Báo Đồng Nai điện tử
En

Việt Nam "được mùa" kỷ lục

02:12, 31/12/2018

Năm 2018 Việt Nam đạt được nhiều kỷ lục về kinh tế và vị thế của quốc gia được nâng tầm trên trường quốc tế.Trong đó, Đồng Nai cũng có nhiều đóng góp cho thành tựu của đất nước.

Năm 2018 Việt Nam đạt được nhiều kỷ lục về kinh tế và vị thế của quốc gia được nâng tầm trên trường quốc tế. Đạt được mức tăng trưởng ngoạn mục là vì từ đầu năm Chính phủ, các bộ ngành, tỉnh, thành đã thực hiện đồng bộ các giải pháp. Trong đó, Đồng Nai cũng có nhiều đóng góp cho thành tựu của đất nước.

May mặc là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Đồng Nai và có xuất siêu lớn. Trong ảnh: Sản xuất dệt may xuất khẩu sang thị trường EU của doanh nghiệp ở Khu công nghiệp Amata (TP.Biên Hòa).
May mặc là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Đồng Nai và có xuất siêu lớn. Trong ảnh: Sản xuất dệt may xuất khẩu sang thị trường EU của doanh nghiệp ở Khu công nghiệp Amata (TP.Biên Hòa). Ảnh: H.Giang

Tất cả 12 chỉ tiêu chính về kinh tế - xã hội của Việt Nam đều đạt và vượt. Trong đó, có nhiều kỷ lục mới được thiết lập như: tăng trưởng GDP, kim ngạch xuất nhập khẩu, xuất siêu, dự trữ ngoại hối, số doanh nghiệp thành lập mới, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.

* Dấu ấn nổi bật

Kết thúc năm 2018, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam là 7,08%, cao hơn mục tiêu đề ra và cũng cao hơn mọi dự báo. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 10 năm qua. GDP tăng cao đồng thời nền kinh tế vĩ mô vẫn ổn định, lạm phát thấp, nợ công giảm.

Năm nay, kim ngạch xuất nhập khẩu thiết lập kỷ lục mới là đạt hơn 482 tỷ USD và lần đầu tiên Việt Nam xuất siêu 7,2 tỷ USD. Có được kim ngạch xuất nhập khẩu tăng cao là do Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, qua đó tạo cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài, mở rộng thương mại. Đặc biệt trong năm 2018, xuất khẩu nông sản tăng rất cao với hơn 40 tỷ USD.

Phó thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình cho biết: “Năm nay xuất khẩu nông sản của nước ta đạt mức cao nhất từ trước đến nay, điều này đã giúp Việt Nam trở thành cường quốc xuất khẩu nông sản trên thế giới. Việt Nam hiện xếp thứ 15 toàn cầu về xuất khẩu nông sản”. Xuất khẩu, xuất siêu tăng cao góp phần trong gia tăng dự trữ ngoại hối và ổn định tỷ giá hối đoái. Cụ thể đến thời điểm này, dự trữ ngoại hối của Việt Nam là hơn 60 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay.

Theo Phó thủ tướng Phạm Bình Minh, ngay từ đầu năm Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, tỉnh, thành thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về kinh tế - xã hội. Môi trường kinh doanh, chỉ số đổi mới sáng tạo đều tăng bậc, nhiều thủ tục hành chính được cắt giảm và rút ngắn thời gian giải quyết.

Trong năm 2018, Việt Nam đạt kỷ lục đón 15,5 triệu lượt khách quốc tế đến tham quan, nghỉ dưỡng, tăng gần 20% so với năm trước. Du lịch Việt Nam cũng được Tổ chức Du lịch thế giới xếp hạng trong tốp các quốc gia đứng đầu thế giới về tăng trưởng khách du lịch cao nhất, đồng thời Việt Nam cũng được ghi nhận là điểm đến du lịch hàng đầu ở khu vực châu Á.  Đây sẽ là tiền đề để Việt Nam xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn để phát triển.

* Tạo đột phá cho năm bản lề

Năm 2019 được coi là năm bản lề bứt phá để hoàn thành kế hoạch 5 năm 2016-2020. Do đó, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện các giải pháp cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng để tạo ra các đột phá trong phát triển kinh tế, xã hội.

Chính phủ đề ra phương châm hành động cho năm 2019 là “Kỷ cương, liêm chính, hành động, bứt phá, sáng tạo, hiệu quả, đột phá”. Trong đó, đề ra những giải pháp cụ thể cho các lĩnh vực nhằm tạo ra một xung lực mới để tăng trưởng kinh tế - xã hội ở mức cao.

Mục tiêu năm 2019 là củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt và thận trọng. Có giải pháp tín dụng phù hợp để hạn chế tín dụng đen. Phấn đấu GDP năm 2019, tăng khoảng 6,8%.

Thông tin: HƯƠNG GIANG. Đồ Họa: Đ.QUYÊN
Thông tin: HƯƠNG GIANG. Đồ Họa: Đ.QUYÊN

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu: ”Năm 2019 cần tạo ra các đột phá để phát triển nhanh, bền vững nhưng kiên trì theo nguyên tắc “3 trong 1” là kinh tế, xã hội, môi trường. Các bộ, ngành, địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp mở rộng sản xuất để kim ngạch xuất khẩu tăng 8-10%”. Cũng theo Thủ tướng, năm tới phải giải quyết dứt điểm các vướng mắc để đẩy nhanh các dự án hạ tầng quan trọng quốc gia trong lĩnh vực giao thông, điện, năng lượng như: dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam, Cảng hàng không quốc tế Long Thành...

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo rõ, trong năm 2019 Chính phủ, các địa phương tập trung vào 4 nhiệm vụ trọng tâm để đảm bảo mức tăng trưởng kinh tế bằng hoặc cao hơn năm 2018. Cụ thể là đẩy mạnh cải cách hành chính, kịp thời tháo gỡ những ách tắc, rào cản đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và các doanh nghiệp.

* Tiếp tục gỡ khó cho các địa phương

Trong năm 2018, vấn đề nhiều địa phương đang gặp khó khăn chưa được giải quyết là các dự án triển khai theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) bị ngưng thanh toán tài sản công cho nhà đầu tư. Việc này khiến hàng loạt dự án bị đình trệ, ảnh hưởng đến phát triển của các tỉnh thành.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Chính phủ sẽ sớm ký quyết định đầu tư BT để khơi thông vốn triển khai tiếp các dự án. Đồng Nai hiện có trên 40 dự án đang triển khi theo hình thức BT (chủ yếu làm đường giao thông). Trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách hạn hẹp thì đầu tư hạ tầng kỹ thuật bằng hình thức BT là giải pháp phù hợp. Nhiều tuyến đường trọng điểm của Đồng Nai cần kinh phí xây dựng từ vài trăm đến hàng ngàn tỷ đồng, nếu không đầu tư bằng BT sẽ không có đủ vốn để thực hiện.

Cũng theo Thủ tướng, tại một số địa phương, doanh nghiệp vẫn còn kiến nghị về tình trạng giải quyết công việc không nghiêm, còn chậm trễ, kéo dài, tham nhũng còn xảy ra. Ở lĩnh vực xuất nhập khẩu, thời gian thông quan hàng hóa còn kéo dài, chi phí còn cao so với nhiều nước trong khối ASEAN. Đây là những vấn đề các bộ, ngành, hải quan phải tháo gỡ trong năm 2019.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: Không được ngủ quên trên vòng nguyệt quế

Phát biểu tại hội nghị trực tuyến về tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 và đề ra nhiệm vụ cho năm 2019, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhắc nhở: “Những hạn chế còn tồn tại là đầu tư kém hiệu quả, tham nhũng, lãng phí, nhất là ở khu vực kinh tế nhà nước. Tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, kỷ cương phép nước bị buông lỏng còn diễn ra ở nhiều nơi. Cải cách hành chính, tư pháp, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh còn nhiều trở ngại, ảnh hưởng xấu đến hoạt động của doanh nghiệp. Tội phạm, tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em, vệ sinh an toàn thực phẩm còn diễn biến phức tạp. Do đó, Chính phủ có giải pháp ngay từ đầu năm để hạn chế những yếu kém, tạo điều kiện phát triển kinh tế, xã hội”.  

Hương Giang


                                                                             

 

Tin xem nhiều