Báo Đồng Nai điện tử
En

Cấp bách ngăn chặn bệnh dịch tả heo châu Phi

09:03, 04/03/2019

Ngày 4-3, Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã tổ chức Hội nghị trực tuyến để triển khai cấp bách việc khống chế sự lây lan của bệnh dịch tả heo châu Phi ở 63 tỉnh, thành trong cả nước. Tham dự có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, lãnh đạo các bộ, ngành và các tỉnh, thành trong cả nước.

Ngày 4-3, Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã tổ chức Hội nghị trực tuyến để triển khai cấp bách việc khống chế sự lây lan của bệnh dịch tả heo châu Phi ở 63 tỉnh, thành trong cả nước. Tham dự có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, lãnh đạo các bộ, ngành và các tỉnh, thành trong cả nước.

Trang trại heo tại TX.Long Khánh Ảnh: Lê Quyên
Trang trại heo tại TX.Long Khánh Ảnh: Lê Quyên

Theo Bộ NN-PTNT, đến ngày 3-3-2019, dịch tả heo châu Phi đã xuất hiện ở 7 tỉnh, thành phía Bắc bao gồm: Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nam, Hải Dương và Hà Nội, tức là thêm 1 tỉnh so với thời điểm cuối tháng 2.

* Đề xuất kiểm soát chặt

Hầu hết các địa phương đều kiến nghị Chính phủ kiểm tra thật chặt nguồn heo từ các tỉnh, thành có dịch bệnh vận chuyển ra ngoài và cả nguồn thịt heo, thực phẩm từ thịt heo qua đường hàng không, đường cửa khẩu vào Việt Nam. Đặc biệt, phải làm thêm nhiều chốt chặn để ngăn nguồn heo bệnh vận chuyển từ miền Bắc vào các tỉnh phía Nam tiêu thụ.

Dịch tả heo châu Phi xuất hiện đầu tiên tại châu Phi, đây là bệnh truyền nhiễm do virus gây ra ở heo rừng và heo nuôi, không gây bệnh ở loài động vật khác. Heo bị bệnh có khả năng chết 100%, bệnh lan nhanh, nhưng không lây nhiễm và không gây bệnh cho người. Hiện trên thế giới chưa có vaccine phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị.

Phó chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến đề nghị: “Chính phủ nên chỉ đạo thành lập nhiều chốt kiểm dịch heo tại miền Trung để giám sát chặt chẽ nguồn heo thịt, sản phẩm từ heo từ miền Bắc vào Nam. Nếu không làm tốt, dịch lây lan vào phía Nam thiệt hại rất lớn”. Tổng đàn heo của cả nước hiện có 13,5 triệu con, trong đó riêng Đồng Nai khoảng 2,5 triệu con, đứng đầu cả nước.

TS.Đậu Ngọc Hào, Chủ tịch Hội Thú y Việt Nam cho rằng, các địa phương phải kiểm soát chặt tình hình dịch bệnh và áp dụng đồng bộ các giải pháp mới ngăn chặn được dịch lây lan. Hiện nay, bệnh dịch tả heo châu Phi vào Việt Nam mới ở giai đoạn đầu và nguy cơ bùng phát khá cao vì Việt Nam có nhiều hộ chăn nuôi, giết mổ nhỏ lẻ. “Chính phủ phải có những giải pháp cấp bách để hạn chế dịch tràn vào phía Nam, cụ thể là Đồng Nai vì đây là nơi có ngành chăn nuôi lớn nhất cả nước. Nếu để xảy ra dịch, thiệt hại về kinh tế rất lớn” - TS.Hào nhấn mạnh.

Theo Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, các bộ, ngành, tỉnh, thành trong cả nước phải cùng vào cuộc trong việc phòng, chống dịch tả heo châu Phi để dịch không lan rộng nhằm bảo vệ ngành chăn nuôi trong nước. Siết chặt tình trạng buôn bán, vận chuyển heo, sản phẩm từ heo trái phép. Nếu phát hiện cá nhân, cơ sở cố tình vi phạm xử lý thật nghiêm. 

Đến thời điểm này, Việt Nam đã phát hiện bệnh dịch tả heo châu Phi ở 202 hộ chăn nuôi với 4.231 con heo mắc bệnh và đã được tiêu hủy. Cục Thú y cũng đã lấy 388 mẫu tại 98 hộ nuôi heo xung quanh các hộ có heo bệnh để xét nghiệm. Kết quả cho thấy, đại đa số heo của các hộ xung quanh âm tính. 

* Các giải pháp phòng, chống dịch

Theo khuyến cáo của Tổ chức Thú y thế giới, Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên hợp quốc, kinh nghiệm từ những nước đã từng xảy ra dịch tả heo châu Phi thì cách phòng, chống dịch hiệu quả là tiêu hủy tất cả đàn heo có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh dịch tả bằng phương pháp chôn sâu 3-4m, bổ sung hóa chất sát trùng, vôi bột.

Ngoài ra, cần có chính sách hỗ trợ kịp thời cho các hộ có heo bệnh để họ không giấu dịch, bán heo ra ngoài. Hạn chế vận chuyển heo, sản phẩm từ ở các vùng bệnh ra bên ngoài. Thiết lập vùng dịch với bán kính 3km và vùng đệm xung quanh vùng dịch 10km. Cấm sử dụng thức ăn dư thừa cho heo.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, muốn ngăn chặn bệnh dịch tả heo châu Phi thì tất cả bộ máy chính trị cùng vào cuộc. Người dân thực hiện 5 không: không giấu dịch, không mua bán heo bệnh heo không rõ nguồn gốc, không giết mổ heo bệnh hoặc không rõ nguồn gốc, không vứt xác động vật ra môi trường, không sử dụng thức ăn dư thừa.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết: “Bộ đã yêu cầu Cục Thú y, Chi cục Chăn nuôi - thú y các tỉnh, thành tổ chức tiếp nhận xét nghiệm mẫu 24/24 giờ với bệnh dịch tả heo châu Phi và không thu phí. Đồng thời tổ chức nhiều hội thảo, tập huấn kỹ thuật, chuyên môn cho các tỉnh, thành về phòng, chống dịch. Hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học hạn chế thấp nhất lây lan của dịch bệnh”. Ông Cường cũng đề nghị cơ quan truyền thông kịp thời thông tin về các biện pháp phòng, chống dịch nhưng thông tin chọn lọc để vừa chống  dịch tốt vừa đảm bảo phát triển chăn nuôi, tránh để người dân và cộng đồng hoang mang.

Theo các địa phương, mặc dù các tỉnh, thành đã chủ động trong công tác phòng, chống dịch nhưng trong quá trình triển khai vẫn còn một số vướng mắc cần khắc phục để việc phòng, chống dịch tốt hơn. Đơn cử như giá hỗ trợ cho hộ chăn nuôi có heo bị dịch 27-38 ngàn đồng/kg heo hơi là còn thấp; thời gian hỗ trợ kéo dài nhiều tháng, hóa chất phòng, chống dịch phải đấu thầu mất nhiều thời gian; thù lao cho người tham gia phòng, chống dịch quá thấp...

Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thống nhất mức hỗ trợ cho heo con, heo thịt bị dịch tả là 80% so với giá thị trường và tăng gấp 1,5 - 1,8 lần heo nái và lợn đực giống buộc tiêu hủy. Thủ tướng cũng chỉ đạo: “Bộ NN-PTNT phải có giải pháp chung và riêng cho từng địa phương trong công tác phòng, chống dịch. Những tỉnh, thành chưa xảy ra dịch phải có biện pháp phòng, chống hiệu quả hơn để ngăn chặn không cho dịch lây lan vào. Việt Nam tuy xảy ra dịch song số lượng nhỏ và được kiểm soát tốt nên người tiêu dùng có thể an tâm dùng thịt heo”.

Tại đầu cầu Đồng Nai, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Quốc Hùng đã chủ trì hội nghị. Trước đó, tỉnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp trong việc phòng, chống dịch tả heo châu Phi cho các huyện, TX.Long Khánh và  TP.Biên Hòa.

Hương Giang

Tin xem nhiều