Báo Đồng Nai điện tử
En

Muốn đón sóng cả, cần vững tay chèo

09:10, 07/10/2019

Khi thị trường trong nước sẽ ngày càng mở cửa cho hàng hóa, dịch vụ đến từ các nước đối tác trong các hiệp định thương mại tự do (FTA), các doanh nghiệp trong nước gặp thêm nhiều áp lực cạnh tranh với hàng hóa giá rẻ, dịch vụ chất lượng tốt từ các nước đối tác ngay trên "sân nhà".

Khi thị trường trong nước sẽ ngày càng mở cửa cho hàng hóa, dịch vụ đến từ các nước đối tác trong các hiệp định thương mại tự do (FTA), các doanh nghiệp trong nước gặp thêm nhiều áp lực cạnh tranh với hàng hóa giá rẻ, dịch vụ chất lượng tốt từ các nước đối tác ngay trên “sân nhà”.

Trên thực tế, những thương hiệu lớn của các công ty, tập đoàn đa quốc gia hoặc của các “ông lớn” trong nước vốn đã xây dựng được thương hiệu từ lâu vẫn đang chiếm ưu thế trong “sân chơi” nội địa.

Nhiều doanh nghiệp Việt, đa phần là các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn gặp khó khăn trong việc xác định, xây dựng giá trị thương hiệu, loay hoay tìm cách phát triển thị trường. Cũng phải nhìn nhận rằng, điều kiện về nguồn vốn, kinh nghiệm trên thương trường; chiến lược, chi phí quảng bá thương hiệu, phát triển hệ thống phân phối sản phẩm… vẫn đang là bài toán nan giải của nhiều doanh nghiệp trong nước.

Hơn thế nữa, trước làn sóng đầu tư vào Việt Nam gia tăng mạnh, cộng hưởng thêm với việc chúng ta tham gia nhiều FTA và tình hình thương mại thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, thì câu chuyện núp bóng hàng Việt để hưởng ưu đãi thuế khi nhập vào các nước có FTA với Việt Nam cũng đang là chủ đề nóng trên nhiều diễn đàn về thương mại trong thời gian gần đây.

Việc hội nhập quốc tế, tham gia các FTA là cơ hội tốt để các doanh nghiệp trong nước có điều kiện vươn ra biển lớn, có nhiều điều kiện phát triển, mở rộng thị phần. Tuy nhiên, muốn đón sóng cả, doanh nghiệp Việt cần chủ động hơn trong cách tiếp cận thị trường, không để bị động trước hàng loạt làn sóng lớn đầu tư vào thị trường nội địa.

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần tự thay đổi, làm mới mình để hội nhập và phát triển. Trong đó, việc đáp ứng, minh bạch các tiêu chuẩn, quy định về chất lượng, nguồn gốc sản phẩm, quy trình sản xuất… là ưu tiên hàng đầu, bên cạnh việc không ngừng đổi mới, cải tiến mẫu mã, cách tiếp cận người tiêu dùng một cách sáng tạo, phù hợp với thị hiếu thị trường trong nước.

Có như vậy, doanh nghiệp Việt mới có thể xây dựng vững chắc lòng tin đối với người tiêu dùng, cũng như bảo vệ được chính mình trước nạn hàng giả, hàng núp bóng “made in Vietnam”...              

            Hải Quân

Tin xem nhiều