Báo Đồng Nai điện tử
En

Tìm đầu vào cho công nghiệp hỗ trợ

09:03, 02/03/2020

Đồng Nai là tỉnh có ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) khá phát triển, với hơn 600 doanh nghiệp có vốn trong nước, nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực này. Tuy nhiên, sau khi dịch Covid-19 xảy ra, Việt Nam chịu nguy cơ thiếu nguyên liệu sản xuất công nghiệp rất lớn, kể cả nguyên liệu thô cho CNHT.

Đồng Nai là tỉnh có ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) khá phát triển, với hơn 600 doanh nghiệp có vốn trong nước, nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực này. Tuy nhiên, sau khi dịch Covid-19 xảy ra, Việt Nam chịu nguy cơ thiếu nguyên liệu sản xuất công nghiệp rất lớn, kể cả nguyên liệu thô cho CNHT.

Sản xuất ốc vít tại Công ty TNHH công nghiệp Kiến Đạt ở Khu công nghiệp Agtex Long Bình (TP.Biên Hòa). Ảnh: P.Tùng
Sản xuất ốc vít tại Công ty TNHH công nghiệp Kiến Đạt ở Khu công nghiệp Agtex Long Bình (TP.Biên Hòa). Ảnh: P.Tùng

Theo một số chuyên gia về kinh tế, lâu nay, Việt Nam chú ý thu hút đầu tư vào lĩnh vực CNHT nhằm nâng tỷ lệ nội địa hóa cho sản phẩm, nhưng lại chưa chú ý nhiều đến đầu vào cho sản xuất CNHT. Do đó, khi xảy ra dịch bệnh, nguồn cung nguyên liệu thô gián đoạn, kéo theo ngành CNHT cũng “lao đao”.

* Chưa hình thành chuỗi giá trị

Quá trình phát triển công nghiệp của Đồng Nai cũng như các tỉnh, thành khác trong cả nước vẫn còn những lĩnh vực cần được quan tâm chú trọng để phát triển bền vững hơn. Thực tế đã cho thấy, khi Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản - 3 thị trường nhập khẩu nguyên liệu thô lớn của Việt Nam cho CNHT - xảy ra biến động, nguồn cung khan hiếm là ngành công nghiệp trong nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Trước đây, nhiều ngành đã cho biết là tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm đang được nâng lên, nhiều đơn hàng nguyên liệu trong nước đã đáp ứng 50-70%. Thế nhưng, ít ai quan tâm đến đầu vào cho CNHT đang phải nhập khẩu đến 70-80%.

Ông Mai Khanh, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại nhựa kỹ thuật Vinastar (TP.Biên Hòa) cho hay: “Công ty chuyên sản xuất các loại linh kiện cho máy móc thiết bị và sản phẩm làm ra chủ yếu xuất khẩu qua Nhật Bản, Hàn Quốc. Nguyên liệu để sản xuất các thiết bị trên phải nhập số lượng lớn nên khi xảy ra dịch Covid-19, công ty đối mặt với thực trạng thiếu đầu vào cho sản xuất”. Nhiều doanh nghiệp cho biết, đã chủ động nhập nguyên liệu thô dự trữ để sản xuất khoảng 2-4 tháng, song nếu dịch kéo dài thêm 1-2 tháng nữa, họ sẽ rơi vào cảnh thiếu nguyên liệu phải giảm hoạt động.

Ông Lê Trí Minh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Đại Á Thành, Chi hội trưởng Chi hội ngành CNHT cho rằng, mấy năm trở lại đây, CNHT của Đồng Nai cũng như cả nước tương đối phát triển, nhưng sản phẩm đầu vào cho ngành thì thị trường trong nước không đáp ứng được nhiều nên chủ yếu vẫn phải nhập khẩu. Việc này khiến cho CNHT khó chủ động trong sản xuất, vì khi các nước đối tác cung ứng nguyên liệu thô xảy ra biến động phải tạm dừng hoạt động thì ngành sẽ chịu tác động tiêu cực ngay sau đó một vài tháng và sẽ ảnh hưởng dây chuyền đến những ngành sản xuất hoàn thiện sản phẩm để xuất khẩu và tiêu thụ nội địa.

* Tìm nguồn hàng thay thế

Ở Đồng Nai cũng như cả nước có 5 mặt hàng chủ lực trong sản xuất công nghiệp đang đứng trước nguy cơ thiếu nguyên liệu cho sản xuất là: giày dép, dệt may, xơ sợi dệt, điện tử, máy móc thiết bị và phụ tùng. Theo Bộ Công thương, nguồn nguyên liệu trong nước cho những ngành hàng trên đáp ứng 30-60% (tùy theo đơn hàng), khi xảy ra dịch, doanh nghiệp có thể tìm thêm nguyên liệu trong nước và những nước khác. Thế nhưng, các nhà máy sản xuất CNHT cho những ngành trên cũng đang đối mặt với thiếu nguyên liệu thô và đang phải tất bật lo tìm nguồn cung từ những quốc gia khác để bù lại.

Bà Lily Lin, Tổng giám đốc Công ty TNHH công nghiệp Kiến Đạt ở Khu công nghiệp Agtex Long Bình (TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Công ty chuyên sản xuất các loại ốc vít cung cấp cho thị trường nội địa đến gần 80% còn lại là xuất khẩu. Đầu vào để sản xuất là các loại sắt thép, kim loại phải nhập khẩu từ một số nước chứ trong nước chưa đáp ứng đủ”. Do đó, nếu thêm một thời gian nữa nhiều quốc gia vẫn không khống chế được dịch bệnh và bình thường hóa sản xuất, công ty cũng gặp khó khăn về nguồn cung đầu vào cho sản xuất như nhiều doanh nghiệp khác. Hiện Công ty TNHH công nghiệp Kiến Đạt đang tìm thêm nguyên liệu thô từ những thị trường khác để dự trữ cho sản xuất.

Theo các doanh nghiệp trên lĩnh vực CNHT tại Đồng Nai thì họ đang tìm thêm sản phẩm đầu vào từ các nước trong khối ASEAN, Mỹ, Ấn Độ, châu Âu. Điều may mắn là nhiều nước trên thế giới đã bắt đầu sản xuất mạnh nguồn nguyên liệu thô cho sản xuất CNHT. Tuy nhiên, tìm nguồn cung từ những quốc gia, vùng lãnh thổ khác về chất lượng sản phẩm có thể khá đảm bảo, song điều các doanh nghiệp lo lắng nhất là giá bán sẽ cao hơn nhiều so với nhập từ Trung Quốc và Hàn Quốc, sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến đầu ra của sản phẩm.

Theo Sở Công thương, Đồng Nai hiện có 605 doanh nghiệp sản xuất trên lĩnh vực CNHT. Trong đó gồm 138 doanh nghiệp trong nước và 467 doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài và chủ yếu đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan.

Hương Giang

Tin xem nhiều