Đại diện một số doanh nghiệp (DN) cho biết, nếu hồ sơ xét nhận DN ứng dụng công nghệ cao đơn giản họ sẽ tham gia, vì ngoài được hưởng các ưu đãi, thương hiệu cũng được xây dựng tốt hơn.
Đại diện một số doanh nghiệp (DN) cho biết, nếu hồ sơ xét nhận DN ứng dụng công nghệ cao đơn giản họ sẽ tham gia, vì ngoài được hưởng các ưu đãi, thương hiệu cũng được xây dựng tốt hơn.
Công ty TNHH máy tính Fujitsu Việt Nam (Khu công nghiệp Biên Hòa 2) có ứng dụng công nghệ cao sản xuất linh kiện điện tử. Ảnh: K.Minh |
[links()]Không chỉ trên lĩnh vực công nghiệp, mà lĩnh vực nông nghiệp DN muốn được công nhận ứng dụng công nghệ cao cũng rất khó khăn. Đây chính là rào cản lớn trong thu hút đầu tư công nghệ cao vào lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp.
* Cần đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục
Theo xu hướng phát triển của ngành công nghiệp thế giới, các DN muốn đáp ứng được các đơn hàng khó với số lượng lớn buộc phải đầu tư các máy móc công nghệ mới, đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao để có thể làm chủ công nghệ.
Tại Đồng Nai, xuất khẩu xếp thứ 5 cả nước và hàng hóa đã vào khoảng 170 quốc gia, vùng lãnh thổ nên các DN không tiếc tiền trong đầu tư công nghệ cao vào trong sản xuất để đáp ứng nhu cầu của đối tác. Những DN thu hút sau này phần lớn có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường.
TS.Lê Văn Bảy, chuyên ngành Kinh doanh quốc tế Trường đại học kinh tế Berlin (Đức) cho hay: “Muốn các công ty đăng ký để được cấp giấy chứng nhận DN ứng dụng công nghệ cao thì thủ tục xét duyệt phải đơn giản, nhanh gọn. Như vậy, DN biết rõ khả năng của mình có thể đạt các tiêu chí sẽ đăng ký làm. Vì khi được công nhận họ sẽ có thêm một số quyền lợi”.
Cũng theo TS.Bảy, DN tính toán rất kỹ, nếu các chi phí, công sức bỏ ra làm hồ sơ để được công nhận tốn kém hơn những ưu đãi họ nhận được sau khi trở thành DN ứng dụng công nghệ cao thì họ sẽ không làm.
Đây là lý do không chỉ riêng Đồng Nai mà trên cả nước rất ít DN làm hồ sơ đăng ký.
Theo ông Cao Tiến Sỹ, Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai, những DN có ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất đơn vị đều vận động làm thủ tục để khi được công nhận sẽ được hưởng các ưu đãi về thuế, vốn... Những vướng mắc sẽ được ban hỗ trợ giải quyết, nhưng DN vẫn còn ngại ngần chưa thực hiện. Trong thời gian tới, ban sẽ tăng cường công tác tuyên truyền để DN biết rõ những ưu thế khi được công nhận ứng dụng công nghệ cao để họ còn một vài điểm chưa đạt sẽ cố gắng hoàn thiện để được chứng nhận.
* Nên ưu đãi hơn cho nông nghiệp
Từ năm 2010, Chính phủ đã có những chính sách ưu đãi mời gọi DN đầu tư ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao và đưa ra nhiều ưu đãi. Tuy nhiên cũng như công nghiệp, lĩnh vực nông nghiệp DN đăng ký xét công nhận DN ứng dụng công nghệ cao tính trên đầu ngón tay.
Theo Quyết định 19/2018 của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chí, thẩm quyền, trình tự, thủ tục công nhận DN nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có hiệu lực từ đầu tháng 6-2018, UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ thực hiện thủ tục hành chính này thay cho Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn.
Giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn Huỳnh Thành Vinh cho biết: “Các công ty đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, đang vướng mắc trong tích tụ đất đai, vốn vay. Tỉnh kiến nghị Trung ương tiếp tục đơn giản các thủ tục, tháo gỡ những vướng mắc để hỗ trợ DN được công nhận ứng dụng công nghệ cao, như vậy việc tiếp cận nguồn vốn ưu đãi và các chính sách ưu tiên khác thuận lợi hơn”. Nếu những khó khăn được tháo gỡ, thu hút đầu tư vào lĩnh vực này sẽ nhiều hơn. Như vậy sẽ giúp cho nông nghiệp có những bước phát triển đột phá.
Đến nay, cả nước mới có hơn 30 công ty được cấp chứng nhận DN ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao. Thời gian qua, có nhiều chính sách ưu đãi dành cho nông nghiệp công nghệ cao nhưng DN khó tiếp cận vì không có giấy chứng nhận trên nên giao cho các địa phương cấp giấy, tạo thuận lợi hơn cho DN.
Khánh Minh