Báo Đồng Nai điện tử
En

Cần sự đồng bộ

10:04, 01/04/2019

Trên nền tảng hạ tầng hiện có, Đồng Nai sẽ bắt đầu bằng tích hợp dữ liệu để xây dựng hệ thống, làm nền tảng cho một quá trình quy hoạch phát triển đô thị thông minh.

Trên nền tảng hạ tầng hiện có, Đồng Nai sẽ bắt đầu bằng tích hợp dữ liệu để xây dựng hệ thống, làm nền tảng cho một quá trình quy hoạch phát triển đô thị thông minh. Khoảng 3-4 năm trở lại đây, các công trình xây dựng mới đều ứng dụng các công nghệ thông tin để quản lý, gắn kết tạo nên thành phố thông minh.

Giáo viên Trường tiểu học Nguyễn An Ninh (TP.Biên Hòa) giảng dạy theo giáo án điện tử. Ảnh: K.Minh
Giáo viên Trường tiểu học Nguyễn An Ninh (TP.Biên Hòa) giảng dạy theo giáo án điện tử. Ảnh: K.Minh

[links()]Theo đó, cách xây dựng thành phố thông minh của Đồng Nai không phải là dồn nguồn vốn lớn vào xây dựng, việc này rất khó khăn vì ngân sách có hạn. Đồng Nai sẽ dựa trên nền tảng hạ tầng có sẵn và trong đầu tư mới sẽ từng bước đồng bộ dần để kết nối lại.

* Bắt đầu từ chính quyền thông minh

Các chuyên gia tư vấn trên lĩnh vực đô thị thông minh đều có chung nhận định là công nghệ và hiện đại hóa một thành phố trước hết phải bắt đầu từ phía chính quyền, các cơ quan quản lý. Chính quyền dịch chuyển sẽ tác động đến tất cả các yếu tố khác phát triển theo. Đồng Nai là nơi có tốc độ đô thị hóa nhanh, tập trung nhiều đầu mối về giao thông quốc gia, vùng, tỉnh vì vậy cần có quy hoạch tổng thể, chi tiết phù hợp và có tầm nhìn xa để khi các công trình đầu tư xong đồng bộ, không bị lạc hậu và giúp cho quá trình tiến đến đô thị thông minh không bị trở ngại.

Ông Trần Văn Thanh, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh cho biết: “Mỗi năm tỉnh đều triển khai cả 100 dự án về đường giao thông, trường học, trạm y tế, trụ sở, những công trình này đều được chú ý đầu tư hệ thống chiếu sáng bằng đèn led, hệ thống điện đi âm và một số hạ tầng công nghệ thông tin đi kèm. Như vậy sẽ tạo thuận lợi khi bắt tay vào xây dựng đô thị thông minh”.

Theo Bộ Xây dựng, muốn phát triển đô thị thông minh thì chính quyền các tỉnh, thành phải tập trung vào 3 lĩnh vực chính là quy hoạch đô thị thông minh; đầu tư xây dựng và quản lý đô thị thông minh trên nền tảng là hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị và hệ thống công nghệ thông tin được kết nối; cung cấp những tiện ích đô thị thông minh cho các tổ chức và cá nhân trong khu vực đô thị.

* Phát triển cùng lúc nhiều lĩnh vực

Thực tế, các ngành, lĩnh vực của Đồng Nai hiện mới chỉ chú trọng đến các ứng dụng công nghệ thông tin đơn lẻ chứ chưa quan tâm nhiều đến hoàn thiện cơ sở, hạ tầng của đô thị thông minh. Lãnh đạo một số ngành còn tỏ ra khá… bất ngờ và xa lạ với khái niệm xây dựng thành phố thông minh mà Đồng Nai đang bắt tay vào thực hiện. Nếu không có sự đồng bộ trong ứng dụng công nghệ thông tin, mỗi ngành sử dụng những phần mềm khác nhau, sự tương thích ít sẽ khiến cho việc sử dụng hiệu quả các ứng dụng thông minh bị hạn chế khi kết nối.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh cho biết: “Đồng Nai sẽ dựa trên hạ tầng về công nghệ thông tin của từng ngành có sẵn để kết nối và xây dựng thành phố thông minh. Tỉnh sẽ yêu cầu trong các đầu tư, ứng dụng công nghệ của các ngành phải đồng bộ để tạo sự tương thích cao khi ráp nối lại với nhau. Mục tiêu là đem lại tiện ích tốt nhất để phục vụ người dân ở khu vực đô thị”.

Hiện nay, một số tỉnh, thành chưa đủ ngân sách, nguồn lực để triển khai đề án Thành phố thông minh đã chọn giải pháp đầu tư theo kiểu hợp tác công tư. Trong đó, lĩnh vực được các tỉnh, thành ưu tiên trong thực hiện đô thị thông minh là giao thông, y tế, giáo dục, vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường, năng lượng và xây dựng trên nền tảng chính quyền điện tử.

Khánh Minh

Tin xem nhiều