Báo Đồng Nai điện tử
En

Dự án bất động sản dây dưa, kéo dài: Khó thu hồi

02:12, 19/12/2019

Theo quy hoạch đến năm 2020, Đồng Nai có gần 300 dự án bất động sản, trong đó có 248 dự án nhà ở thương mại và 49 dự án nhà ở xã hội. Song thực tế, nhiều dự án kéo dài từ 6-14 năm chưa xây dựng xong...

Theo quy hoạch đến năm 2020, Đồng Nai có gần 300 dự án bất động sản. Trong đó, gồm 248 dự án nhà ở thương mại và 49 dự án nhà ở xã hội. Song thực tế cho thấy, nhiều dự án kéo dài từ 6-14 năm chưa xây dựng xong. Với những dự án dây dưa, kéo dài chưa thực hiện, việc thu hồi cũng không hề dễ.

Dự án khu dân cư ở xã Phú Hội (huyện Nhơn Trạch) đã được cấp phép đầu tư gần 10 năm nhưng chưa triển khai xây dựng. Ảnh: H.Giang
Dự án khu dân cư ở xã Phú Hội (huyện Nhơn Trạch) đã được cấp phép đầu tư gần 10 năm nhưng chưa triển khai xây dựng. Ảnh: H.Giang

[links()]Theo UBND tỉnh, những dự án nhà ở thương mại tại Đồng Nai có tổng diện tích khoảng 9.832 hécta và dự án nhà ở xã hội 158 hécta. Các dự án bất động sản nói trên chủ yếu tập trung ở khu vực TP.Biên Hòa và các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom.

* Nhiều dự án hơn 10 năm chưa triển khai

Khảo sát tại các địa phương cho thấy, có khá nhiều dự án kéo dài nhiều năm chưa triển khai khiến người dân nằm trong vùng dự án khá bức xúc. Lý do là vì đất đai, nhà cửa bị quy hoạch trong dự án nên không thể đầu tư xây dựng mới hoặc sửa chữa, những quyền lợi khác như tách thửa, sang nhượng, cho tặng đất đai cũng bị giới hạn. Các địa phương có nhiều dự án bất động sản “treo” nhiều năm là TP.Biên Hòa và 2 huyện Long Thành, Nhơn Trạch.

Trong danh mục 170 dự án sẽ thu hồi đất năm 2019 được HĐND tỉnh thông qua, hiện có 119 dự án đang thực hiện các bước thu hồi đất. Trong đó, 29 dự án đã có quyết định thu hồi đất, 40 dự án có thông báo thu hồi đất và 50 dự án đang lập thủ tục thu hồi đất.

Ông Đặng Văn Minh, ngụ ấp Xóm Hố, xã Phú Hội (huyện Nhơn Trạch) kể: “Gần 0,5 hécta đất của gia đình tôi nằm trong dự án Khu nhà ở công nhân và chuyên gia Vạn Phúc ngay gần trung tâm hành chính huyện. Trước đây, nhà đầu tư ký hợp đồng với gia đình tôi là sẽ thu hồi đất và bồi thường bằng 4 nền đất đã hoàn thành hạ tầng trong dự án. Tuy nhiên, dự án kéo dài từ năm 2003 đến nay đã 16 năm nhưng vẫn chưa xong hạ tầng để giao đất nền như đã cam kết”. Đất đã bị thu hồi, nhưng đất nền chủ đầu tư không trả cho gia đình ông Minh để xây dựng nhà ở khiến nhiều năm nay, gia đình ông rơi vào cảnh khốn đốn, vật vờ chờ đợi.

Tại huyện Nhơn Trạch, trên địa bàn các xã Phú Hội, Long Tân, Phú Thạnh, Phước An... cũng còn hàng chục dự án khu dân cư kéo dài trên dưới 10 năm chưa triển khai.

Ông Nguyễn Giang Thanh, Phó chủ tịch UBND xã Vĩnh Thanh cho biết: “Trên địa bàn xã có 4-5 dự án bất động sản kéo dài gần 10 năm mà vẫn chưa thực hiện. Vì thế mỗi lần tiếp xúc cử tri, người dân đều phản ảnh tình trạng dự án chậm triển khai, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế của địa phương và đời sống của nhiều hộ dân trên địa bàn”.

Tại TP.Biên Hòa cũng có hàng loạt dự án khu dân cư nằm trên địa bàn các phường Long Bình Tân, Phước Tân, Tam Phước, Thống Nhất, Hóa An... kéo dài đã 8-12 năm chưa xong. Tương tự, ở huyện Long Thành cũng có nhiều dự án khu dân cư, khu đô thị ở các xã Tam An, Long An... kéo dài gần cả thập niên chưa hoàn thành hạ tầng.

* Đề xuất thu hồi một số dự án “treo”

Theo Sở Kế hoạch - đầu tư, qua rà soát, thời gian qua Sở đã đề xuất UBND tỉnh thu hồi nhiều dự án chậm triển khai trên một số lĩnh vực. Trong đó, dự án bị thu hồi chiếm đa số vẫn là các khu dân cư, nhà ở xã hội. Nguyên nhân chủ yếu là vì nhà đầu tư thấy chưa có hạ tầng kết nối nên chưa triển khai, vướng bồi thường giải phóng mặt bằng hoặc nguồn vốn không đảm bảo.

Giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư Hồ Văn Hà cho biết: “Vừa qua, Sở đã phối hợp với các địa phương rà soát lại tất cả các dự án trên địa bàn tỉnh và tổng hợp danh sách những dự án chậm triển khai và đề xuất UBND tỉnh thu hồi khoảng 35 dự án. Tới đây, Sở sẽ tiếp tục xem lại các dự án bất động sản, nếu nhà đầu tư không đủ năng lực sẽ thu hồi”.

Cũng theo ông Hà, sở dĩ thời gian qua trên địa bàn tỉnh vẫn còn những dự án bất động sản chậm triển khai chưa thu hồi được là do vướng ở khâu chưa có hạ tầng kết nối nên nhà đầu tư kéo dài để đợi hạ tầng. Bên cạnh đó, còn do thị trường bất động sản mất một thời gian dài “đóng băng” nên nhà đầu tư phải ngưng dự án. Đây cũng là một trong những lý do khiến nhiều dự án chậm triển khai mà UBND tỉnh chưa thu hồi được.

Gần trung tâm hành chính huyện Nhơn Trạch quy hoạch nhiều dự ánbất động sản hơn 100 năm chưa triển khai. Ảnh:H.Giang
Gần trung tâm hành chính huyện Nhơn Trạch quy hoạch nhiều dự án bất động sản hơn 100 năm chưa triển khai. Ảnh:H.Giang

Tại Kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh khóa IX vừa qua, Phó chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Ngọc Tuấn yêu cầu, các sở, ngành, địa phương phải tiến hành kiểm tra lại tiến độ triển khai các dự án trên địa bàn tỉnh. Sau đó, làm rõ nguyên nhân dự án kéo dài để có biện pháp xử lý phù hợp theo đúng quy định của pháp luật. Tránh để dự án “treo” gây ảnh hưởng đến các hộ dân có đất nằm trong dự án.

* Còn nhiều dự án khó thu hồi

Mặc dù đã đề xuất thu hồi một số dự án quá dây dưa, song thực tế cho thấy, cấp phép cho nhà đầu tư xong, qua nhiều năm không thực hiện nhưng việc thu hồi dự án lại không dễ dàng do vướng mắc một số quy định pháp luật.

Theo quy định của Luật Đất đai, dự án cấp phép 2 năm không triển khai sẽ gia hạn thêm 2 năm nữa và sau khoảng thời gian trên, nếu chưa thực hiện sẽ bị thu hồi dự án. Tuy nhiên, đây là những dự án đã có sẵn đất sạch cho nhà đầu tư thực hiện. Còn những dự án khác trên địa bàn Đồng Nai phần lớn đều phải thu hồi đất của người dân, quá trình bồi thường, giải phóng mặt bằng có khi kéo dài 5-8 năm chưa xong. Chủ đầu tư có thể “vin” vào lý do chưa có đất sạch để xây dựng dự án nên tỉnh khó thu hồi. Và cũng từ lý do này, nhiều doanh nghiệp “thủng thẳng” xin chủ trương đầu tư dự án để “chờ thời” thay vì quyết liệt thực hiện.

Đồ họa thể hiện số lượng, tổng diện tích các dự án nhà ở thương mại tại các địa phương trong tỉnh . (Thông tin: HƯƠNG GIANG - Đồ họa: HẢI QUÂN)
Đồ họa thể hiện số lượng, tổng diện tích các dự án nhà ở thương mại tại các địa phương trong tỉnh . (Thông tin: HƯƠNG GIANG - Đồ họa: HẢI QUÂN)

Bên cạnh đó, có những dự án mà trong quá trình triển khai nhà đầu tư xin điều chỉnh thiết kế cho phù hợp với điều kiện thực tế, hoặc giữa quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng còn “lệch pha” nhau, buộc phải điều chỉnh quy hoạch. Việc chờ đợi điều chỉnh quy hoạch trên cũng mất khá nhiều thời gian nếu các sở, ngành, doanh nghiệp không rốt ráo thực hiện.

Trước đây, cũng có những doanh nghiệp khi được cấp phép đầu tư tại Đồng Nai nhưng năng lực về tài chính không đủ nên đã tìm cách kéo dài dự án để kêu gọi những doanh nghiệp khác góp vốn cùng đầu tư. Ngoài ra, có doanh nghiệp sau khi được cấp phép đầu tư đã bán lại dự án cho những doanh nghiệp khác. Quá trình rà soát các thủ tục, quy trình chuyển nhượng dự án cũng mất nhiều thời gian, góp phần làm cho dự án kéo dài thêm.

Đơn cử khoảng 2,7 ngàn hộ dân ở KP.2 và KP.3 phường Long Bình Tân (TP.Biên Hòa) đã 15 năm vướng vào dự án “treo” dẫn đến nhà cửa xuống cấp không thể sửa sang, xây dựng mới khiến người dân rất bức xúc. Nhiều hộ dân có nhu cầu làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng không được. Đơn vị chủ đầu tư dự án là Công ty cổ phần Miền Đông (TP.Biên Hòa). Bên cạnh dự án này là dự án khu dân cư của Công ty cổ phần tập đoàn Anh Vinh cũng kéo dài hơn 10 năm và vẫn còn dở dang, vì người dân không đồng tình giao đất...

Các dự án chậm triển khai là một trong những nguyên nhân dẫn đến khiếu nại của nhiều người dân trên địa bàn tỉnh.

Hương Giang

Tin xem nhiều