Giá đất càng ngày càng tăng cao trong khi nguồn lực tài chính có hạn, cộng đồng doanh nghiệp (DN), nhất là DN nhỏ và vừa đang gặp rất nhiều khó khăn về mặt bằng sản xuất.
Giá đất càng ngày càng tăng cao trong khi nguồn lực tài chính có hạn, cộng đồng doanh nghiệp (DN), nhất là DN nhỏ và vừa đang gặp rất nhiều khó khăn về mặt bằng sản xuất. Thiếu mặt bằng sản xuất khiến DN mất đi những cơ hội để mở rộng quy mô nhà xưởng, xây dựng chiến lược phát triển.
Hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ và vừa, nhà xưởng sản xuất vẫn còn khiêm tốn. Trong ảnh: Sản xuất tại một doanh nghiệp ngành cơ khí, chế tạo ở TP.Biên Hòa. Ảnh: Văn Gia |
Mặc dù thời gian qua, Chính phủ và địa phương đã có những giải pháp để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn trong vấn đề này song hiệu quả vẫn chưa cao.
* Chật vật tìm nơi sản xuất
Đã nhiều năm nay, ông Nguyễn Duy Hưng, Giám đốc Công ty TNHH Hưng Thịnh Phát (TP.Biên Hòa), chuyên ngành dịch vụ logistics ý thức được việc phải có mặt bằng lớn để phục vụ nhu cầu mở rộng kinh doanh, làm bãi xe container. DN cũng đã lập hồ sơ xin chủ trương và chấp thuận địa điểm đầu tư nằm trong quy hoạch Cụm công nghiệp Thạnh Phú - Thiện Tân (H.Vĩnh Cửu). Tuy nhiên, do có những vướng mắc từ thủ tục đất đai nên đến nay DN vẫn chưa thể triển khai dự án.
“Từ các hiệp định thương mại tự do, DN có cơ hội đẩy mạnh hoạt động sản xuất hàng xuất khẩu và tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu nhưng thiếu vốn và mặt bằng sản xuất vẫn là điểm nghẽn, nhất là việc tiếp cận đất đai gây khó khăn rất lớn cho DN. Những DN nhỏ và vừa hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu và logistics trên địa bàn tỉnh như chúng tôi đang thực sự rất cần mặt bằng để mở rộng quy mô của mình” - ông Hưng chia sẻ.
Tương tự, giám đốc một DN khác trong lĩnh vực hàng công nghiệp hỗ trợ ở P.Trảng Dài (TP.Biên Hòa) cho biết, DN hiện đang phát triển khá tốt khi có nhiều đơn hàng sản xuất được ký kết mới, nhưng vấn đề mở rộng quy mô nhà xưởng lại là một thách thức lớn. Phần diện tích vài ngàn m2 mà DN gom góp được và đứng chân từ trước đến nay đã trở nên chật chội. Hơn nữa, khi xây dựng nhà xưởng thì dân cư trong khu vực thưa thớt, sau vài năm đã trở nên đông đúc làm cho nhà máy của DN lại trở thành nơi sản xuất trong khu dân cư nhưng việc tìm kiếm mặt bằng lớn hơn là điều chưa thể thực hiện được.
“Là DN khởi nghiệp quy mô nhỏ và vừa, doanh thu còn khiêm tốn, chúng tôi dành từ 30-50% thu nhập hằng năm để đầu tư vào máy móc, nâng cao chất lượng sản phẩm cũng đã hụt hơi. So với vài năm trước đây, giá đất hiện tại đã tăng phi mã, để kiếm được địa điểm thuận lợi cho sản xuất với giá cả hợp lý thật sự rất khó khăn, buộc DN phải tiếp tục bám trụ lại địa điểm hiện tại” - vị giám đốc này chia sẻ.
Đây cũng là tình trạng chung của nhiều DN, nhất là DN nhỏ và vừa, những đơn vị khó “với” tới việc thuê đất trong các khu, thậm chí là các cụm công nghiệp vì giá thuê cao. Tiền thuê đất tại các khu công nghiệp chỉ qua mấy năm đã tăng 3-4 lần nên mới đây Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo Bộ KH-ĐT phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát lại để có hướng xử lý các vướng mắc về tiền thuê đất tại các khu công nghiệp, tạo thuận lợi cho DN đầu tư, mở rộng sản xuất.
* Nỗ lực tìm các giải pháp tháo gỡ
Trong thực tế, đối với Đồng Nai, đất khu công nghiệp cũng ngày càng khan hiếm hơn ngay cả đối với những DN lớn, DN có vốn đầu tư nước ngoài. Do vậy, tỉnh đã lên kế hoạch bổ sung hàng ngàn ha diện tích đất với các khu công nghiệp được xây dựng mới. Xu hướng các khu công nghiệp được đưa về địa phương với mức đầu tư thấp hơn khu vực trung tâm cũng được kỳ vọng sẽ giúp cạnh tranh với các khu công nghiệp hiện tại, phần nào đó có thể làm hạ nhiệt tình trạng tăng giá thuê đất.
Riêng đối với các DN nhỏ và vừa, Đồng Nai đã nỗ lực xây dựng các cụm công nghiệp phục vụ sắp xếp cơ sở sản xuất, làng nghề và xây dựng cụm công nghiệp chuyên ngành song trên thực tế, tới nay hiệu quả vẫn chưa cao. Mới chỉ được một vài cụm được đầu tư hạ tầng đồng bộ trong khi trên địa bàn có tới hàng chục ngàn DN nhỏ và vừa đang hoạt động. Điều này dẫn đến tình trạng dù quy hoạch nhiều nhưng quỹ đất đủ điều kiện cho các doanh nghiệp thuê hiện vẫn còn rất ít và giá thuê đất tại đây cũng không hề “dễ thở”.
Trong bối cảnh đó, Đồng Nai linh hoạt trong việc xây dựng chính sách hỗ trợ cho DN nhỏ và vừa, nhất là các DN trong lĩnh vực ưu tiên như công nghiệp hỗ trợ. Đề án hỗ trợ DN nhỏ và vừa đến năm 2025 cũng như một số đề án, chương trình hỗ trợ đã và đang được triển khai xây dựng, trong đó có giải pháp hỗ trợ chi phí hạ tầng, thuê đất trong cụm công nghiệp. DN có đủ điều kiện có thể được hỗ trợ đến 100% trong vòng 5 năm với diện tích từ 5-8 ngàn m2. Tuy nhiên, mỗi năm cũng mới chỉ có vài DN được nhận hỗ trợ với các tiêu chí rất chặt chẽ.
Đặc điểm của các DN nhỏ và vừa là quy mô, nhu cầu thuê đất có diện tích “khiêm tốn”, phù hợp với năng lực sản xuất, kinh doanh và tiềm lực của DN. Bên cạnh sự nỗ lực tự thân của từng đơn vị thì cộng đồng DN cũng mong muốn các chính sách ban hành sát sườn hơn với nhu cầu của số đông. Khó khăn về mặt bằng sản xuất kéo theo những vấn đề khác như vốn, kỹ thuật cũng yếu đi bởi không có tài sản thế chấp để có thể vay vốn từ các tổ chức tín dụng. Bên cạnh hỗ trợ chính sách, DN cần thông tin về hội nhập kinh tế quốc tế. Đây là một khâu yếu của DN nhỏ và vừa, nhất là thông tin định hướng sản xuất, định hướng nền kinh tế của Nhà nước.
Văn Gia