Báo Đồng Nai điện tử
En

Điều chỉnh để đảm bảo quyền lợi cho người lao động

11:11, 03/11/2019

Thời gian qua, nhiều loại thuế đã được Chính phủ trình Quốc hội thông qua việc sửa đổi cho phù hợp với yêu cầu thực tế. Theo đó, một số loại thuế đã giảm dần, song thuế thu nhập cá nhân (TNCN) vẫn "án binh bất động".

Thời gian qua, nhiều loại thuế đã được Chính phủ trình Quốc hội thông qua việc sửa đổi cho phù hợp với yêu cầu thực tế. Theo đó, một số loại thuế đã giảm dần, song thuế thu nhập cá nhân (TNCN) vẫn “án binh bất động”.

Người dân đến nộp thuế tại Chi cục Thuế Biên Hòa
Người dân đến nộp thuế tại Chi cục Thuế Biên Hòa

[links()]Trong những năm qua, lạm phát gia tăng, đồng tiền mất giá, chi phí cho cuộc sống ngày càng đắt đỏ, khiến nhiều người rất mong điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh, giảm trừ cho người  phụ thuộc. 

* Thuế TNCN khá cao

Mức thuế TNCN người lao động phải đóng sau khi giảm trừ gia cảnh, người phụ thuộc gồm 7 bậc. Phần tính thuế đến 5 triệu đồng/tháng là 5%; trên 5-10 triệu đồng/tháng là 10%; trên 10-18 triệu đồng/tháng thuế phải nộp 15%; trên 18-32 triệu đồng/tháng thuế 20%; trên 32-52 triệu đồng/tháng thuế 25%; trên 52-80 triệu đồng/tháng là 30% và trên 80 triệu đồng/tháng là 35%.

Trong 10 năm qua, thuế thu nhập doanh nghiệp đã có nhiều lần điều chỉnh giảm dần để giảm gánh nặng, tạo điều kiện giúp doanh nghiệp lớn mạnh dần. Cụ thể, mức thuế doanh nghiệp từ 30% hạ xuống còn 20% và dự kiến trong năm tới sẽ còn 17% với doanh nghiệp nhỏ. Tuy nhiên, Luật Thuế TNCN ra đời từ năm 2007, điều chỉnh vào năm 2012 và có hiệu lực vào năm 2013 kéo dài đến nay không thay đổi. Đồng thời, thuế TNCN được tính theo 7 bậc khác nhau gồm: 5%, 10%, 15%, 20%, 25%, 30% và cao nhất là 35%. Với biến động tăng cao của giá cả, dịch vụ trong những năm qua, nhưng thuế TNCN vẫn “đứng nguyên” đã khiến thu nhập của người dân đang ngày càng bị thu hẹp.

Luật gia Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH thuế, kế toán Luật Việt Á (TP.Biên Hòa) cho biết: “Luật Thuế TNCN phải song hành với cuộc sống và nên dựa vào thực tiễn để sửa đổi cho kịp thời, phù hợp. Mức giảm trừ gia cảnh đã được tính toán từ năm 2012 đến nay không còn phù hợp, các nhà làm luật nên nghiên cứu đưa ra mức tăng, giảm thu nhập, chi phí được giảm trừ theo chỉ số giá tiêu dùng hoặc tỷ lệ lạm phát để tránh ảnh hưởng đến thu nhập của người đóng thuế”. Giảm thuế TNCN với tiền lương, tiền công sẽ giúp nhiều người dân tăng thêm thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần đảm bảo theo đúng định hướng phát triển của Đảng và Nhà nước là “dân giàu, nước mạnh”.

* Đồng Nai đề xuất tăng giảm trừ gia cảnh

Theo Giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội Huỳnh Văn Tịnh, qua tìm hiểu, ghi nhận phản ảnh từ người lao động trên địa bàn tỉnh, mức giảm trừ gia cảnh, giảm trừ cho người phụ thuộc so với 2 năm trở lại đây là khá thấp. Sở đã có văn bản kiến nghị với Bộ Lao động - thương binh và xã hội về vấn đề này. “Chỉ số giá tiêu dùng mỗi năm đều tăng, mức thuế TNCN đối với người lao động phải giảm tương ứng mới tạo ra sự công bằng trong xã hội. Đồng thời, tăng giảm trừ gia cảnh, người phụ thuộc giúp đảm bảo đời sống cho người lao động” - ông Tịnh đánh giá.

Tại Đồng Nai, riêng thuế TNCN từ tiền lương, tiền công năm 2017 là 3.381 tỷ đồng, năm 2018 là 3.486 tỷ đồng và 10 tháng của năm 2019 khoảng 3.330 tỷ đồng. Người đóng thuế TNCN từ tiền lương, tiền công phần lớn ở các thành phố, khu vực có công nghiệp phát triển. Trong đó, nhiều người lao động từ các tỉnh, thành khác về Đồng Nai sinh sống và làm việc, các chi phí cho cuộc sống của họ mỗi ngày đều tăng như: tiền thuê nhà, điện, nước, ăn uống, học hành... mỗi năm đều tăng nên việc giữ nguyên mức thuế giảm trừ gia cảnh, người phụ thuộc trong nhiều năm liền là điều bất hợp lý.

Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Tăng Quốc Lập cho biết, Liên đoàn luôn mong muốn nâng cao chất lượng cuộc sống của người lao động mà trong đó thu nhập là vấn đề cốt lõi. Chưa nói đến một số bất cập trong cách tính thì mức áp dụng giảm trừ gia cảnh hiện nay không còn phù hợp. Hiện nay, giá cả hàng hóa đều tăng đáng kể, chỉ số giá tiêu dùng cộng dồn thì từ năm 2013 đến nay đã tăng trên 20%, mà luật quy định chỉ số giá tăng hơn 20% phải nâng mức giảm trừ gia cảnh. “Tôi nghĩ đã đến lúc cần xem lại để điều chỉnh quy định về mức giảm trừ gia cảnh cho phù hợp với thực tế, đảm bảo quyền lợi người lao động và cũng thực hiện đúng theo tinh thần Nghị quyết 27 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách tiền lương, cùng với các yếu tố khác góp phần xây dựng xã hội văn minh, tiến bộ hơn” - ông Tăng Quốc Lập chia sẻ.

Khánh Minh

 

 

 

Tin xem nhiều