Báo Đồng Nai điện tử
En

Địa phương muốn "né" mỏ đá

10:11, 14/11/2018

Hậu quả từ khai thác khoáng sản khiến nhiều lãnh đạo địa phương rất "ngán ngẩm" khi thấy tỉnh cấp phép thăm dò hoặc cấp phép khai thác khoáng sản tại nơi mình quản lý.

Hậu quả từ khai thác khoáng sản khiến nhiều lãnh đạo địa phương rất “ngán ngẩm” khi thấy tỉnh cấp phép thăm dò hoặc cấp phép khai thác khoáng sản tại nơi mình quản lý. Nhiều địa phương đề nghị tỉnh ngưng cấp phép khai thác khoáng sản trên địa bàn.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh (giữa) đi kiểm tra các mỏ khai thác đá tại xã Thiện Tân (huyện Vĩnh Cửu). Ảnh: K.MINH
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh (giữa) đi kiểm tra các mỏ khai thác đá tại xã Thiện Tân (huyện Vĩnh Cửu). Ảnh: K.Minh

[links()]Những địa phương có nhiều mỏ khoáng sản đang khai thác đều không muốn tỉnh tiếp tục cấp phép, gia hạn thêm thời gian khai thác và tăng trữ lượng. Hiện nhiều mỏ sau khai thác chỉ phục hồi môi trường qua loa, để lại những hố sâu.

* Đề nghị không cấp phép thêm

Huyện Vĩnh Cửu - nơi đã có 13 mỏ đang khai thác khoáng sản - đã đề xuất tỉnh không nên tiếp tục cấp phép khai thác khoáng sản tại địa phương vì môi trường, đường sá bị ảnh hưởng rất lớn.

Ông Võ Văn Phi, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu cho biết: “Mỗi năm, các mỏ khai thác hơn 10 triệu m3 khoáng sản để đưa đi tiêu thụ ở nhiều nơi. Quá trình khai thác, chế biến gây ô nhiễm môi trường rất nặng nề khiến huyện phải chịu áp lực lớn trong bảo vệ môi trường và đường sá xuống cấp. Do đó, huyện đề nghị tỉnh ngừng cấp phép khai thác những mỏ khoáng sản mới trên địa bàn”.

Theo Phó chủ tịch UBND huyện Trảng Bom Lương Thị Lan, khai thác khoáng sản để lại hậu quả rất nặng nề cho địa phương. Vì vậy, huyện cũng không muốn trên địa bàn được cấp phép khai thác nhiều mỏ khoáng sản. Ngoài những mỏ do UBND tỉnh, Trung ương cấp phép thì huyện không cấp phép cho bất cứ cơ sở nào khai thác khoáng sản.

* Lo “hậu” khai thác khoáng sản

Các mỏ khoáng sản sau thời gian dài khai thác đều để lại những hố sâu từ vài chục đến hơn 100 mét và vách thẳng đứng rất nguy hiểm. Không ít vụ tai nạn thương tâm đã được ghi nhận do các nạn nhân rơi xuống những hố khai thác khoáng sản sâu hút. Vào mùa mưa, chúng trở thành những hồ sâu không thấy đáy, gây nguy hiểm cho người dân.

Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 30 mỏ đã khai thác xong và có quyết định cải tạo, phục hồi môi trường. Tuy nhiên việc cải tạo, phục hồi môi trường mới chỉ dừng ở việc rào qua quít xung quanh và trồng một số cây xanh.

TP.Biên Hòa là nơi có khá nhiều mỏ đã hết hạn khai thác, đóng cửa mỏ và một số mỏ đã giao về cho Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh quản lý, khai thác. Tuy nhiên, với những mỏ đá sâu hun hút, vách thẳng đứng thì rất khó phục hồi và thực hiện các dự án khác. Vì thế những mỏ sau khai thác hầu hết là bỏ hoang nằm chờ thời.

Ông Nguyễn Tấn Vinh, Trưởng phòng Tài nguyên - môi trường TP.Biên Hòa cho hay: “Trên địa bàn TP.Biên Hòa có 10 mỏ đã hết hạn khai thác và đóng cửa. Dự tính của tỉnh, thành phố là sẽ mời các doanh nghiệp đầu tư, cải tạo các khu vực này thành các khu du lịch, khu dân cư nhưng chưa mời gọi được nhà đầu tư”. Việc mời gọi các nhà đầu tư cải tạo các mỏ khai thác khoáng sản thành những công trình hữu ích khác cũng là một việc không dễ dàng.

Khánh Minh

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích