Báo Đồng Nai điện tử
En

Dự án giao thông quốc gia "nở rộ"

09:05, 01/05/2019

Chưa khi nào hệ thống giao thông quốc gia được tập trung đầu tư mạnh mẽ như hiện nay. Đồng Nai hiện được xem là "nút giao" của mạng lưới giao thông vùng Đông Nam bộ và là cửa ngõ của TP.Hồ Chí Minh....

Chưa khi nào hệ thống giao thông quốc gia được tập trung đầu tư mạnh mẽ như hiện nay. Đồng Nai được xem là “nút giao” của mạng lưới giao thông vùng Đông Nam bộ và là cửa ngõ của TP.Hồ Chí Minh nên hầu hết các trục đường chính đều đi qua địa bàn tỉnh.

Cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây. Ảnh: VEC
Cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây. Ảnh: VEC

Tập trung đầu tư hạ tầng giao thông đang là nhu cầu bức thiết để đáp ứng cho phát triển kinh tế - xã hội. Hàng loạt các dự án đường cao tốc quy mô quốc gia đã và đang chọn Đồng Nai để kết nối.

* Phá vỡ thế “độc đạo”

Ngoài ra, các tuyến quốc lộ 1, quốc lộ 20, quốc lộ 51, quốc lộ 56 trong những năm qua cũng được đầu tư nâng cấp. Theo đánh giá của ngành Giao thông - vận tải, 3 tuyến cao tốc đã xây dựng, đang xây dựng và sẽ xây dựng trên địa bàn Đồng Nai được xem là những tuyến huyết mạch hết sức quan trọng.

Năm 2015, tuyến cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây chính thức được thông xe toàn tuyến, đánh dấu một bước chuyển mình lớn cho hệ thống giao thông quốc gia cửa ngõ phía Đông của TP.Hồ Chí Minh. Tuyến cao tốc này đã phá vỡ thế “độc đạo” của quốc lộ 1 đi TP.Hồ Chí Minh hiện đang “gồng mình” trong tình trạng quá tải.

Ông Trịnh Tuấn Liêm, Giám đốc Sở Giao thông - vận tải chia sẻ: “Tuyến cao tốc TP.Hồ chí Minh - Long Thành - Dầu Giây “gánh” một lượng xe lớn cho quốc lộ 1. Với tốc độ xe tăng nhanh như hiện nay tuyến cao tốc này cũng đã quá tải vào các dịp lễ, tết và đến lúc cần đầu tư mở rộng”.

Điều ông Liêm chia sẻ cũng đang là vấn đề “nóng” về tuyến giao thông này. Theo thống kê của Tổng công ty phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), lượng xe qua tuyến cao tốc này trung bình vào khoảng 39 ngàn lượt phương tiện lưu thông. Vào những dịp cao điểm, lượng xe lên đến trên 55 ngàn lượt.

Trong khi đó, tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành dài gần 60km nối giữa miền Đồng và miền Tây theo kế hoạch cuối năm 2020 sẽ đi vào sử dụng. Cao tốc này cũng giúp “chia tải” cho quốc lộ 1 đi từ các tỉnh miền Bắc, miền Trung về các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Ông Lê Mạnh Hùng, Trưởng ban Quản lý dự án các đường cao tốc phía Nam cho biết đến nay dự án đang tập trung thi công các gói thầu phía Đông nằm trên đất Đồng Nai. “Hợp đồng vay vốn với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho các gói thầu phía Đông dự án sẽ đóng vào cuối năm 2020 nên chúng tôi đang phải gấp rút để kịp tiến độ” - ông Hùng nói.

Ở phía Đông của tỉnh, dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây một công trình trọng điểm quốc gia cũng đang “nóng” về tiến độ đầu tư. Tuyến đường có chiều dài gần 99km, nằm trong dự án xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã được Quốc hội duyệt vốn.

Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông - vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể, đây là dự án không được phép lùi tiến độ, bởi dự án đang được Quốc hội rất quan tâm. Theo kế hoạch, dự án dự kiến sẽ khởi công vào năm 2020 và hoàn thành vào năm 2025. Đây cũng là tuyến cao tốc quan trọng nhằm chia sẻ lượng xe cho quốc lộ 1 đoạn các tỉnh miền Trung vào các tỉnh, thành phía Nam.

* Mở rộng mạng lưới giao thông

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, trên địa bàn Đồng Nai, sẽ được tập trung đầu tư hạ tầng giao thông khá nhiều để đồng bộ với Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Ngoài những tuyến đường đã được quy hoạch như: cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường vành đai 3, đường vành đai 4, đường sắt và đường sắt nhẹ nối Cảng hàng không quốc tế Long Thành với TP.Hồ Chí Minh, Bộ GTVT đang tiếp tục nghiên cứu để bổ sung thêm quy hoạch giao thông nhằm phục vụ kết nối với Cảng hàng không quốc tế Long Thành. “Hiện nay Bộ GTVT đang chỉ đạo các cơ quan chuyên môn rà soát quy hoạch để bổ sung vào mạng lưới giao thông kết nối giữa Cảng hàng không quốc tế Long Thành và các tỉnh, thành lân cận, đặc biệt là với TP.Hồ Chí Minh” - ông Thọ nói.

Chia sẻ về vấn đề này, PGS-TS.Trần Hoàng Ngân, đại biểu Quốc hội TP.Hồ Chí Minh cho rằng, để Cảng hàng không quốc tế Long Thành phát huy được hiệu quả thì mạng lưới giao thông kết nối phải được đồng bộ và cần tính toán bài bản. Ông Ngân nói: “Một sân bay lớn như Cảng hàng không quốc tế Long Thành thì hệ thống giao kết nối phải thuận tiện. Ở đây không chỉ kết nối giao thông thuận tiện với TP.Hồ Chí Minh mà còn cho cả vùng”.

Theo lãnh đạo Bộ GTVT, tâm điểm của hệ thống giao thông sắp tới sẽ là Cảng hàng không quốc tế Long Thành, từ đó Bộ sẽ tính toán xây dựng các loại hình giao thông khác cho phù hợp. Có thể là những tuyến cao tốc chuyên biệt cho sân bay hay hệ thống đường sắt đô thị, giao thông đường thủy...

Khắc Giới

Tin xem nhiều