Báo Đồng Nai điện tử
En

Tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới

03:12, 01/12/2020

Nhờ tập trung thực hiện Nghị quyết 32/2016/QH14, ngành Nông nghiệp của tỉnh Đồng Nai thời gian qua vẫn phát triển ổn định, khai thác hiệu quả sản phẩm lợi thế địa phương...

2 năm gần đây, ngành Nông nghiệp của tỉnh phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, nhờ tập trung thực hiện Nghị quyết 32/2016/QH14 về tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, ngành Nông nghiệp của tỉnh vẫn phát triển ổn định, khai thác hiệu quả sản phẩm lợi thế địa phương.

Nông dân Đồng Nai tìm hiểu các mô hình sử dụng vi sinh để sản xuất sạch tại hội nghị sơ kết đề án về minh bạch sản phẩm nông nghiệp hữu cơ H.Vĩnh Cửu được tổ chức đầu năm 2020. Ảnh: B.Nguyên
Nông dân Đồng Nai tìm hiểu các mô hình sử dụng vi sinh để sản xuất sạch tại hội nghị sơ kết đề án về minh bạch sản phẩm nông nghiệp hữu cơ H.Vĩnh Cửu được tổ chức đầu năm 2020. Ảnh: B.Nguyên

Trong năm 2020, UBND tỉnh tiếp tục ban hành Quyết định số 1952/QĐ-UBND về việc phê duyệt đề cương chương trình Phát triển nông nghiệp bền vững tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2020-2025. Mục tiêu đề ra là ngành Nông nghiệp phải phát huy những điều kiện thuận lợi hướng đến xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, chủ động ứng phó với những tác động của biến đổi khí hậu và các yêu cầu đặt ra trong phát triển nông nghiệp bền vững.

* Tăng trưởng trong khó khăn

Năm 2019, ngành Nuôi heo bị thiệt hại nặng nề do ảnh hưởng của dịch tả heo châu Phi. Sau gần 1 năm khôi phục sản xuất, tổng đàn heo của Đồng Nai hiện đạt gần 2,15 triệu con, tăng gần 10,8% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng ngành Chăn nuôi vẫn chưa thật sự phục hồi sau khó khăn. Hoạt động tái đàn, tăng đàn chủ yếu thuộc các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong chăn nuôi. Các trang trại tư nhân, đặc biệt là hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn khó khôi phục lại hoạt động sản xuất do không đảm bảo điều kiện an toàn sinh học, rủi ro dịch bệnh tái phát lớn trong khi rất khó khăn về vốn đầu tư do giá heo giống tăng cao sau dịch.

Trong năm 2020, hàng loạt mặt hàng nông sản rớt giá, tồn hàng vì cả thị trường nội địa và xuất khẩu đều gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Từ đầu năm đến nay, giá các mặt hàng gà công nghiệp, gà ta, vịt thịt… liên tục xảy ra những đợt dội chợ, giá bán ra dưới giá thành sản xuất. Đây cũng là khó khăn chung của các loại nông sản khác như: trái cây tươi, các sản phẩm cây công nghiệp như: tiêu, điều, cà phê… do xuất khẩu giảm sút, thậm chí nhiều giai đoạn bị đình đốn, không tiêu thụ được.

Tuy nhiên, Đồng Nai vẫn đặt mục tiêu cao về tăng trưởng và phát triển sản xuất thể hiện qua tiêu chí về thu nhập và phát triển sản xuất của các xã đạt chuẩn NTM nâng cao tăng đều mỗi năm. Cụ thể, mục tiêu về thu nhập bình quân đầu người của các xã đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2020 phải đạt 66 triệu đồng/người, cao hơn 2 triệu đồng/người/năm so với năm 2019 và tăng 5 triệu đồng/người so với năm 2018. Giá trị sản phẩm thu hoạch bình quân trên 1ha trồng trọt và nuôi trồng thủy sản tăng đều qua các năm từ mức 150 triệu đồng/ha vào năm 2018, tăng lên 160 triệu đồng vào năm 2019 và tăng lên 170 triệu đồng vào năm 2020.

Theo Phó giám đốc Sở NN-PTNT kiêm Phó chánh Văn phòng Điều phối chương trình NTM tỉnh Lê Văn Gọi, dự kiến kết quả xây dựng NTM nâng cao trong năm 2020 của tỉnh đều đạt và vượt so với mục tiêu đề ra. Cụ thể, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có thêm 6 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao, 13 xã căn bản hoàn thành các tiêu chí nâng cao. Cũng trong năm nay, toàn tỉnh phấn đấu có thêm 4 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Trong đó, mức thu nhập bình quân đầu người và phát triển sản xuất của các xã đạt chuẩn NTM nâng cao đều đạt mức tăng khá ấn tượng.

* Phát triển bền vững trong tình hình mới

Xây dựng kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, Bộ NN-PTNT định hướng tiếp tục cơ cấu lại nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng NTM; tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị với những nhóm sản phẩm chủ lực theo chương trình Mỗi xã một sản phẩm; khai thác và tận dụng tốt lợi thế nền nông nghiệp nhiệt đới, xây dựng và phát triển vùng chuyên canh hàng hóa chất lượng cao, quy mô lớn đạt tiêu chuẩn phổ biến về an toàn thực phẩm; kết nối nông nghiệp với công nghiệp chế biến, bảo quản và thị trường xuất khẩu với chuỗi giá trị toàn cầu; tổ chức liên kết chặt chẽ giữa các địa phương trong vùng, tạo đột phá trong phát triển nhanh, bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh. Nâng cao chất lượng, hiệu quả xây dựng NTM, cải thiện nhanh hơn đời sống của nông dân, góp phần giảm nghèo, bảo vệ môi trường.

Làm việc tại Đồng Nai vào đầu tháng 6-2020, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến định hướng, Đồng Nai cần tập trung đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; xây dựng vùng nguyên liệu nông sản tập trung gắn với cấp mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc nông sản để đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm thế mạnh địa phương. Tỉnh cần tạo cơ chế, chính sách ưu đãi hơn để thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp lớn đầu tư vào chế biến nông sản với mục tiêu trở thành trung tâm kết nối, xúc tiến tiêu thụ, xuất khẩu nông sản của vùng và cả nước.

Theo Chủ tịch UBND H.Vĩnh Cửu Phạm Minh Phước, điều địa phương quan tâm nhất trong hậu xây dựng NTM là đi vào chiều sâu, nâng chất cho chương trình chứ không chạy theo thành tích nên khi đạt NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, địa phương vẫn không buông, phải tiếp tục đầu tư giữ, duy trì. Theo đó, các tổ công tác của huyện thường xuyên đi kiểm tra, nhắc nhở các địa phương chứ không phải định kỳ nhiều năm mới kiểm tra. Điều được lớn nhất của huyện là bộ máy chính quyền địa phương tích cực tham gia nên cũng dần lớn mạnh trong quá trình xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.        

Bình Nguyên

 

Tin xem nhiều