Báo Đồng Nai điện tử
En

Chậm cổ phần, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước

04:06, 05/06/2020

Trong 5 tháng đầu năm, công tác cổ phần hóa, thoái vốn ở một số doanh nghiệp (DN) có vốn nhà nước diễn ra chậm. Tuy nhiên, việc tháo gỡ để DN đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn không dễ...

Trong 5 tháng đầu năm 2020, công tác cổ phần hóa, thoái vốn ở một số doanh nghiệp (DN) có vốn nhà nước diễn ra chậm. Tuy nhiên, việc tháo gỡ để DN đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn không dễ vì vướng vào một số quy định từ Trung ương và thị trường giao dịch cổ phần đang trầm lắng.

Tổng công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai là doanh nghiệp sẽ cổ phần hóa trong năm 2020
Tổng công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai là doanh nghiệp sẽ cổ phần hóa trong năm 2020

Kế hoạch năm 2020, Đồng Nai sẽ tiến hành cổ phần hóa tại 3 đơn vị và thoái vốn ở 15 DN. Ba đơn vị sẽ thực hiện cổ phần hóa gồm: Tổng công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai, Bến xe TP.Biên Hòa và Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Đồng Nai. Thế nhưng, 2 đơn vị Bến xe TP.Biên Hòa và Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Đồng Nai đang phải tạm dừng theo văn bản của Chính phủ để rà soát lại.

* Vướng về thủ tục

Theo các DN nhà nước đang tiến hành cổ phần, thoái vốn tại Đồng Nai, từ đầu năm đến nay, công tác thoái vốn đang vướng nhiều thủ tục khiến kế hoạch thực hiện khó theo đúng lộ trình. Trong đó, nhiều DN chưa thoái vốn được có liên quan đến những quy định về đất đai.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Trưởng phòng Tài chính doanh nghiệp (Sở Tài chính) cho biết: “Các DN muốn cổ phần, thoái vốn phải thuê đơn vị tư vấn thẩm định giá những thửa đất đang sở hữu, sau đó trình UBND tỉnh phê duyệt mới tiến hành xây dựng phương án thoái vốn. Thời gian qua, UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ngành rà soát kỹ đất đai của các DN thoái vốn nếu phù hợp với các quy định của Nhà nước mới tiến hành phê duyệt”. Do đó, theo ông Tùng, nếu đất đai của các DN thoái vốn chưa được rõ ràng, đầy đủ các giấy tờ sẽ mất nhiều thời gian để điều chỉnh, bổ sung.

Ông Phan Đình Thám, Tổng giám đốc Tổng công ty CP Phát triển khu công nghiệp (Sonadezi) cho hay: “Sonadezi đang vướng vào một số thủ tục nên chưa thể tiến hành thoái vốn theo đúng kế hoạch. Trong đó vướng mắc lớn nhất là đất đai tại Khu công nghiệp Biên Hòa 1 do Sonadezi quản lý. Khu đất trên đang tiến hành chuyển đổi công năng như vậy có đưa vào định giá khi thoái vốn hay không cũng chưa được UBND tỉnh, các bộ, ngành trả lời. Vì vậy, việc thoái vốn của Sonadezi vẫn đang phải đợi”.

Ông Thám còn giải thích thêm, Khu công nghiệp Biên Hòa 1 do Sonadezi quản lý và trả tiền thuê đất hằng năm, khi chuyển đổi công năng thành khu đô thị - dịch vụ theo quy định đất công phải tiến hành đấu giá. Như vậy, tính giá trị đất của Khu công nghiệp Biên Hòa 1 vào giá trị của Sonadezi để hình thành giá cổ phần thoái vốn có phù hợp hay không?

* Không dễ đẩy nhanh tiến độ

Việc cổ phần, thoái vốn tại các DN nhà nước ở Đồng Nai cũng như nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước rất khó đẩy nhanh được tiến độ. Bởi trong đó có những quy định từ Trung ương bắt buộc phải làm theo trình tự nên tốn thêm không ít thời gian. Đơn cử như trước đây, các DN cổ phần, thoái vốn có thể làm song song các việc lập phương án sử dụng đất và cổ phần, thoái vốn, nhưng gần đây Chính phủ quy định lại là các DN phải hoàn thành phương án sử dụng đất mới được thoái vốn.

Ông Nguyễn Hữu Hiểu, Tổng giám đốc Tổng công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai - Dofico chia sẻ: “Dự kiến trong năm 2020, Dofico sẽ tiến hành cổ phần hóa nhưng hiện vướng ở khâu đất đai đang trình các sở, ngành thẩm định, nếu khâu này hoàn thành sớm, đơn vị sẽ cố gắng tiến hành cổ phần theo đúng quy định”.

Thế nhưng, các DN nhà nước đang có kế hoạch thoái vốn cho rằng, khó thực hiện theo đúng tiến độ vì năm nay dịch bệnh Covid-19 diễn ra gây thiệt hại nặng cho hầu hết các lĩnh vực, nhiều nhà đầu tư cân nhắc rất kỹ và hạn chế mua cổ phần của các DN. Vì thế, dù mọi bước thủ tục hoàn thành có thể đưa cổ phần của DN lên sàn cũng chưa chắc đã bán được để thoái vốn.

 Bên cạnh đó, thời gian hạn định để làm hồ sơ thoái vốn quá ngắn khiến DN nhà nước lo lắng không kịp thực hiện sẽ phải làm lại hồ sơ thẩm định mất thêm vài tháng nữa. Ông Đinh Văn Hồng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Chăn nuôi Phú Sơn (H.Trảng Bom) nói: “Quy định của Chính phủ là thời gian thẩm định giá của DN chỉ có hiệu lực trong 6 tháng. Trong thời gian đó, DN phải hoàn tất các thủ tục trình UBND tỉnh phê duyệt, đăng tải thông tin trên báo về việc bán cổ phần, thoái vốn và tiến hành đấu giá. Nếu quá 6 tháng chưa thực hiện xong thoái vốn, DN phải tiến hành thẩm định lại giá trị DN, việc này gây mất nhiều thời gian”.

Vì thế, lãnh đạo nhiều DN nhà nước khẳng định, việc thoái vốn trong năm 2020 khó khăn hơn nhiều so với năm trước, vì bên cạnh những vướng mắc về thủ tục thì thị trường chứng khoán đang đi xuống nên nhà đầu tư không mặn mà trong việc mua cổ phần đầu tư.

Hương Giang

Tin xem nhiều