Báo Đồng Nai điện tử
En

Chắt lọc dòng vốn FDI

09:09, 05/09/2019

Một trong những vấn đề được công luận quan tâm nhiều nhất trong những ngày cuối tháng 8 vừa qua là sự ra đời Nghị quyết số 50/NQ-TW của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 (gọi tắt là Nghị quyết 50) do Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ký ban hành.

Một trong những vấn đề được công luận quan tâm nhiều nhất trong những ngày cuối tháng 8 vừa qua là sự ra đời Nghị quyết số 50/NQ-TW của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 (gọi tắt là Nghị quyết 50) do Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ký ban hành.

Nghị quyết 50 được cho là sẽ mở ra một kỷ nguyên mới trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam. Nghị quyết này làm cho giới kinh doanh có sự quan tâm lớn là bởi với những yêu cầu mà thực tiễn đặt ra, đòi hỏi các định hướng và khung chính sách quy định về thu hút FDI phải thay đổi cho phù hợp. Nó còn chứng tỏ Việt Nam đã có góc nhìn hoàn toàn mới trong lĩnh vực này và rất có thể, thu hút FDI thời gian tới sẽ tạo nên những đột phá từ cốt lõi.

Nghị quyết 50 nêu rõ mục tiêu tổng quát trong thu hút FDI giai đoạn tới phải là khắc phục căn bản những hạn chế, bất cập đang tồn tại trong xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện thể chế, chính sách về hợp tác đầu tư nước ngoài. Tạo lập môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh thuộc nhóm ASEAN 4 (nhóm 4 quốc gia phát triển nhất trong khối ASEAN) trước năm 2021, thuộc nhóm ASEAN 3 (nhóm 3 quốc gia phát triển nhất trong khối ASEAN) trước năm 2030.

Trong đó, nội dung đáng chú ý khác là Nghị quyết 50 yêu cầu phải nghiên cứu, xây dựng các quy định khắc phục tình trạng "vốn mỏng", chuyển giá, đầu tư "chui", đầu tư "núp bóng". Sau 30 năm đổi mới và thu hút FDI, không thể phủ nhận dòng vốn này đã góp phần rất lớn trong phát triển kinh tế đất nước, tạo dựng những nền tảng đầu tiên về sản xuất công nghiệp, dịch vụ, hàng hóa… và đưa Việt Nam đến vị thế ngày nay. Song quá trình đó cũng nảy sinh nhiều bất cập như: chính sách quá “ưu tiên” dòng vốn ngoại và tạo nên sự thiếu công bằng đối với các nhà đầu tư trong nước; ưu đãi quá nhiều về đất đai, môi trường, thuế… dẫn đến lãng phí nguồn lực quốc gia; một số dự án FDI liên tục báo lỗ, chuyển giá hoặc gây ô nhiễm môi trường… Những bất cập này về khách quan mà nói, hầu hết quốc gia nào mới phát triển kinh tế cũng phải chấp nhận, song đã đến lúc Việt Nam cần nhìn nhận lại và chắt lọc kỹ càng hơn dòng vốn FDI trong giai đoạn tới.

Ngoài việc vẫn định hướng xây dựng Việt Nam thành một môi trường thu hút đầu tư hấp dẫn, chuyên nghiệp, có tính cạnh tranh cao với các nước trong khu vực, Nghị quyết 50 nhấn mạnh thực sự vào chất lượng của các dự án FDI, trong đó cân bằng các yếu tố: phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, hàm lượng chất xám cao, sử dụng công nghệ tiên tiến và lao động có tay nghề, phù hợp thông lệ quốc tế, góp phần tạo môi trường đầu tư công bằng, lành mạnh.

Dự kiến giai đoạn tới, nhiều chính sách cụ thể hơn về thu hút FDI sẽ được nghiên cứu và áp dụng để tiến tới một môi trường kinh doanh hiệu quả, lành mạnh hơn.          

Kim Ngân

Tin xem nhiều