Báo Đồng Nai điện tử
En

Bất hợp lý ở 2 vòng xoay

10:12, 19/12/2018

Vòng xoay ngã tư Vũng Tàu và vòng xoay Cổng 11 TP.Biên Hòa hiện đang được xem là những điểm nút giao thông đầy áp lực cho người đi đường. Đặc biệt, vòng xoay ngã tư Vũng Tàu được đầu tư khá nhiều kinh phí xây dựng hệ thống hầm chui, cầu vượt, nhưng nhiều người dân cho rằng, cách bố trí đi lại qua khu vực này rất phức tạp.

Vòng xoay ngã tư Vũng Tàu và vòng xoay Cổng 11 TP.Biên Hòa hiện đang được xem là những điểm nút giao thông đầy áp lực cho người đi đường. Đặc biệt, vòng xoay ngã tư Vũng Tàu được đầu tư khá nhiều kinh phí xây dựng hệ thống hầm chui, cầu vượt, nhưng nhiều người dân cho rằng, cách bố trí đi lại qua khu vực này rất phức tạp.

Các phương tiện lưu thông rối rắm tại ngã tư Vũng Tàu.
Các phương tiện lưu thông rối rắm tại ngã tư Vũng Tàu.

Theo phân cấp, các tuyến quốc lộ cũng như công trình trên quốc lộ đều do Bộ Giao thông - vận tải đầu tư và quản lý. Bộ đã đầu tư hơn 500 tỷ đồng cho việc xây dựng, hoàn thiện ngã tư Vũng Tàu, thế nhưng giao thông qua đây hiện vẫn rối.

* Bối rối giữa ngã tư

Ông Nguyễn Văn Hạnh (ở phường Bửu Hòa, TP.Biên Hòa), làm việc tại Khu công nghiệp   Tam Phước, hằng ngày đi lại qua ngã tư Vũng Tàu cho hay, khi lái xe qua nút giao này, ông rất bối rối. “Ngã tư Vũng Tàu đã điều chỉnh lại luồng giao thông nhưng thực tế vẫn lộn xộn. Mỗi khi lái xe qua đây tài xế vẫn căng thẳng lắm vì cùng một lúc có xe đi thẳng, xe ôm cua rồi lại thêm xe máy qua lại” - ông Hạnh nói. 

Hai nút giao ngã tư Vũng Tàu và vòng xoay Cổng 11 đều thuộc các dự án BOT (đầu tư - khai thác - chuyển giao). Cụ thể, cầu vượt và hầm chui ngã tư Vũng Tàu thuộc hạng mục bổ sung vào dự án đầu tư xây dựng cầu Đồng Nai mới và tuyến 2 đầu cầu theo hình thức hợp đồng BOT do Tổng công ty xây dựng số 1 - CTCP làm chủ đầu tư. Đầu năm 2014 cầu vượt ngã tư Vũng Tàu được khánh thành đưa vào sử dụng với kinh phí xây dựng 200 tỷ đồng; cuối năm 2016 công trình hầm chui qua ngã tư này cũng được đưa vào sử dụng. Công trình có mức đầu tư hơn 300 tỷ đồng.

Vòng xoay Cổng 11 nằm trong dự án quốc lộ 1 tuyến tránh TP.Biên Hòa (đường Võ Nguyên Giáp) được đưa vào sử dụng từ năm 2014. Đường có chiều dài 12,2km với tổng mức đầu tư 1.200 tỷ đồng do Công ty cổ phần đầu tư Đồng Thuận làm chủ đầu tư theo hình thức BOT.

Tại nút giao này, hiện nay đang bố trí xe máy đi chung với ô tô từ hướng Khu công nghiệp  Biên Hòa 1 sang quốc lộ 51, luồng di chuyển này phải chờ đèn tín hiệu giao thông dưới chân cầu vượt do bị vướng luồng xe đi về hướng TP.Hồ Chí Minh và xe container vào Cảng Đồng Nai. Xe máy từ hướng TP.Hồ Chí Minh đi về hướng Tam Hiệp để lên cầu vượt cũng phải cắt qua 3 làn đường ô tô  đang lưu thông, khá nguy hiểm. Chưa kể, việc sử dụng hệ thống đèn giao thông để điều tiết khiến lượng xe bị ùn ứ nặng vào giờ cao điểm. Theo các tài xế thường xuyên đi lại qua đây, việc phân luồng như hiện nay mới chỉ giải quyết được cho xe 2 bánh không phải đi vòng, nhưng giao thông lại dễ bị rối.

Nút giao ngã tư đường Võ Nguyên Giáp (đường tránh TP.Biên Hòa) và đường Bùi Văn Hòa (Cổng 11) cũng là nỗi ám ảnh lớn không kém. Chu vi vòng xoay tại nút giao được thiết kế khá lớn, trong khi lượng xe qua lại đây ngày càng đông.

Mật độ dân cư khu vực này khá dày đặc, cộng thêm các khu công nghiệp nằm dọc bên đường Bùi Văn Hòa với một lượng lớn công nhân hằng ngày đi làm qua lại đây, xe 2 bánh vừa phải ôm cua trọn vẹn vòng xoay rộng, đồng thời phải chú ý tránh xe ô tô trên đường Võ Nguyên Giáp lưu thông liên tục, đã dẫn đến tình trạng kẹt xe thường xuyên vào giờ cao điểm.

Bà Lê Thị Hồng, một người dân ở gần đây cho biết, đường Bùi Văn Hòa vốn dĩ đã hẹp, trong khi vòng xoay lại lớn nên vào giờ cao điểm quá nhiều xe máy di chuyển chậm, thường xuyên ùn tắc, đặc biệt là vào mùa mưa.

* Đầu tư chưa hoàn chỉnh

Theo giới chuyên môn, tại nút giao vòng xoay Cổng 11, tình trạng giao thông không quá phức tạp, chỉ cần đầu tư hầm chui hoặc cầu vượt để đảm bảo an toàn giao thông và khắc phục kẹt xe ở đây. Nút giao này gần giống với nút giao ngã tư Tam Hiệp, trước đây tình trạng kẹt xe và mất an toàn giao thông rất nhiều nhưng khi xây dựng hầm chui thì tình trạng kẹt xe và tai nạn giao thông đã được giải quyết. Tuy nhiên, cần phải thiết kế hầm chui hoặc cầu vượt nhanh bởi áp lực trong thời gian tới đối với vòng xoay này là khi tuyến đường chuyên dùng mỏ đá Tân Cang được đầu tư nối vào đường Võ Nguyên Giáp thì đội xe tải ben hùng hậu từ các mỏ đi lại qua đây còn tăng lên nữa.

Khu vực nút giao ngã tư Vũng Tàu là cửa ngõ của 2 khu công nghiệp, cảng và là tuyến giao thông chính quốc gia. Vì vậy nút giao này phải được đầu tư hoàn chỉnh là nút giao hình hoa thị để phương tiện giao thông đi các hướng không bị xung đột nhau. Lúc đó sẽ không sử dụng đèn tín hiệu giao thông, các phương tiện lưu thông liên tục, không xảy ra tắc nghẽn.

Trưởng phòng Quản lý giao thông (Sở Giao thông - vận tải) Trần Dương Hùng cho biết, dự án này thuộc Bộ Giao thông - vận tải quản lý, vì vậy ở góc độ địa phương chỉ kiến nghị với bộ. “Tỉnh cũng đã kiến nghị nhiều với Bộ Giao thông - vận tải về việc nghiên cứu phương án phân luồng giao thông cũng như đầu tư ở ngã tư Vũng Tàu cho hợp lý để đảm bảo được giao thông vì nút giao này khá phức tạp” - ông Hùng chia sẻ.

Vân Nam

Tin xem nhiều