Báo Đồng Nai điện tử
En

Cần trợ lực cho ngành chế tạo khuôn mẫu

04:03, 05/03/2020

Đồng Nai có hàng ngàn doanh nghiệp (DN) sản xuất tại các khu công nghiệp. Do đó, nhu cầu về khuôn mẫu cho sản xuất nhựa, dập cơ khí, đúc áp lực, khuôn mẫu vật liệu xây dựng, chi tiết máy... rất lớn, là điều kiện để các DN ngành nghề này phát triển.

Đồng Nai có hàng ngàn doanh nghiệp (DN) sản xuất tại các khu công nghiệp. Do đó, nhu cầu về khuôn mẫu cho sản xuất nhựa, dập cơ khí, đúc áp lực, khuôn mẫu vật liệu xây dựng, chi tiết máy... rất lớn, là điều kiện để các DN ngành nghề này phát triển.

Quy mô nhỏ, các doanh nghiệp ngành cơ khí, chế tạo khuôn mẫu cần được trợ lực để phát triển. Ảnh: V.GIA
Quy mô nhỏ, các doanh nghiệp ngành cơ khí, chế tạo khuôn mẫu cần được trợ lực để phát triển. Ảnh: V.GIA

Tuy nhiên trên thực tế, các DN cơ khí, khuôn mẫu của Đồng Nai vẫn đang hoạt động chật vật. Thiếu sự liên kết, môi trường lại cạnh tranh gay gắt với hàng nước ngoài nên nhiều DN cho rằng họ cần có thêm chính sách trợ lực để phát triển.

* Hạn chế về nguồn lực để tái đầu tư

Dù đã bán được hàng cho một số đối tác nước ngoài nhưng Công ty TNHH kỹ thuật công nghiệp An Phát (TP.Biên Hòa) chuyên cung cấp các sản phẩm khuôn mẫu dùng cho công nghiệp chế tạo điện tử, điện lạnh, đồ điện gia dụng... tại TP.Biên Hòa vẫn còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là nguồn lực tái đầu tư.

Trao đổi về vấn đề này, TS.Tô Hoài Nam, Phó chủ tịch thường trực Hội DN nhỏ và vừa Việt Nam nhận định, Đồng Nai là mảnh đất rất nhiều tiềm năng cho công nghiệp cơ khí - chế tạo phát triển. Tuy nhiên, bài toán đặt ra cho DN và chính quyền địa phương là phải liên kết khối DN này lại với nhau. Liên kết là chìa khóa để tập hợp sức mạnh DN, tham gia vào chuỗi sản xuất với các “ông lớn” trong và ngoài nước, thúc đẩy ngành công nghiệp cơ khí - chế tạo phát triển.

Ông Nguyễn Hòa An, Giám đốc DN này chia sẻ, các DN vừa và nhỏ có đặc điểm chung là đều đi lên từ những người thợ, trong giai đoạn đầu phát triển rất tốt, rất thành công nhưng đến một giai đoạn phát triển nhất định, DN lại gặp “lực cản” lớn. Nguyên do là trình độ quản lý, nghiệp vụ quản trị sản xuất của chủ DN hạn chế hoặc không có khiến cho DN lâm vào khó khăn, chất lượng sản phẩm không đáp ứng được yêu cầu hoặc hàng sản xuất nhiều nhưng chi phí lại quá cao...

Tương tự, ông Phan Văn Tứ, Giám đốc công ty Kim Vĩnh Thắng (KCN Biên Hòa 1) chuyên về sản xuất, chế tạo, gia công phôi kim loại, đúc các sản phẩm từ gang, hợp kim cũng cho rằng, bên cạnh khó khăn về nguồn vốn thì kỹ thuật đúc cũng là một rào cản lớn phải vượt qua. Với một DN nhỏ, việc đầu tư hệ thống máy móc hiện đại gần như là không thể. Đơn cử với một bộ máy đúc tự động, toàn bộ dây chuyền thiết bị “ngốn” một số vốn từ 2-4 triệu USD, DN không kham nổi. Do vậy ở nhiều công đoạn, các DN đúc vẫn phải làm thủ công là chủ yếu.

Hạn chế đó đã kéo theo việc DN bị lỡ các cơ hội hợp tác. Bởi nếu có vốn đầu tư công nghệ mới, chất lượng sản phẩm sẽ chuẩn hơn, bên cạnh đó vấn đề chăm lo cho người lao động cũng ổn định hơn. Những yếu tố này khá quan trọng bởi khi các đối tác nước ngoài tham quan dây chuyền sản xuất sẽ đánh giá cao về năng lực DN trong việc lựa chọn cơ hội hợp tác.

Theo PGS-TS.Nguyễn Tấn Tiến, Khoa Cơ khí Trường đại học bách khoa TP.HCM, trong giá trị hơn 1 tỷ USD của ngành công nghiệp khuôn mẫu, cơ khí chính xác tại Việt Nam, các DN trong nước chiếm 42%, còn lại là nhóm DN đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Theo năng lực hiện có, các DN Việt Nam chỉ làm 8,5% khuôn ép, còn lại là khuôn dập. Thực trạng chung là phần nhiều DN trong nước chỉ sản xuất các khuôn mẫu với độ chính xác không quá cao do hạn chế về công nghệ.

* Thiếu liên kết để phát triển

Một khó khăn hiện nay đối với ngành cơ khí - chế tạo nói chung và sản xuất khuôn mẫu nói riêng là sự cạnh tranh gay gắt từ các sản phẩm cùng chủng loại của DN Trung Quốc. Trong khi các DN cơ khí, khuôn mẫu của Việt Nam hầu hết đều ở quy mô nhỏ và vừa thì các đối thủ đến từ Trung Quốc có rất nhiều lợi thế. Do có nguồn tài nguyên tốt, nguyên liệu ổn định, lại có mối liên kết rộng nên sản phẩm của các DN Trung Quốc có giá thành khá rẻ.

Thị phần còn lại cho DN Việt rất nhỏ, nhiều DN buộc phải qua trung gian mới tiếp cận được khách hàng. “Nhu cầu về hàng công nghiệp hỗ trợ rất nhiều nhưng để bán hàng thuận lợi là không dễ. Chúng tôi có hơn 10 năm phát triển song về quy mô còn nhỏ, khó cạnh tranh nổi với DN nước ngoài dù sản phẩm của mình chất lượng có thể tương đương. Thị trường hoàn toàn bị động, thậm chí bất công, có những đơn hàng chúng tôi bị khâu trung gian ép phải sản xuất gia công cho họ. Chúng tôi có tầm nhìn rất rõ ràng, phải luôn phấn đấu bằng chính nội lực của mình nhưng cũng cần được hỗ trợ” - ông Phạm Anh Hoàng, Giám đốc HTX Hoàng Tuyến, chuyên sản xuất quạt công nghiệp và hệ thống lọc bụi cho các nhà máy chia sẻ.

Mong muốn của ông Hoàng là làm sao để cộng đồng DN trong nước nói chung, những DN thuộc lĩnh vực hàng công nghiệp phụ trợ nói riêng có được một hiệp hội thực sự mạnh, có tiếng nói, có khả năng can thiệp, hỗ trợ khi các DN khó khăn. Hiệp hội này sẽ đại diện cho quyền lợi của các hội viên, là cầu nối để tạo cơ hội hợp tác cho các DN Việt. Theo ông Hoàng, chỉ khi có được một hiệp hội mạnh, sản phẩm từ các cơ sở sản xuất mới đến trực tiếp với khách hàng, từ đó thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp hỗ trợ.

Đây cũng chính là điều mà ông Nguyễn Hòa An trăn trở. Không chỉ vậy, hiệp hội ngành nghề cần có định hướng, phân công cụ thể từng DN để tập hợp sức mạnh, cạnh tranh sòng phẳng với DN nước ngoài.

Văn Gia

Tin xem nhiều