Báo Đồng Nai điện tử
En

Chịu "đau" để phát triển an toàn

09:07, 02/07/2020

Tổng cục Thống kê mới đây đã công bố số liệu tăng trưởng kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm đạt 1,81%.

Tổng cục Thống kê mới đây đã công bố số liệu tăng trưởng kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm đạt 1,81%.

Quả thực, đây là mức tăng 6 tháng thấp nhất trong giai đoạn 2011-2020. Riêng quý II năm nay, tăng trưởng GDP chỉ đạt 0,36%. Nguyên nhân do dịch Covid-19 bùng phát mạnh trên phạm vi toàn cầu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt kinh tế - xã hội của các quốc gia trên thế giới. Nhiều tổ chức quốc tế và thể chế tài chính dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ rơi vào suy thoái trong năm 2020.

Còn ở trong nước, là quốc gia có đường biên giới dài với Trung Quốc, nơi khởi phát dịch Covid-19, có giai đoạn số lượng người mắc bệnh tăng vọt trong thời gian ngắn, Việt Nam đứng trước báo động đỏ.

Trước tình thế trên, sự lựa chọn mà cả hệ thống chính trị, Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp (DN), người dân đồng tình là đặt ưu tiên phòng, chống và dập dịch, hy sinh lợi ích kinh tế để bảo đảm tính mạng và sức khỏe của người dân. Nhờ chính sách “chịu đau” ấy, Việt Nam đang là một trong số ít những điểm sáng hiếm hoi về công tác chống dịch, được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá cao.

Và một điều tất yếu nhưng cũng may mắn là hiện tại, tình hình đang tốt dần lên, số DN thành lập mới trong tháng 6 tiếp tục khởi sắc, tăng 27,9% so với tháng trước. Bên cạnh đó, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các DN ngành chế biến, chế tạo của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy kỳ vọng tình hình sản xuất, kinh doanh của quý III khả quan hơn quý II. Có 27,3% số DN đánh giá tình hình sản xuất, kinh doanh quý II tốt hơn quý I; 40,8% số DN đánh giá gặp khó khăn và 31,9% số DN cho rằng tình hình sản xuất, kinh doanh ổn định.

Riêng Đồng Nai tăng trưởng đạt 5,8%, dù chưa đạt chỉ tiêu, song vẫn ở mức khá nhờ những chính sách chung của Chính phủ và sự nỗ lực hành động hỗ trợ DN của địa phương.

Tin tưởng vào sự tăng trưởng có thể bật lên mạnh mẽ trong nửa cuối năm song xét một cách khách quan, tình hình vẫn còn nhiều khó khăn. Thế giới vẫn phức tạp mà Việt Nam lại phần nhiều lệ thuộc vào xuất khẩu. Đã qua giai đoạn nén đau, việc cần làm bây giờ là phải đẩy nhanh các giải pháp hỗ trợ DN, khơi thông mọi nguồn lực của các thành phần kinh tế, thúc đẩy thị trường nội địa như là giải pháp căn cơ nhất để hồi phục và tăng tốc để tăng trưởng cao hơn.

“Phía trước là tháng 10”, theo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, là thời điểm Chính phủ sẽ đánh giá lại và điều chỉnh kế hoạch phát triển kinh tế. Hy vọng là tới thời gian đó, Việt Nam sẽ có sự trở lại ngoạn mục.

Văn Gia

Tin xem nhiều