Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài cuối: Để công nghiệp hỗ trợ phát triển bền vững

04:04, 23/04/2020

Công nghiệp muốn phát triển bền vững thì phải chủ động được nguyên liệu. Do đó, Chính phủ đã đặt ra kế hoạch cho từng giai đoạn, nâng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm. Thu hút đầu tư vào phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) được ưu tiên hàng đầu. 

Công nghiệp muốn phát triển bền vững thì phải chủ động được nguyên liệu. Do đó, Chính phủ đã đặt ra kế hoạch cho từng giai đoạn, nâng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm. Thu hút đầu tư vào phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) được ưu tiên hàng đầu. 

Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh (bìa trái) tham quan gian hàng của các doanh nghiệp tại hội nghị xúc tiến thương mại tại chỗ
Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh (bìa trái) tham quan gian hàng của các doanh nghiệp tại hội nghị xúc tiến thương mại tại chỗ. Ảnh: H.Giang

[links()]Hơn 1 thập niên qua, trong thu hút đầu tư nước ngoài, trong nước, Đồng Nai luôn ưu tiên mời gọi doanh nghiệp (DN) rót vốn vào lĩnh vực CNHT để đáp ứng yêu cầu của Chính phủ. Tỉnh đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ DN để tiếp tục phát triển ngành CNHT một cách bền vững.

* Nhiều chính sách hỗ trợ “sát sườn”

Trong nhiều năm liền phát triển công nghiệp và xuất khẩu nhưng Việt Nam liên tục phải nhập siêu. Nguyên nhân là do CNHT trong nước phát triển chậm, không theo kịp nhu cầu của các DN, vì thế phải nhập khẩu rất nhiều nguyên liệu, máy móc thiết bị cho ngành công nghiệp. Do đó, phát triển CNHT được xem là một trong những chính sách ưu tiên hàng đầu của Chính phủ nhằm gia tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm và tận dụng các cơ hội đem lại từ những hiệp định thương mại tự do đã ký kết. Hơn 3 năm nay, CNHT của Việt Nam có bước chuyển biến tích cực, giúp nước ta chuyển từ nhập siêu sang xuất siêu.

Nhận thức được tầm quan trọng của CNHT nên thời gian qua Việt Nam có nhiều cơ chế, chính sách ưu tiên phát triển ngành này như: Luật Đầu tư công 2014 và Nghị định số 118/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đầu tư đã quy định, CNHT là lĩnh vực được đặc biệt ưu đãi đầu tư tại Việt Nam.

Theo ông Châu Minh Nguyện, Phó chủ tịch Hiệp hội DN Đồng Nai, các DN nhỏ, siêu nhỏ, vừa về CNHT vẫn gặp 2 khó khăn lớn nhất là mặt bằng sản xuất và vốn. 2 vấn đề này được hỗ trợ nhiều hơn nữa sẽ tạo động lực cho DN phát triển mạnh mẽ, góp phần gia tăng tỷ lệ nội địa hóa cho sản phẩm.

Tại buổi họp trực tuyến với các tỉnh, thành về phát triển kinh tế năm 2020 đầu tháng 4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc lưu ý, để CNHT Việt Nam tận dụng được các cơ hội trong tình hình mới, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản thiết thực thúc đẩy phát triển CNHT và giải quyết cụ thể các khó khăn, vướng mắc cho các DN ngành CNHT. Trong đó gồm Nghị định số 111/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển CNHT với 6 ngành nghề được hỗ trợ, ưu đãi là: sản xuất nguyên phụ liệu cho dệt may, da giày, điện tử, sản xuất lắp ráp ô tô, cơ khí chế tạo, các sản phẩm CNHT cho công nghệ cao. Bên cạnh đó còn có ưu đãi về thuế thu nhập DN, thuế xuất nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng và tín dụng, đất đai. Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 18-1-2017 của Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển CNHT từ năm 2016-2025. Mục tiêu nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh để DN tham gia sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu.

Các chính sách ưu đãi của Chính phủ đối với CNHT đã từng bước phát huy tác dụng, tạo tính lan tỏa, góp phần thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp trong nước. DN Việt trên lĩnh vực CNHT cũng gia tăng về số lượng, chất lượng và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh đánh giá:  “CNHT đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của kinh tế Việt Nam. Vì thế, thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành nhiều quy định nhằm thúc đẩy phát triển CNHT. Hiện ngành CNHT trong nước đã có những bước tiến đáng kể, góp phần để công nghiệp phát triển bền vững”.

Tại Đồng Nai, CNHT được chú ý từ hơn 10 năm trước nên đến nay đã gặt hái được nhiều kết quả tích cực. Cụ thể, xuất khẩu của ngành CNHT chiếm hơn 50% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh (hơn 10 tỷ USD/năm). Có nhiều DN trên địa bàn tỉnh đã tham gia vào chuỗi sản xuất quan trọng của thế giới như: sản xuất linh kiện máy bay, tàu thủy, máy tính, máy móc công nghệ cao... Đồng Nai cũng căn cứ vào những quy định của Trung ương, ban hành những chính sách hỗ trợ DN trên lĩnh vực CNHT kịp thời. Đồng thời, tỉnh thành lập 27 cụm công nghiệp nhằm hỗ trợ các DN vừa và nhỏ, trong đó DN ngành CNHT di dời vào để đáp ứng các yêu cầu về môi trường, nhà xưởng... có thể tham gia vào chuỗi cung ứng cho các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Ủy viên Trung ương Đảng Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Phú Cường nhấn mạnh: “DN ngành CNHT khi di dời vào cụm công nghiệp sẽ nhận được hỗ trợ về mặt bằng sản xuất. Đồng thời, tỉnh còn nhiều chính sách khác giúp DN sản xuất CNHT như: tín dụng, xúc tiến thương mại để kết nối cung cầu. Kết quả đã có những DN Việt trên lĩnh vực này tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu”.

* DN cần phải thật sự chủ động

Theo các chuyên gia kinh tế, Nhà nước tạo điều kiện cho DN về chính sách, kịp thời tháo gỡ khó khăn về hồ sơ, thủ tục, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ và từng bước đơn giản các thủ tục hành chính, giảm chi phí, thời gian cho DN. Về phần các DN lĩnh vực CNHT phải chủ động trong sản xuất, kinh doanh, xây dựng kế hoạch ngắn hạn, trung hạn, dài hạn và có những giải pháp để trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi sản xuất toàn cầu.

Xúc tiến thương mại tại chỗ để doanh nghiệp Việt về công nghiệp hỗ trợ tham gia vào chuỗi cung ứng cho tập đoàn nước ngoài tại Đồng Nai.
Xúc tiến thương mại tại chỗ để doanh nghiệp Việt về công nghiệp hỗ trợ tham gia vào chuỗi cung ứng cho tập đoàn nước ngoài tại Đồng Nai.

PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận xét, DN Việt hoạt động về CNHT hiện nay còn tồn tại những điểm yếu là chưa có ngành công nghiệp mũi nhọn đóng vai trò dẫn dắt, nhiều ngành công nghiệp ưu tiên phát triển không đạt mục tiêu đề ra, tỷ lệ nội địa hóa các ngành công nghiệp còn ở mức thấp. Quy mô và năng lực cạnh tranh của các DN Việt còn yếu, nhiều DN chưa đủ lực để tham gia sâu vào chuỗi cung ứng, sản xuất toàn cầu. Đặc biệt là trình độ công nghệ của DN Việt còn khoảng cách so với các nước cùng khu vực. “Các DN về CNHT Việt Nam cần tái cơ cấu, đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất, đào tạo lao động làm chủ công nghệ để đưa ra các sản phẩm chất lượng cao tham gia vào chuỗi cung ứng thế giới. Như vậy, DN sẽ khẳng định được vị trí và chỗ đứng trong các chuỗi sản xuất trong nước và trên thế giới” - ông Trần Đình Thiên nói.

Đồng Nai được đánh giá là nơi cung ứng nguyên liệu đầu vào lớn và hiện đại hàng đầu của Việt Nam. Thời gian qua, nhiều DN Việt đã trở thành đối tác cung ứng cho những tập đoàn lớn như: Samsung, Kenda, Vision, Mitsubishi, LG, Bosch...

Phó chủ tịch Hội DN Đồng Nai Châu Minh Nguyện cho biết: “DN Việt trên lĩnh vực CNHT những năm gần đây đã đạt được những kết quả đáng kể. Hiện đã có nhiều DN trở thành nhà cung cấp sản phẩm đầu vào cho những tập đoàn trong nước và nước ngoài tại Việt Nam. Tuy phần lớn là những DN nhỏ, siêu nhỏ nhưng đã chủ động trong việc ứng dụng công nghệ vào trong sản xuất nâng cao chất lượng sản phẩm và tìm khách hàng để cung ứng”.

Ông Huỳnh Kim Tôn, giảng viên quản trị chiến lược và đổi mới sáng tạo Trường đại học Mở TP.Hồ Chí Minh cho hay, khi phát triển đến một mức độ nhất định, các DN sẽ gặp khó trong quản lý. Điều này đòi hỏi chủ DN phải tham gia các khóa học để nâng cao nghiệp vụ, phải phân công nhiệm vụ cho đội ngũ nhân sự. DN cần phải ứng dụng những công cụ mới nhất của thế giới, trí tuệ nhân tạo, số hóa và tự động hóa vào quản lý, sản xuất, kinh doanh. Chiến lược quản trị tốt và giải pháp linh hoạt để thu hút nguồn chất xám cũng chính là điều kiện tiên quyết đảm bảo cho sự phát triển bền vững của DN.

Uyển Nhi - Văn Thế

Tin xem nhiều