Dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, doanh nghiệp hai nước Việt Nam và Nhật Bản đã trao đổi các văn kiện hợp tác-đầu tư có tổng giá trị hơn 8 tỷ USD
Dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, doanh nghiệp hai nước Việt Nam và Nhật Bản đã trao đổi các văn kiện hợp tác-đầu tư có tổng giá trị hơn 8 tỷ USD
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chứng kiến Lễ ký kết một số văn kiện hợp tác và trao chứng nhận đầu tư giữa các công ty Việt Nam và Nhật Bản. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN) |
Theo đặc phái viên TTXVN, một trong những sự kiện xúc tiến thương mại đầu tư quan trọng trong khuôn khổ chuyến thăm Nhật Bản lần này của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc là Hội nghị Xúc tiến đầu tư Việt Nam-Nhật Bản, được tổ chức tại thủ đô Tokyo sáng 1/7.
Hội nghị có sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc với sự tham dự của đại diện khoảng 1.200 doanh nghiệp, nhà đầu tư hai nước.
Cùng dự có bà Katayama Satsuki, Bộ trưởng phụ trách chấn hưng địa phương của Nhật Bản, và một số quan chức chính phủ, lãnh đạo các tổ chức kinh tế uy tín của Nhật Bản.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao các doanh nghiệp, nhà đầu tư hai nước Nhật Bản và Việt Nam đến tham dự đông đảo tại hội nghị quy mô lớn này.
Thủ tướng nhấn mạnh, tại hội nghị này, không chỉ xúc tiến đầu tư, đoàn cấp cao Chính phủ Việt Nam thăm Nhật Bản còn trực tiếp giải đáp các vướng mắc của nhà đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư Nhật Bản trong tiến trình hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam.
Thủ tướng bày tỏ tin tưởng, Việt Nam sẽ là “miền đất hứa” đối với các tập đoàn, nhà đầu tư Nhật Bản vì Việt Nam luôn duy trì môi trường chính trị xã hội ổn định và là quốc gia có lợi thế về thương mại toàn cầu, có vị trí địa chính trị, kinh tế quan trọng trong khu vực và cả trên thế giới.
Thông tin đến các doanh nghiệp, nhà đầu tư Nhật Bản về tình hình phát triển kinh tế xã hội cũng như những tiềm năng lớn là lợi thế so sánh riêng có của Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2018 đạt 7,08%, là một trong những quốc gia tăng trưởng hàng đầu thế giới.
[Thủ tướng tọa đàm với lãnh đạo nhiều tập đoàn hàng đầu của Nhật Bản]
Quy mô nền kinh tế đạt trên 245 tỷ USD và đang đặt mục tiêu đến 2045, quy mô nền kinh tế tăng 10 lần; đạt tối thiểu 2.500 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người đạt xấp xỉ 20.000USD. Hiện tại, Việt Nam là nền kinh tế có độ mở thương mại hàng đầu thế giới, đạt trên 200% GDP; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt gần 500 tỷ USD, thuộc tốp 25 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất thế giới.
Năm 2018, Việt Nam đã thu hút trên 35 tỷ USD đầu tư nước ngoài. Hiện có nhiều tập đoàn lớn của thế giới và Nhật Bản đã xuất hiện tại Việt Nam và ngược lại, Việt Nam cũng đã hiện diện một số tập đoàn lớn tại nước ngoài, trong đó có Nhật Bản. Thị trường chứng khoán của Việt Nam luôn nằm trong nhóm tăng trưởng cao ở khu vực. Việt Nam đang tích cực sửa đổi luật chứng khoán cho phù hợp hơn với xu thế quốc tế và kêu gọi mạnh mẽ hơn nguồn vốn đầu tư gián tiếp vào khu vực này.
Đánh giá cao các tập đoàn Nhật Bản đầu tư quy mô lớn tại Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đến sự kiện Việt Nam vừa ký kết Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ đầu tư với Liên minh châu Âu (EVFTA và EVIPA) chiều 30/6 vừa qua.
Thủ tướng cũng thông tin thêm, môi trường kinh doanh của Việt Nam đang tiệm cận tiêu chuẩn ASEAN 4 và đang nỗ lực phấn đấu đạt tiêu chuẩn của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) trong thời gian tới…Việt Nam đã trở thành “tâm điểm của các dòng chảy thương mại toàn cầu,” nhất là khi Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được ký kết vào cuối năm nay mà Nhật Bản cũng là thành viên.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chụp ảnh chung với các đại biểu dự hội nghị. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN) |
Cùng với đó, Việt Nam cũng đang nỗ lực bứt phá trong cải cách thể chế, nâng cao năng lực quản trị nhà nước, cải cách thủ tục hành chính, nâng cấp các chuẩn mực môi trường, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển cơ sở hạ tầng, logistic, để giảm chi phí giao dịch, nâng cao năng lực cạnh tranh…và tạo môi trường tốt nhất cho các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, xếp hạng hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam hiện đứng thứ 60/155 quốc gia, vùng lãnh thổ. Việt Nam đã có trên 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Hiện Việt Nam đang thúc đẩy thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia, là nơi hội tụ chất xám của người Việt Nam và doanh nhân nước ngoài.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gợi ý một số lĩnh vực tiềm năng của Việt Nam mà nhà đầu tư Nhật Bản nên quan tâm, đầu tư như chế biến, chế tạo; nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao - một “mỏ vàng xuất khẩu của Việt Nam;” năng lượng, nhất là năng lượng xanh, năng lượng tái tạo, hiện đang là nhu cầu lớn của Việt Nam…
Một lĩnh vực giàu tiềm năng khác của Việt Nam được Thủ tướng nhấn mạnh là du lịch. Thủ tướng cho biết Việt Nam là điểm đến thứ 6/10 điểm đến du lịch tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Tăng trưởng du lịch quốc tế đạt trung bình 30%/năm. Hiện, đã có hàng chục tỷ USD đầu tư vào Việt Nam nhằm phát triển ngành kinh tế không khói này. Việt Nam được dự báo là có khả năng trở thành "cường quốc du lịch" của thế giới. Tuy nhiên, du lịch cũng là lĩnh vực mà các nhà đầu tư Nhật Bản có phần “chậm chân” trong phát triển các khu nghỉ dưỡng, khu du lịch tại Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng gợi ý các doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm đến lĩnh vực bất động sản, nhất là bất động sản nghỉ dưỡng tại Việt Nam - một thị trường hấp dẫn của các nhà đầu tư quốc tế. Đặc biệt, Thủ tướng đề nghị các nhà đầu tư Nhật Bản tăng cường đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là những công trình trọng điểm của Việt Nam.
Ngoài ra, các doanh nghiệp Nhật Bản cũng cần quan tâm đến lĩnh vực bán lẻ khi thị trường Việt Nam có quy mô hơn 150 tỷ USD, dân số gần 100 triệu người, tầng lớp trung lưu đang tăng nhanh, là một trong những thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất Đông Nam Á.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đề cập đến lĩnh vực thương mại số - một tiềm năng lớn của Việt Nam với quy mô nền kinh tế Internet lên đến 9 tỷ USD, đạt mức tăng trưởng 35%/năm, giai đoạn 2015-2018, chiếm 4% GDP, cao nhất trong số các nền kinh tế ASEAN và là một lĩnh vực kinh tế đang bùng nổ ở Việt Nam. Dự báo đến 2025, giá trị thương mại của kinh tế Internet tại Việt Nam sẽ chạm ngưỡng 33 tỷ USD.
Nhấn mạnh chính phủ và chính quyền các cấp của Việt Nam sẽ “thường xuyên lắng nghe, tháo gỡ,” Thủ tướng khẳng định, Việt Nam sẽ cố gắng khắc phục sớm những tồn tại mà các doanh nghiệp, nhà đầu tư Nhật Bản nêu ra, qua đó, không ngừng đổi mới môi trường đầu tư theo hướng hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư toàn cầu, trong đó có Nhật Bản.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Chính phủ Việt Nam coi cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Nhật Bản là đối tác quan trọng hàng đầu trong tiến trình phát triển của quốc gia. Thủ tướng bày tỏ tin tưởng hội nghị xúc tiến đầu tư lần này hứa hẹn sẽ mở ra một chương mới với nhiều điều may mắn, tốt đẹp cho hợp tác song phương Việt Nam-Nhật Bản.
Tại hội nghị xúc tiến đầu tư lần này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các quan chức hai nước đã cùng chứng kiến lễ trao 32 giấy chứng nhận đầu tư và Biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) giữa các địa phương, doanh nghiệp Việt Nam với các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản trong nhiều lĩnh vực như bất động sản, cơ sở hạ tầng, dịch vụ bán lẻ, may mặc, công nghệ cao, năng lượng, hàng không, vận tải, logistics, xuất khẩu lao động, giáo dục, chăm sóc sức khỏe với tổng giá trị lên đến hơn 8 tỷ USD.
Đáng chú ý, trong số các văn kiện ký kết được trao đợt này có MOU giữa Tổng Công ty cổ phần xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex) - đơn vị có truyền thống trên 30 năm hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu và cung ứng lao động ra quốc tế - và UT Group - công ty hàng đầu của Nhật Bản hoạt động chính trong lĩnh vực cung ứng nhân công.
Theo văn kiện hợp tác được ký kết, Vinaconex sẽ cùng UT Group đào tạo lao động theo tiêu chuẩn Nhật Bản để cung cấp cho thị trường Nhật Bản; đồng thời phối hợp với UT Group xây dựng hệ thống cung cấp lao động được đào tạo tại Nhật Bản cho các nhà máy, doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam.
Khi người lao động hoàn thành chương trình làm việc thực tập trở về nước, Vinaconex sẽ ưu tiên tiếp nhận, bố trí công việc mới cho các lao động chất lượng cao này. Trong giai đoạn 2019-2025, hai bên phấn đấu hợp tác để đào tạo, đưa nhân công đi xuất khẩu lao động thực tập tại nước ngoài hoặc tiếp nhận và hỗ trợ việc làm cho khoảng 20.000 lao động Việt Nam.
Cũng trong số các văn kiện được ký kết lần này có MOU giữa Tổng Công ty xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) với hai đối tác là JXTG và Tổ chức Hợp tác phát triển dầu khí Nhật Bản (JCCP). Theo đó, Petrolimex và JXTG cùng ký kết và trao MOU về việc nghiên cứu phát triển trong lĩnh vực khí hoá lỏng tự nhiên (LNG) và khí đốt tại Việt Nam. Dự kiến Petrolimex sẽ triển khai dự án LNG với quy mô dự án giai đoạn 1 khoảng 700 triệu USD, cung cấp năng lượng cho các nhà máy điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam tại Khánh Hòa. Trong hợp tác còn lại, Petrolimex và JCCP sẽ cùng hợp tác đào tạo và kỹ thuật trong lĩnh vực xăng dầu.
Cũng nhân dịp thăm Nhật Bản, sáng 1/7, tại thủ đô Tokyo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự Lễ kỷ niệm 25 năm mở đường bay Việt Nam-Nhật Bản của Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines)./.
Quang Vũ (TTXVN/Vietnam+)