Báo Đồng Nai điện tử
En

Giá USD tăng: Kẻ mừng, người lo

09:06, 03/06/2019

Giá USD trên thị trường những ngày qua liên tục leo thang. Trong hơn 1 tháng, đồng USD đã tăng hơn 370 đồng/USD khiến những doanh nghiệp (DN) nhập khẩu hàng hóa gặp khó khăn. Trong khi đó, nhiều DN xuất khẩu có sẵn nguyên liệu trong nước lại thuận lợi hơn vì được hưởng lợi từ chênh lệch tỷ giá.

Giá USD trên thị trường những ngày qua liên tục leo thang. Trong hơn 1 tháng, đồng USD đã tăng hơn 370 đồng/USD khiến những doanh nghiệp (DN) nhập khẩu hàng hóa gặp khó khăn. Trong khi đó, nhiều DN xuất khẩu có sẵn nguyên liệu trong nước lại thuận lợi hơn vì được hưởng lợi từ chênh lệch tỷ giá.

Vietcombank chi nhánh Đồng Nai cho biết nguồn cung USD tại ngân hàng này hiện đang rất dồi dào
Vietcombank chi nhánh Đồng Nai cho biết nguồn cung USD tại ngân hàng này hiện đang rất dồi dào

Ngày 1-6-2019, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD ở mức 23.065 đồng. Tuy nhiên, giá USD các doanh nghiệp mua vào đã vượt ngưỡng 23.700 đồng/USD.

* Nhập khẩu: nhiều lo lắng

Hơn 1 tháng qua, giá USD tại Việt Nam tăng khá nhanh khiến những DN nhập khẩu nhiều hàng hóa như “ngồi trên lửa”. Nguyên nhân là do có những DN đã ký hợp đồng và chốt giá bán với khách hàng đến cuối năm và không dự tính được tỷ giá sẽ có biến động lớn như vậy. Đồng USD tăng cao kéo theo nguyên liệu nhập khẩu bị đẩy giá lên, lợi nhuận của DN giảm, dẫn đến khả năng có thể bị thua lỗ.

Ông Phạm Công Tâm, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty TNHH Thanh Bình (TP.Biên Hòa) cho hay: “Mỗi tháng công ty chi hơn 2 triệu USD để nhập bắp, khô đậu nành về sản xuất thức ăn chăn nuôi. USD biến động như hiện nay, công ty mất thêm hơn 700 triệu đồng/tháng. Dù giá nguyên liệu nhập về tăng cao nhưng giá bán không thể tăng vì có những đơn hàng đã ký kết từ trước”.

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện ở mức trên 60 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Dự trữ ngoại hối nhiều sẽ giúp cho ngân hàng có giải pháp phù hợp trong việc điều hành chính sách tiền tệ, đặc biệt là việc điều hành linh hoạt và ổn định tỷ giá, nâng cao giá trị tiền đồng, giúp nhà đầu tư và người dân gia tăng niềm tin.

Khảo sát cho thấy, nhóm DN phải nhập khẩu nhiều nguyên liệu để sản xuất đều gặp chung hoàn cảnh khó khăn vì tỷ giá biến động theo chiều hướng tăng nhanh. Đặc biệt những DN nhập khẩu nhiều nhưng xuất khẩu ít càng khó hơn.

Ông Phan Văn Bình, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai đánh giá: “Những công ty nhập khẩu gỗ nhiều để sản xuất đều gặp khó khăn khi tỷ giá tăng cao. Tuy sản phẩm xuất khẩu cũng đưa về nguồn ngoại tệ lớn nhưng không bù lại được. Do đó, nhiều DN buộc phải tìm nguồn nguyên liệu trong nước để giảm nhập khẩu, khống chế được giá thành sản xuất”. Cũng theo ông Bình, một số DN lớn có nguồn vốn dồi dào đã nhập nguyên liệu về từ trước thời điểm USD leo thang nên ít chịu tác động. Bên cạnh đó, nhiều DN chọn nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc do đồng nhân dân tệ mất giá, giá nguyên liệu rẻ hơn. Nhiều DN ngành dệt may, giày dép cho biết đang tăng nhập khẩu nguyên phụ liệu từ Trung Quốc.

Tuy nhiên, một số chuyên gia kinh tế cảnh báo, nếu USD tiếp tục tăng, nhân dân tệ giảm giá quá mạnh, các DN Việt nhìn thấy lợi nhuận cao sẽ chuyển qua mua hàng hóa từ Trung Quốc bán vào nội địa thay vì tập trung đầu tư máy móc, công nghệ để tạo ra tỷ lệ nội địa hóa tăng cao, từ đó sẽ ảnh hưởng lớn đến kinh tế Việt Nam về lâu dài.

* Không thiếu ngoại tệ

Một trong những nguyên nhân lớn khiến tỷ giá biến động mạnh trong thời gian gần đây là do cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung tiếp tục có dấu hiệu căng thẳng hơn.

Cụ thể ngày 10-5, Mỹ tăng thuế từ 10-25% với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc và dự kiến sẽ sớm áp thuế 25% lên 325 tỷ USD hàng hóa khác. Nhiều nhà đầu tư kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng tỷ giá nên mua vào và găm giữ USD để đầu cơ. Hiện đang vào mùa sản xuất, DN mua USD để thanh toán hàng nhập khẩu cũng gây áp lực lên thị trường ngoại hối. Gần đây, những nền kinh tế lớn như: Nhật Bản, Anh, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Australia, Canada, Thái Lan... đã điều chỉnh tăng tỷ giá. Việc điều chỉnh này đã hỗ trợ rất lớn cho xuất khẩu, khiến hàng hóa của các nước này bán ra ngoài rẻ hơn, hỗ trợ kinh tế phát triển.

Ông Phạm Thành Vinh, Giám đốc Vietcombank chi nhánh Đồng Nai cho biết: “Tỷ giá biến động lớn nhưng nguồn USD tại ngân hàng vẫn rất dồi dào. Do đó, các DN có nhu cầu mua ngoại tệ phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa không lo thiếu”.

Theo ông Phạm Quốc Bảo, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai, tình hình mua vào bán ra USD tại các ngân hàng vẫn ổn định. Các ngân hàng đều có sẵn nguồn USD lớn để phục vụ DN khi có nhu cầu. Với những DN cân đối tốt việc nhập khẩu, xuất khẩu thì sẽ giảm ảnh hưởng. Đây là dịp để DN chú ý tìm nguồn nguyên liệu có sẵn trong nước.

Bà Trịnh Thị Phương Thùy, Quản lý sản xuất kinh doanh Công ty TNHH gốm sứ Thái Vinh ở Cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh (TP.Biên Hòa) nói: “Nguồn nguyên liệu chính của công ty là ở trong nước nên giá USD tăng sẽ có lợi thế hơn. Song để tăng lợi nhuận hơn nữa, công ty tìm mua các loại men, phụ liệu khác trong nước thay vì nhập khẩu”. Thế nhưng, từ DN có lợi hoặc đang thiệt hại do tỷ giá thay đổi đều có mong muốn Ngân hàng Nhà nước tiếp tục có những giải pháp để giữ giá đồng USD ổn định hơn.

Hương Giang

Tin xem nhiều