Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài 1: Xuất phát điểm "èo uột"

04:04, 20/04/2020

Ngành công nghiệp hỗ trợ ở Đồng Nai và cả nước đã xuất hiện gần 30 năm trước, nhưng suốt quá trình đó, doanh nghiệp trong ngành phát triển yếu kém, thậm chí bị đánh giá "không làm nổi con ốc vít".

Ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) từ lâu được đánh giá là “xương sống” của cả quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Ngành CNHT của Đồng Nai cũng như cả nước đã xuất hiện từ gần 30 năm trước, nhưng suốt quá trình đó, doanh nghiệp trong ngành phát triển yếu kém, thậm chí bị đánh giá “không làm nổi con ốc vít” trở thành một định kiến gắn với doanh nghiệp trong ngành.

Công nghiệp cơ khí - chế tạo là một trong những ngành quan trọng của công nghiệp hỗ trợ. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty TNHH MTV Kim Vĩnh Thắng (Khu công nghiệp Biên Hòa 1)
Công nghiệp cơ khí - chế tạo là một trong những ngành quan trọng của công nghiệp hỗ trợ. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty TNHH MTV Kim Vĩnh Thắng (Khu công nghiệp Biên Hòa 1)

Tuy nhiên, 5 năm gần đây, nhiều doanh nghiệp Việt trong ngành CNHT đã tiến bộ vượt bậc, tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu, từng bước khẳng định được vị trí của mình trong hội nhập và đã bước qua “lời nguyền ốc vít”.

Bài 1: Xuất phát điểm èo uột

Gần 30 năm trước, nhiều doanh nghiệp (DN) nước ngoài đến Việt Nam đầu tư vào công nghiệp, thúc đẩy DN trong nước vươn mình trỗi dậy. Lúc đó, DN phải nhập rất nhiều nguyên liệu, khó chủ động trong sản xuất nên rất “khát” nguyên liệu tại chỗ. Các DN hỗ trợ cũng từ đó bắt đầu hình thành.

Theo các chuyên gia trên lĩnh vực kinh tế, các DN Việt tham gia vào lĩnh vực CNHT được gần 3 thập niên. Tuy nhiên, đa số là DN nhỏ và vừa nên năng lực sản xuất, công nghệ của CNHT Việt Nam hơn 2 thập niên đầu vẫn còn thấp so với thế giới.

* Công nghệ lạc hậu

Nguồn gốc của các DN trên lĩnh vực CNHT của Việt Nam hầu hết từ các cơ sở, DN tư nhân nhỏ được hình thành để đáp ứng nhu cầu cấp thiết của các DN sản xuất hàng hóa xuất khẩu. Cụ thể, các cơ sở, DN trên gia công một số công đoạn đơn giản cho DN trong nước, nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Sau đó, để tồn tại và phát triển những cơ sở, DN tư nhân chuyển thành các công ty và nâng dần công suất, chất lượng sản phẩm. Vì tiền thân là DN nhỏ, vốn ít, khả năng quản lý, tiếp cận công nghệ chậm, CNHT tại Việt Nam không theo kịp tốc độ phát triển của ngành công nghiệp trong nước.

Theo Bộ Khoa học -  công nghệ, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến DN Việt về CNHT phát triển chậm, công nghệ lạc hậu là do việc tiếp cận vốn vay đối với DN trước đây rất khó khăn. Hiện cả nước có khoảng 40 quỹ tài chính được thành lập để hỗ trợ vốn cho các DN nhỏ và vừa, gồm cả lĩnh vực CNHT. Tuy nhiên, DN về CNHT vẫn khó tiếp cận với nguồn vốn này và luôn trong tình trạng “đói” vốn.

Một thời gian dài, CNHT của DN Việt có quy mô sản xuất nhỏ, siêu nhỏ không đủ lực, mạo hiểm đầu tư để có thể gia nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu, do lo ngại khó tiếp cận thị trường hoặc thị phần tiêu thụ thiếu ổn định.

Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai Cao Tiến Sỹ đánh giá: “Giai đoạn đầu các DN Việt tham gia CNHT có trình độ lạc hậu, chủ yếu là gia công cơ khí, thiếu kinh nghiệm làm việc với DN nước ngoài, chưa tuân thủ tiêu chuẩn về phát triển bền vững nên rất khó tham gia vào chuỗi sản xuất của các DN, tập đoàn đa quốc gia. Bên cạnh đó còn do DN Việt có tâm lý e ngại không thể cạnh tranh với DN có vốn đầu tư nước ngoài về CNHT nên bỏ qua nhiều cơ hội”. Đó cũng là lý do mà nhiều DN Việt một thời gian dài chấp nhận làm nhà cung ứng cấp 3 hoặc 4, chứ không tính đến việc nâng cấp quy mô sản xuất để từng bước vươn lên vị trí nhà cung ứng cấp 1.

Cách đây 10 năm, Tập đoàn Samsung đầu tư vào Việt Nam và tìm kiếm các DN cung cấp những cấu kiện sản phẩm điện thoại nhưng không tìm được, chứng tỏ DN Việt vẫn chỉ ở phần rìa của chuỗi cung ứng. Một thực tế tồn tại dai dẳng hàng chục năm chậm được giải quyết là DN Việt chưa chủ động hoặc không đủ điều kiện tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu nên việc tham gia vào thị trường thương mại tự do, khai thác lợi ích của những hiệp định thương mại tự do rất hạn chế.

Đơn cử, trong ngành cơ khí, đa số là gia công các công đoạn cơ khí đơn giản (dập, cắt, hàn, sơn…) rất ít DN thực hiện các công đoạn, sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao như: đúc, xử lý nhiệt, gia công bề mặt. Hay, lĩnh vực điện tử mới chỉ tập trung chủ yếu vào các chi tiết nhựa và bao bì còn sản xuất các bo mạch, linh kiện điện tử rất ít DN Việt đáp ứng được.

“Không chỉ quy mô nhỏ, DN Việt còn đối mặt với sự cạnh tranh gắt của DN nước ngoài tại Việt Nam. Đặc biệt là các DN đến từ Trung Quốc. Hầu như các đơn vị sản xuất, chế tạo vẫn đang phải làm gia công là chính và chỉ là nhà cung cấp số 2, số 3 trở đi chứ chưa có nhiều DN cung cấp trực tiếp đến đối tác của mình”- ông Phạm Anh Hoàng, Giám đốc HTX Sản xuất thương mại dịch vụ Hoàng Tuyến (TP.Biên Hòa), chuyên sản xuất cấu kiện máy móc, cơ khí phục vụ DN trong các khu công nghiệp nêu rõ thực trạng.

* Hàng loạt chính sách mở đường

Theo thời gian, DN nước ngoài đến đầu tư ngày càng nhiều sẽ kéo theo nhu cầu về nguyên liệu cho sản xuất ngày càng gia tăng. Do đó, dù xuất khẩu của Việt Nam tăng hơn 10%/năm, nhưng luôn phải nhập siêu. Chính phủ sớm nhận ra tầm quan trọng của việc phát triển CNHT. Việt Nam đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ và ưu tiên phát triển ngành này như Luật Đầu tư năm 2014 quy định CNHT là lĩnh vực được đặc biệt ưu đãi đầu tư tại Việt Nam. Các ưu đãi về thuế thu nhập DN đối với dự án CNHT cũng đã được quy định vào thời điểm sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế năm 2014…

Ngày 18-1-2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 68/QĐ-CP về việc phê duyệt chương trình Phát triển CNHT giai đoạn từ năm 2016-2025. Theo đó, đến năm 2020, sản phẩm CNHT đáp ứng khoảng 45% nhu cầu sản xuất nội địa; đến năm 2025, đáp ứng được 65%. Có khoảng 1 ngàn DN CNHT đủ năng lực cung ứng cho các DN lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam và đến năm 2030, phấn đấu đạt khoảng 2 ngàn DN.

Đặc biệt, năm 2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định 111/2015/NĐ-CP về phát triển CNHT với 6 ngành nghề được hỗ trợ, ưu đãi là dệt may, da giày, điện tử, sản xuất lắp ráp ô tô, cơ khí chế tạo, các sản phẩm hỗ trợ cho công nghệ cao. Nghị định quy định cụ thể về các ưu đãi về thuế thu nhập, thuế xuất nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng và tín dụng. Trong đó, DN nhỏ và vừa sản xuất sản phẩm CNHT thuộc danh mục sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển còn được hưởng ưu đãi về tín dụng đầu tư và tiền thuê đất...

Chiến lược phát triển của Chính phủ Việt Nam tiếp tục được cụ thể hóa tại chương trình Phát triển CNHT giai đoạn 2016-2025... Thông qua các chương trình này, các DN sẽ được hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh và có cơ hội tham gia sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu.

Cùng với sự phát triển của cả nước, lĩnh vực CNHT của Đồng Nai cũng được chú trọng. Từ hơn 10 năm trước, tỉnh đã đặt ra quy định thu hút đầu tư có chọn lọc. Trong đó, ưu tiên cho lĩnh vực CNHT nhằm tăng tỷ lệ nội địa hóa cho sản phẩm.

Ông Nguyễn Hòa An, Giám đốc Công ty TNHH Kỹ thuật công nghiệp An Phát (TP.Biên Hòa) cho hay: “DN của tôi tham gia ngành CNHT hơn 20 năm. Đó cũng là thời điểm manh nha của CNHT Việt Nam. Theo ông An, số lượng các DN CNHT của Đồng Nai hiện khá lớn, đồng thời, tỉnh cũng là địa phương có Chi hội Hàng công nghiệp hỗ trợ, là tổ chức để các DN hội viên có thể hợp tác, trao đổi với nhau, đồng thời tìm kiếm cơ hội bán hàng cho khối FDI.

Chia sẻ với báo chí, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh nhận định các ngành điện tử, công nghiệp ô tô, công nghiệp dệt may, da giày, ngành năng lượng... là những ngành Việt Nam có tiềm năng, lợi thế và có dung lượng thị trường lớn. Trong những năm tới, hội nhập kinh tế với nước ngoài sẽ tiếp tục được đẩy mạnh, cùng với sự phát triển của khoa học, công nghệ sẽ là cơ hội để tái cơ cấu ngành CNHT. Bộ Công thương đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp để hình thành những trung tâm nghiên cứu phát triển và hỗ trợ CNHT, trước mắt là tại 3 trung tâm kinh tế lớn khu vực miền Bắc, Trung, Nam.

 Uyển Nhi - Văn Thế.

(còn tiếp)

Tin xem nhiều