Báo Đồng Nai điện tử
En

Cấp tốc mở rộng nhiều khu công nghiệp

09:11, 04/11/2018

Theo quy hoạch, Đồng Nai có 35 khu công nghiệp (KCN), trong đó có 31 KCN có dự án đang hoạt động. Nhiều KCN đến nay đã được lấp đầy nên chủ đầu tư đề xuất mở rộng...

Theo quy hoạch, Đồng Nai có 35 khu công nghiệp (KCN), trong đó có 31 KCN có dự án đang hoạt động. Nhiều KCN đã lấp đầy nên chủ đầu tư đề xuất mở rộng. Chính phủ cũng đã chấp nhận cho điều chỉnh bổ sung, mở rộng cho một số KCN  trên địa bàn tỉnh.

Khu công nghiệp Amata (TP.Biên Hòa) được mở rộng thêm 180 hécta.
Khu công nghiệp Amata (TP.Biên Hòa) được mở rộng thêm 180 hécta.

Theo quy hoạch, trên địa bàn tỉnh có 6 KCN điều chỉnh mở rộng, tăng thêm diện tích gồm: An Phước, Long Đức, công nghệ cao Long Thành (huyện Long Thành), Tân Phú (huyện Tân Phú), Amata (TP.Biên Hòa), Xuân Lộc (huyện Xuân Lộc).

* Nhu cầu lớn

Amata (TP.Biên Hòa) là KCN được coi là kiểu mẫu của Việt Nam, sau một thời gian thu hút đầu tư, diện tích của KCN này đã lấp đầy nên chủ đầu tư là Công ty cổ phần đô thị Amata Biên Hòa kiến nghị mở rộng thêm 180 hécta, nâng tổng diện tích lên 513 hécta.

Đồng Nai hiện còn 4 KCN chưa đi vào hoạt động là: KCN công nghệ cao Long Thành, KCN Phước Bình (huyện Long Thành), KCN Cẩm Mỹ (huyện Cẩm Mỹ) và KCN Gia Kiệm (huyện Thống Nhất).

Tổng giám đốc Công ty cổ phần đô thị Amata Biên Hòa Surakij Kiatthanakorn cho biết: “Hiện công ty đang phối hợp với tỉnh hoàn thành công tác bồi thường để có đất sạch làm hạ tầng trong diện tích mở rộng. Có nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chỉ đợi công ty hoàn thành hạ tầng sẽ ký kết thuê đất làm nhà xưởng sản xuất”. KCN Amata đầu tư hạ tầng hơn 10 triệu USD, song thu hút đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài, trong nước gần 3 tỷ USD.

KCN Xuân Lộc có diện tích gần 110 hécta, nhưng hiện đã gần lấp đầy nên trong quy hoạch được Chính phủ phê duyệt dự tính mở rộng thêm 200 hécta. Tương tự, KCN Long Đức dự kiến điều chỉnh lên 580 hécta. Tuy mới đi vào hoạt động chưa lâu, song KCN Long Đức mời gọi rất đông doanh nghiệp đến từ Nhật Bản. Các doanh nghiệp đầu tư vào đây đa số trên lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, ngành mà tỉnh cũng như cả nước đang ưu tiên mời gọi để nâng tỷ lệ nội địa hóa cho các sản phẩm xuất khẩu, đáp ứng các yêu cầu về xuất xứ hàng hóa của các hiệp định thương mại tự do và hưởng các ưu đãi thuế quan.

Ông Masahico Makata, Tổng giám đốc Công ty TNHH đầu tư Long Đức (chủ đầu tư hạ tầng KCN Long Đức) cho hay: “Mục tiêu thành lập KCN Long Đức là để thu hút các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, chỉ sau vài năm hoàn thành hạ tầng, khoảng 200 hécta đất trong KCN đã được thuê hết. Hiện công ty đang đề nghị tỉnh tiếp tục cho mở rộng diện tích KCN, vì nhiều nhà đầu tư Nhật Bản đang muốn đầu tư vào đây”. Các KCN của Đồng Nai đều nằm rất gần những tuyến quốc lộ nên việc vận chuyển hàng hóa ra các cảng biển rất thuận lợi, nhiều nhà đầu tư FDI muốn đến tỉnh đầu tư để giảm công vận chuyển.

* Mở rộng để đón đầu

Hiện nay, nhiều dự án lớn về giao thông qua địa bàn tỉnh đang được triển khai như các đường cao tốc: Bến Lức - Long Thành, Dầu Giây - Liên Khương, Biên Hòa - Vũng Tàu... và tới đây là Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Đây là lực hút lớn với các nhà đầu tư trong nước và FDI đến với Đồng Nai trên lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, logistics...

Ông Cao Tiến Sỹ, Trưởng ban Quản lý các KCN Đồng Nai nhận định, làn sóng đầu tư của doanh nghiệp FDI vào Đồng Nai trong những năm tới sẽ tiếp tục tăng. Hiện nhiều KCN đã lấp đầy hoặc gần đầy đều xin mở rộng, tăng thêm diện tích KCN để đáp ứng nhu cầu thuê đất làm nhà xưởng sản xuất của các doanh nghiệp FDI. “Trong 31 KCN đang hoạt động, có gần 20 khu đã lấp đầy. Những khu còn lại diện tích cho thuê cũng không còn nhiều” - ông Sỹ nói. Từ đầu năm đến nay, rất nhiều tập đoàn, doanh nghiệp FDI đã đến tỉnh tìm hiểu chính sách và môi trường đầu tư với ý định sẽ đặt nhà máy sản xuất ở Đồng Nai.

Ông Lim Jae Hoon, Tổng lãnh sự Hàn Quốc tại TP.Hồ Chí Minh khẳng định: “Đồng Nai là một trong 3 tỉnh, thành phía Nam được nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc chọn lựa nhất. Trong vòng 10 năm tới, Đồng Nai tiếp tục là điểm đến của các doanh nghiệp Hàn Quốc, đặc biệt khi Cảng hàng không quốc tế Long Thành đi vào hoạt động”.

Nhiều doanh nghiệp FDI sau thời gian đầu tư vào làm ăn tốt muốn mở rộng nhà xưởng để sản xuất nhưng không còn đất. Cụ thể, Công ty TNHH Hyosung Việt Nam (huyện Nhơn Trạch) đang cần thêm hơn 10 hécta để mở rộng sản xuất tại KCN Nhơn Trạch 5 nhưng không còn đất.

Hương Giang

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích