Sở Kế hoạch - đầu tư vừa đưa ra 3 phương án chuyển đổi công năng Khu công nghiệp (KCN) Biên Hòa 1. Mục tiêu là nhằm chọn lựa phương án thích hợp nhất để đẩy nhanh tiến độ vì dự án đã kéo dài hơn 10 năm.
Sở Kế hoạch - đầu tư vừa đưa ra 3 phương án chuyển đổi công năng Khu công nghiệp (KCN) Biên Hòa 1. Mục tiêu là nhằm chọn lựa phương án thích hợp nhất để đẩy nhanh tiến độ vì dự án đã kéo dài hơn 10 năm.
Một góc Khu công nghiệp Biên Hòa 1 (TP.Biên Hòa). |
KCN Biên Hòa 1 là KCN lâu đời nhất của Đồng Nai, có diện tích hơn 324 hécta. Chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1 với 2 mục tiêu lớn là tránh ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt cho hàng triệu người dân ở TP.Biên Hòa, các vùng lân cận và phát triển kinh tế - xã hội cho tỉnh.
Theo đề án khắc phục ô nhiễm môi trường và chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1 của Tổng công ty cổ phần phát triển khu công nghiệp (Sonadezi) - đơn vị được giao thực hiện đề án - thì dự án có thể chia ra 3 giai đoạn để thực hiện từ nay đến năm 2025. Tổng vốn đầu tư của toàn dự án trên 15,1 ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, dự án đang gặp những thách thức về tiến độ.
* 3 kịch bản chuyển đổi
Trong 3 kịch bản để thực hiện đề án khắc phục ô nhiễm môi trường và chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1 thì các sở, ngành nghiêng về kịch bản thứ nhất nhiều hơn. Theo kịch bản này, tỉnh sẽ bố trí nguồn ngân sách để bồi thường, giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch và tiến hành đấu giá quyền sử dụng đất của từng tiểu dự án trong khu. Kịch bản thứ 2 là đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1. Kịch bản thứ 3 là UBND tỉnh báo cáo Thủ tướng xem xét chấp thuận giao thẳng cho Tổng công ty Sonadezi làm chủ đầu tư dự án.
Theo khảo sát mới đây của Ban Quản lý các KCN Đồng Nai, KCN Biên Hòa 1 có trên 18,5 ngàn lao động. Số lao động dự tính nghỉ việc khi doanh nghiệp di dời là trên 11 ngàn. Ban quản lý các KCN sẽ hỗ trợ tìm việc tại các KCN Amata, Hố Nai, Thạnh Phú... |
Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh cho rằng kịch bản thứ nhất là khả thi nhất và có thể đẩy nhanh được tiến độ dự án. Lý do là Nhà nước thu hồi đất, sau đó tiến hành đấu giá thì có khả năng sẽ chọn được nhà đầu tư thích hợp nhất cho từng dự án thành phần. Sau đó, các nhà đầu tư có thể cùng triển khai dự án để sớm hoàn thành đưa vào khai thác.
“Vấn đề cần giải quyết hiện nay là di dời các doanh nghiệp trong KCN Biên Hòa 1 để bảo vệ môi trường sông Đồng Nai. Dù lộ trình đến cuối năm 2022 phải di dời hết các doanh nghiệp trong KCN Biên Hòa 1, song những cơ sở gây ô nhiễm thì buộc phải di dời ngay” - ông Vĩnh nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Hữu Nguyên, Phó giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư cho hay: “Nếu chọn phương án 1, tỉnh phải có nguồn vốn lớn để thực hiện công tác di dời các doanh nghiệp trong KCN và bồi thường tái định cư để có đất sạch tiến hành đấu giá. Song song với những việc trên tỉnh sớm hoàn thành quy hoạch chi tiết từng khu vực để những doanh nghiệp đấu thầu được đất có thể triển khai các dự án”.
Theo đánh giá của một số chuyên gia kinh tế, kịch bản thứ nhất có thể tăng nguồn thu cho ngân sách. Vì có quy hoạch chi tiết từng khu vực, UBND tỉnh tiến hành đấu giá và ai trả giá cao sẽ trúng, đồng thời chọn được nhà đầu tư có tiềm lực để triển khai nhanh dự án.
* Chậm do cơ chế chính sách
Các công ty sản xuất trong KCN Biên Hòa 1 hiện tại hầu hết đều có công nghệ lạc hậu, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao và kế hoạch là phải di dời nhanh. Nhưng đến thời điểm này, các sở, ngành vẫn đang rà soát, chưa trình phê duyệt được chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp di dời. Điều này đã khiến việc di dời các doanh nghiệp trong KCN bị chậm lại.
Một góc Khu công nghiệp Biên Hòa 1(TP.Biên Hòa) |
KCN Biên Hòa 1 có khoảng 82 doanh nghiệp đang thuê đất. Trong đó có 63 doanh nghiệp có thời hạn thuê đất đến năm 2051, 14 doanh nghiệp đã dừng hoạt động nhưng cho đơn vị khác thuê lại đất làm kho bãi, nhà xưởng và số còn lại sẽ hết hạn hợp đồng thuê đất từ nay đến năm 2021.
Một số doanh nghiệp trong KCN Biên Hòa 1 cho biết sẵn sàng chấp nhận chủ trương di dời của tỉnh, song phải biết rõ mức hỗ trợ về tài chính, hỗ trợ cho lao động nghỉ việc, nơi đến, giá thuê đất để tính toán việc đầu tư mới, tuyển dụng thêm lao động... Còn hiện nay chưa có chính sách rõ ràng, địa điểm đến.
Ông Lê Văn Danh, Phó trưởng ban Quản lý các KCN Đồng Nai cho hay: “Các doanh nghiệp trong KCN Biên Hòa 1 đang rất muốn biết rõ chính sách hỗ trợ khi di dời, nơi tiếp nhận, giá thuê đất nơi đến. Nếu có đầy đủ các thông tin, ban quản lý sẽ mời các doanh nghiệp đến thông báo và yêu cầu di dời theo đúng lộ trình”.
Bên cạnh đó, muốn có đất sạch để đấu giá và triển khai dự án thì phải bồi thường, tái định cư cho khoảng 322 hộ dân. Riêng chi phí tái định cư cho những hộ dân này dự kiến khoảng 260 tỷ đồng. Theo quy định, trước khi thu hồi đất phải bố trí tái định cư cho những người dân nằm trong dự án. Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường nhận xét dự án chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1 triển khai quá chậm, UBND tỉnh nhanh chóng tìm ra cách triển khai nhanh dự án để bảo vệ môi trường và góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Hương Giang