Trao đổi với Báo Đồng Nai, ông Khiếu Mạnh Tường, Tổng giám đốc Công ty cổ phần sản xuất và thương mại Thuận Phong cho biết, ông chỉ mong vụ việc sớm được làm rõ và nếu thực sự có tội, ông chấp nhận mọi hình phạt mà pháp luật đề ra.
Trao đổi với Báo Đồng Nai, ông Khiếu Mạnh Tường, Tổng giám đốc Công ty cổ phần sản xuất và thương mại Thuận Phong cho biết, ông chỉ mong vụ việc sớm được làm rõ và nếu thực sự có tội, ông chấp nhận mọi hình phạt mà pháp luật đề ra.
Ông Khiếu Mạnh Tường, Tổng giám đốc Công ty cổ phần sản xuất và thương mại Thuận Phong. Ảnh: H.Giang |
“Gần 4 năm qua, mỗi ngày tôi đều sống trong chờ đợi khắc khoải với hy vọng vụ việc được làm sáng tỏ để dư luận hiểu rõ và đúng về Công ty Thuận Phong” - ông Tường cho biết.
* Hoạt động kinh doanh đình đốn
Công ty Thuận Phong được Sở Kế hoạch - đầu tư cấp phép kinh doanh phân bón từ ngày 3-3-2003, với ngành nghề kinh doanh là nhập khẩu, sản xuất và buôn bán hóa chất, phân bón. Công ty có trụ sở tại KP.4, phường Tân Hiệp (TP.Biên Hòa). Đến tháng 2-2015, vốn điều lệ của công ty lên 20 tỷ đồng. Do không được phép sản xuất tại trụ sở nên tháng 5-2013, ông Khiếu Mạnh Tường ký hợp đồng liên kết có thu với Chủ nhiệm Kho K888 (Bộ Quốc phòng) để sử dụng hơn 18 ngàn m2 đất của đơn vị này (tại KP.7, phường Long Bình, TP.Biên Hòa) để lập nhà xưởng sản xuất. Ngoài ra, Công ty Thuận Phong đã xin phép mở 5 văn phòng đại diện tại các tỉnh, thành: TP.Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương, Đắk Lắk và Lâm Đồng.
Biểu đồ thể hiện kết quả kiểm tra, phân tích chất lượng phân bón của Công ty cổ phần sản xuất và thương mại Thuận Phong. (Thông tin: Hương Giang - Đồ họa: Hải Quân) |
Trước thời điểm Đoàn liên ngành 389 quốc gia kiểm tra (năm 2014) tổng doanh thu của công ty hơn 245 tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước hơn 3,8 tỷ đồng. Trị giá tài sản cố định gần 10 tỷ đồng và vốn lưu động hơn 44 tỷ đồng. Thời điểm đó, công ty có 185 cán bộ, nhân viên, công nhân lao động. Ông Khiếu Mạnh Tường, Tổng giám đốc Công ty Thuận Phong cho hay: “Là một công ty trong nước, Thuận Phong phải mất hơn 10 năm mới xây dựng được uy tín, thương hiệu và được nhiều nông dân trong cả nước tin tưởng sử dụng sản phẩm. Vụ việc xảy ra khiến toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón của công ty bị ngưng lại hết”. Cũng theo ông Tường, thiệt hại của công ty trong gần 4 năm qua rất khó ước lượng chính xác. Vì có những giá trị khó đo đếm được bằng tiền, đó là uy tín và thương hiệu bị mất đi.
* Khắc khoải chờ câu trả lời
Gần 4 năm qua, Công ty Thuận Phong phải hoạt động cầm chừng bằng những ngành nghề khác để chờ đợi các cơ quan chức năng có một phán quyết công bằng. Mỗi ngày trôi qua đều là sự hy vọng và chờ đợi mong vụ việc được làm rõ. Câu hỏi được nhiều bạn đọc đặt ra là: Vì sao sự việc xảy ra đã gần 4 năm, các cơ quan chức năng của tỉnh và trung ương đã vào cuộc nhưng đến nay vẫn chưa có kết luận cuối cùng?
Đầu tháng 11-2018, ông Khiếu Mạnh Tường đã có buổi làm việc với Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh để báo cáo tình hình thực tế của công ty sau sự kiện Đoàn kiểm tra liên ngành 389 quốc gia vào kiểm tra, niêm phong tài sản. Theo thống kê của Công ty Thuận Phong, số lượng phân bón hư, hàng hóa tồn kho giảm chất lượng, hết hạn sử dụng và không còn giá trị sử dụng thiệt hại khoảng 46 tỷ đồng; cơ sở vật chất nhà xưởng, máy móc hư hỏng thiệt hại khoảng 10 tỷ đồng. Do công ty ngưng hoạt động nên đã có 101 công nhân, nhân viên phải nghỉ việc. Có 3 chi nhánh của công ty tại Lâm Đồng, Đắk Lắk và TP.Hà Nội bị phá sản.
Trần Danh - Hương Giang