chỉ với vai trò người “làm thuê”. Sau nhiều lần được các chủ trang trại nhờ sửa chữa hệ thống nên ông nảy sinh ý tưởng nghiên cứu và chế tạo.
Sản phẩm của ông đã được nhiều trang trại trên khắp cả nước sử dụng. Trong những ngày cuối năm này, ông vẫn đang nỗ lực để hoàn thiện hệ thống xử lý cho trang trại chăn nuôi heo lớn của Tập đoàn Masan ở Nghệ An. So với dòng máy cùng loại nhập khẩu, máy ép phân, hệ thống xử lý chất thải của công ty dễ bảo trì, bảo dưỡng hơn với chi phí tiết kiệm do là sản phẩm của người Việt chế tạo, phù hợp từng thực tiễn trang trại và có thể điều chỉnh.
* Dám thử nghiệm cái mới
Điểm chung của những ông chủ, giám đốc nói trên là từng có thời gian làm thuê hoặc hợp tác với các DN lớn, DN có vốn đầu tư nước ngoài. Sau khi tích lũy đủ kỹ năng, công nghệ, họ mạnh dạn đứng ra khởi nghiệp. Và mỗi sản phẩm do DN mình chế tạo ra đều có những bí quyết riêng, tạo nên sức cạnh tranh và sự tin tưởng của khách hàng.
Theo ông Ngô Thanh Bình, Giám đốc Công ty Quyết Thắng thì dù quy mô nhỏ, nhân sự ít song điểm mạnh của công ty là trẻ tuổi, đầy nhiệt huyết và đam mê, luôn nỗ lực tiếp cận những công nghệ mới với thái độ ham học hỏi để tạo nên các sản phẩm, giải pháp có giá trị thực tiễn cao, đáp ứng được các yêu cầu, ứng dụng phức tạp khác nhau của khách hàng. “Để nâng cao năng lực và phát huy tốt hơn tiềm năng của công ty, công ty đã ký kết hợp tác với các đối tác chuyên môn hóa trong lĩnh vực công nghệ điều khiển tự động hóa và công nghệ xử lý ảnh, điều này giúp cho DN cung cấp tới khách hàng các giải pháp tốt nhất” - ông Bình chia sẻ.
Đó cũng là kinh nghiệm tạo nên thành công của ông Bùi Hữu Chí. Theo ông Chí, nếu so sánh về tiềm năng, lao động Việt nếu có đủ điều kiện thì hoàn toàn không thua kém nước ngoài. Hơn nữa, hiện nay công nghệ thông tin rất phát triển, cùng với đó là sự hội nhập kinh tế nên nếu biết tận dụng, ứng dụng công nghệ của nước ngoài vào thực tế sản xuất, kinh doanh trong nước thì sẽ có cơ hội lớn.
Thực tế cho thấy, khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ - chế tạo không phải là điều dễ dàng, nó là cả một sự chuẩn bị kỹ càng với rất nhiều yếu tố. DN sẽ cần đầu tư một nguồn vốn lớn, các phân xưởng để sản xuất, những thiết bị phức tạp, nguyên liệu thô... Đặc biệt là nguồn lao động với các công nhân có kỹ thuật đạt được các yêu cầu sản xuất đưa ra. Công nghệ cao nên đòi hỏi người chủ DN trang bị cho mình một loạt những kiến thức, trách nhiệm, những mối quan hệ và một cái đầu “lạnh” để có thể tham gia phối hợp hiệu quả trong nhiều quy trình sản xuất. Các chuyên gia khuyến nghị điều cần thiết là phải tạo được môi trường để DN, nhất là những DN chế tạo, sản xuất hàng công nghiệp hỗ trợ xuất hiện, phát triển. Chỉ có như vậy, DN Việt Nam mới từng bước làm chủ được các công nghệ mới để vươn ra thế giới.
Văn Gia