Báo Đồng Nai điện tử
En

Đô thị Đồng Nai - 45 năm chuyển mình

04:04, 30/04/2020

45 năm sau Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, hòa với nhịp phát triển chung của cả nước, Đồng Nai đã đạt được những thành tựu vượt bậc trong phát triển kinh tế - xã hội...

45 năm sau Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, hòa với nhịp phát triển chung của cả nước, Đồng Nai đã đạt được những thành tựu vượt bậc trong phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, một điểm nhấn không thể không nhắc tới là sự đổi thay về diện mạo của đô thị Đồng Nai.

Một góc đô thị Biên Hòa
Một góc đô thị Biên Hòa. Ảnh:P. Tùng

Các đô thị của Đồng Nai đã và đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ trên hành trình xây dựng những đô thị văn minh, hiện đại, bền vững.

* Kiến tạo diện mạo đô thị mới

Sau 12 ngày đêm chiến đấu ác liệt, ngày 21-4-1975, tỉnh Long Khánh hoàn toàn được giải phóng. Thắng lợi của Chiến dịch tiến công Xuân Lộc - Long Khánh đã đập tan “cánh cửa thép” án ngữ cửa ngõ phía Đông Sài Gòn, làm rung chuyển toàn bộ hệ thống phòng thủ của địch xung quanh Sài Gòn và làm suy sụp nhanh tinh thần chiến đấu của quân đội Sài Gòn còn lại trên toàn miền Nam.

Sau ngày giải phóng, từ hoang tàn đổ nát, Long Khánh đã vươn mình phát triển để trở thành đô thị xanh, hiện đại nơi của ngõ phía Đông của Đồng Nai.

Năm 1991 được xem là dấu mốc quan trọng khi Long Khánh chính thức được chia tách từ H.Xuân Lộc để hình thành H.Long Khánh và năm 2004 thành TX.Long Khánh. Đến ngày 1-6-2019, một dấu mốc quan trọng khác trong hành trình phát triển đô thị Long Khánh lại chính thức được xác lập, TP.Long Khánh được chính thức thành lập theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Long Khánh trở thành thành phố thứ 2 của tỉnh Đồng Nai.

Chủ tịch UBND TP.Long Khánh Hồ Văn Nam cho biết, theo kế hoạch ban đầu, đến cuối năm 2020, TX.Long Khánh mới hoàn thành các tiêu chí để được công nhận là thành phố, tuy nhiên địa phương đã hoàn thành trước kế hoạch đề ra hơn 1 năm. Điều này chứng tỏ sự nỗ lực lớn lao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố qua hàng chục năm phát triển.

Trong hành trình kiến tạo diện mạo mới, các công trình hạ tầng từ nội thị đến các xã được đầu tư xây dựng đồng bộ, khu vực đô thị được tập trung chỉnh trang. Nhờ đó, từ một vùng đất hoang tàn sau chiến tranh, trải qua hành trình hơn 16 ngàn ngày, TP.Long Khánh với dáng vẻ của một đô thị xanh, văn minh và hiện đại đã và đang “thành hình”.

Biên Hòa được xem là mộ trong những thành phố công nghiệp năng động trong đổi mới, phát triển
Biên Hòa được xem là một trong những thành phố công nghiệp năng động trong đổi mới, phát triển. Ảnh: Công Nghĩa

Cũng giống như TP.Long Khánh, sau ngày thống nhất đất nước, Biên Hòa, đô thị trung tâm của Đồng Nai cũng mang trên mình hàng loạt “vết thương” của chiến tranh.

Đi lên từ những bộn bề gian khó sau ngày giải phóng, đô thị Biên Hòa nay đã khoác lên mình “tấm áo” mới năng động. Với 6 khu công nghiệp trên địa bàn, Biên Hòa được xem là một trong những thành phố công nghiệp năng động nhất trên cả nước.

Nằm ở cửa ngõ Vùng kinh tế trọng điểm Nam bộ, là một trong 3 trục tam giác tăng trưởng TP.HCM - Biên Hòa - Vũng Tàu, những năm qua, hàng loạt công trình, dự án lớn đã được đầu tư xây dựng như: cầu An Hảo, cầu Hóa An… đã góp phần tạo nên một đô thị Biên Hòa hiện đại và giàu sức sống.

Ngày 30-12-2015, TP.Biên Hòa đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh. Ông Phạm Anh Dũng, Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa cho biết, với vị trí trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của tỉnh, đồng thời là thành phố công nghiệp, đầu mối giao thông quan trọng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Biên Hòa phấn đấu hướng đến đô thị loại I vững mạnh và thành phố trực thuộc Trung ương trong tương lai không xa.

Trong quy hoạch phát triển đô thị của Đồng Nai, cùng với Biên Hòa, đô thị Long Thành và Nhơn Trạch là những đô thị được xác định sẽ hình thành trục đô thị chính của tỉnh.

45 năm qua, đô thị Nhơn Trạch và Long Thành cũng đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ. Là những “thủ phủ” phát triển công nghiệp của tỉnh, 2 đô thị này cũng đã được đầu tư hệ thống hạ tầng đồng bộ. Qua đó, trở thành “thỏi nam châm” thu hút các nhà đầu tư. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế, nhất là công nghiệp, thời gian tới, đô thị Long Thành và Nhơn Trạch sẽ còn có thêm những động lực lớn để phát triển.

* Xây dựng “thương hiệu” riêng cho từng đô thị

Biên Hòa, Long Khánh, Long Thành và Nhơn Trạch được xác định là những đô thị lớn của Đồng Nai trong tương lai. Do đó, cùng với sự đầu tư phát triển về hạ tầng, không gian, cảnh quan của các đô thị này cũng được Đồng Nai định hướng phát triển theo hướng văn minh, hiện đại, bền vững và có những nét riêng, tạo nên thương hiệu riêng của từng đô thị.

Thị trấn Long Thành nhìn từ trên cao
Thị trấn Long Thành nhìn từ trên cao

Với dòng sông Đồng Nai chảy xuyên qua đô thị, TP.Biên Hòa được xác định sẽ trở thành đô thị ven sông. Hàng loạt dự án hạ tầng và chỉnh trang đô thị trong thời gian tới sẽ được triển khai dọc hai bờ sông Đồng Nai được kỳ vọng sẽ đưa dòng sông này trở thành trục cảnh quan chính của đô thị Biên Hòa.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, trong quy hoạch chung của tỉnh, TP.Biên Hòa cũng đã được xác định sẽ trở thành đô thị ven sông Đồng Nai.

Trong khi đó, 2 đô thị khác trong trục đô thị chính của tỉnh là Long Thành và Nhơn Trạch  được định hình “thương hiệu” gắn với những thế mạnh và tiềm năng sẵn có.

Sở Xây dựng đã hướng dẫn UBND các địa phương thực hiện lập hồ sơ điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng đô thị. Đến nay, UBND tỉnh đã phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng đô thị Long Giao, H.Cẩm Mỹ. UBND các huyện: Xuân Lộc, Vĩnh Cửu, Thống Nhất, Tân Phú đang thực hiện lập hồ sơ quy hoạch chung xây dựng đô thị.

Ngoài ra, đề án đề nghị công nhận khu vực TT.Trảng Bom và TT.Long Thành mở rộng đạt tiêu chí đô thị loại IV đã được Bộ Xây dựng công nhận.

Theo dự kiến, năm 2021, cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành sẽ chính thức được khởi công trên địa bàn H.Long Thành. Với “tầm vóc” của một sân bay lớn nhất cả nước, sân bay Long Thành sẽ không chỉ tạo ra sự kết nối về giao thông, tạo động lực phát triển kinh tế mà còn hứa hẹn sẽ đưa Long Thành trở thành một thành phố sân bay.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh cho rằng, sân bay Long Thành sẽ tạo động lực phát triển mạnh mẽ trong việc định hình, xây dựng đô thị trước mắt và cả lâu dài vì mọi hướng kết nối đều tập trung vào khu vực này. Do đó, Đồng Nai đang định hướng vùng xung quanh sân bay Long Thành trở thành “thành phố sân bay”. “UBND tỉnh cũng đã cử các đoàn công tác đi tham quan, học tập kinh nghiệm xây dựng thành phố xung quanh sân bay từ các nước tiên tiến trên thế giới để làm cơ sở cho việc tiếp thu, ứng dụng tại Đồng Nai sau này” - Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh cho biết.

Trong khi đó, với vị trí “đắc địa”, sở hữu cả thế mạnh về dịch vụ cảng, công nghiệp, đẩy mạnh hạ tầng liên kết đến TP.HCM, đô thị Nhơn Trạch sẽ là một trong những khu đô thị vệ tinh cho đô thị lớn nhất nước là TP.HCM. Từ thế mạnh này, Nhơn Trạch được định hình sẽ trở thành một đô thị dịch vụ, trong đó tập trung phát triển mạnh các dịch vụ phục vụ công nghiệp.

Tương tự, được mệnh danh là “Đà Lạt của Đồng Nai”, TP.Long Khánh đã được định hình sẽ trở thành đô thị xanh nơi vùng cửa ngõ phía Đông của tỉnh.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, TP.Long Khánh có lợi thế lớn khi có nền nhiệt thấp hơn khoảng 20C so với các khu vực xung quanh. Cùng với đó, địa phương cũng có diện tích cây xanh bao phủ rất lớn tạo ra khí hậu rất trong lành. Đây là những thế mạnh vốn có của TP.Long Khánh để phát triển đô thị này trở thành một đô thị xanh hiện đại.

Phạm Tùng   

Tin xem nhiều