Báo Đồng Nai điện tử
En

Dự án chống ngập ngoại ô: Khó về mặt bằng

09:01, 13/01/2019

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh, dự án chống ngập cho 5 xã, phường ngoại ô của TP.Biên Hòa sẽ được khởi công trong năm nay, tuy nhiên vấn đề giải phóng mặt bằng hiện vẫn chưa xong...

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh, dự án chống ngập cho 5 phường, xã ngoại ô của TP.Biên Hòa sẽ được khởi công trong năm nay, tuy nhiên vấn đề giải phóng mặt bằng hiện vẫn chưa xong và tính chất công việc còn khá phức tạp.

Một đoạn suối Chùa qua phường Long Bình (TP.Biên Hòa).
Một đoạn suối Chùa qua phường Long Bình (TP.Biên Hòa).

Dự án này sẽ mở rộng 3 tuyến suối: Chùa, Bà Lúa và Cầu Quan để chống ngập cho 5 phường, xã của thành phố, đã được UBND tỉnh giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh làm chủ đầu tư. Để giải quyết căn cơ tình trạng ngập tại khu vực quốc lộ 51, sẽ phải mở rộng dòng chảy của các tuyến suối chính.

* Mở rộng lòng suối

Dự án mở rộng suối Chùa đi qua các phường Long Bình, An Bình, Long Bình Tân; suối Bà Lúa đi qua phường Long Bình Tân và xã An Hòa và suối Cầu Quan tại xã Phước Tân (TP.Biên Hòa) để chống ngập cho các phường, xã ngoại ô được UBND tỉnh giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh làm chủ đầu tư.

Theo Phòng Quản lý đô thị TP.Biên Hòa, sau khi triển khai xong dự án mở rộng lòng các tuyến suối, sẽ giải quyết được cơ bản tình trạng ngập ở khu vực này. Tuyến suối Chùa và suối Bà Lúa có chiều dài 2,6km, đây không chỉ là dòng thoát nước chính cho các khu dân cư của 2 phường Long Bình và Long Bình Tân, xã An Hòa mà còn cho cả các khu công nghiệp: Hố Nai, Agtex Long Bình, Biên Hòa 2 và ICD Tân Cảng - Long Bình. Là dòng thoát nước chính nhưng hiện tại con suối này khá hẹp, chỉ khoảng 6m, nhiều đoạn bị người dân lấn chỉ còn 3m. Chính vì vậy sau những trận mưa lớn, các khu dân cư vùng này luôn bị ngập, đặc biệt khu vực quốc lộ 51 qua phường Long Bình Tân hiện ngập khá sâu. Đơn cử gần đây nhất là trận mưa vào tháng 9-2018 làm toàn khu vực ngập nặng, gây ùn tắc giao thông nhiều giờ.

Theo phương án thi công của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh, 2 dòng suối Chùa và Bà Lúa sẽ được mở rộng từ 9-12m tùy các đoạn, suối Cầu Quan được mở rộng từ 10-11m. Ông Đỗ Bảo Nam, Phó trưởng phòng Thoát nước Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh cho biết, ngoài việc mở rộng suối, dự án còn làm đường song hành mỗi bên 2m. Dự án này có tổng kinh phí 157 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào năm 2020, song hiện vẫn đang chờ mặt bằng.

* Rối rắm giải phóng mặt bằng

Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Phạm Anh Dũng cho biết, dự án đang được Trung tâm phát triển quỹ đất thành phố thực hiện công tác giải phóng mặt bằng. Dự án chống ngập cho khu vực này sẽ thu hồi đất trên địa bàn 5 phường, xã và được UBND tỉnh cho phép triển khai thành 2 giai đoạn.

Theo Trung tâm phát triển quỹ đất TP.Biên Hòa, trong giai đoạn 1, diện tích đất thu hồi khoảng 5 hécta và kéo dài khoảng 5,5km, số hộ bị giải tỏa khoảng 350 hộ, gồm 40 hộ giải tỏa trắng và 310 hộ giải tỏa một phần.

Cụ thể, tuyến suối Bà Lúa tại phường Long Bình Tân phải giải tỏa 96 hộ, hiện đã kiểm đếm xong nhưng chỉ có 15 trường hợp xác nhận được nguồn gốc đất, 81 trường hợp còn lại thuộc diện đo bao, lấn chiếm lòng suối nên chưa xác nhận được nguồn gốc nhà đất.

Với suối Bà Lúa, đoạn qua xã An Hòa có 68 hộ đã kiểm kê và chuyển cho UBND xã xác nhận nguồn gốc đất 61 trường hợp, 7 trường hợp còn lại có biến động do tách, hợp thửa không đúng với bản đồ thu hồi đất đang chờ xử lý. Ở suối Cầu Quan thuộc địa phận xã Phước Tân có 186 hộ, hiện kiểm kê được khoảng 100 hộ. So với bản đồ trích lục năm 2012, hiện nay số hộ dân tăng khoảng 60%.

Ông Nguyễn Minh Đức, cán bộ Trung tâm phát triển quỹ đất TP.Biên Hòa, người trực tiếp làm công tác giải phóng mặt bằng dự án này cho hay, các hộ dân phân lô bán nền, tách, hợp thửa quá nhiều gây khó khăn trong công tác quy chủ, kiểm kê. Hiện tại Trung tâm phát triển quỹ đất TP.Biên Hòa vẫn đang tiếp tục kiểm kê, quy chủ, xác nhận, thẩm tra nguồn gốc nhà đất của dự án trình Sở Tài nguyên - môi trường lập giá đất cụ thể và trình thẩm định, phê duyệt bồi thường, hỗ trợ cho hộ dân. Việc này cũng chỉ thực hiện được đối với các trường hợp đúng theo bản đồ, các trường hợp còn lại sẽ phải chờ các cơ quan chuyên môn của tỉnh xử lý.

Cũng theo ông Đức, khó khăn vướng mắc đang gặp phải do bản đồ thu hồi đất năm 2012 được trích lục từ bản đồ địa chính năm 2007 và 2009 nên hiện trạng biến động quá lớn rất khó xử lý, hiện trạng các thửa đất không đúng như thực tế nên gây khó cho công tác giải phóng mặt bằng.

Vân Nam

Tin xem nhiều