Bộ Công thương vừa có báo cáo đánh giá cơ hội thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường các nước trong Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Báo cáo của Bộ có những đánh giá tồn tại, hạn chế của hoạt động xuất nhập khẩu giai đoạn 2011-2018 để hoạch định hướng đi giai đoạn tiếp theo.
Bộ Công thương vừa có báo cáo đánh giá cơ hội thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường các nước trong Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Báo cáo của Bộ có những đánh giá tồn tại, hạn chế của hoạt động xuất nhập khẩu giai đoạn 2011-2018 để hoạch định hướng đi giai đoạn tiếp theo.
Ngoài sự đánh giá tốt về mức tăng trưởng vượt bậc của xuất khẩu Việt Nam nói chung và xuất khẩu nông sản nói riêng trong giai đoạn nêu trên, báo cáo cũng đề cập đến nhiều khó khăn nội tại của hàng hóa Việt Nam khi muốn mở rộng thị trường và quy mô xuất khẩu đến các quốc gia đã có ký kết hiệp định thương mại song phương hoặc đa phương (FTA). Về thành quả, hàng hóa Việt Nam đã có mặt tại 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, ngoài ra có hàng chục mặt hàng đạt kim ngạch tỷ USD.
Xét về góc độ các FTA, Bộ Công thương cho rằng nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu đã tận dụng tốt cơ hội từ việc cắt giảm thuế quan tại các thị trường có ký kết FTA. Ví dụ, sau khi Hiệp định Thương mại tự do ASEAN, Australia - New Zealand (AANZFTA) có hiệu lực, với mức thuế suất thuế nhập khẩu về 0%, xuất khẩu điều sang Australia tăng trưởng bình quân đạt 12,9%/năm; hồ tiêu xuất khẩu sang Nhật Bản tăng trưởng đạt 12,8%/năm, cà phê đạt 8%/năm sau khi Hiệp định VJFTA có hiệu lực; hay hồ tiêu xuất khẩu sang Ấn Độ tăng trưởng đạt 14,3%/năm, thủy sản đạt 12,3%/năm sau khi Hiệp định AIFTA có hiệu lực; sau khi Hiệp định Việt Nam - EAEU có hiệu lực, hạt điều xuất khẩu sang Liên bang Nga tăng 59,6%, rau quả tăng 19,9%... (nguồn: Bộ Công thương).
Song, khó khăn lớn dễ thấy là dù thuế có giảm rất mạnh ở nhiều thị trường thì nông sản Việt Nam vẫn chưa thể xuất khẩu xứng tầm do việc đàm phán để được công nhận về quản lý chất lượng, quản lý an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật còn hạn chế. Thực tế, nhiều mặt hàng dù đã được nước ngoài giảm thuế về 0% nhưng nông sản của Việt Nam vẫn chưa được phép nhập khẩu vào một số thị trường. Đơn cử là các mặt hàng như: sữa, thịt heo, thịt gà, trái cây, rau củ quả...
Bộ Công thương cho rằng nguyên nhân chính nằm ở tập quán sản xuất nhỏ, phân tán, tính tuân thủ nguyên tắc sản xuất sạch và an toàn chưa cao, do đó chưa đáp ứng được đòi hỏi và tiêu chuẩn cao từ thị trường quốc tế, dẫn đến thuế dù có xuống thấp đến 0%, nhiều loại nông sản vẫn bế tắc trong xuất khẩu.
Vi Lâm