Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài 1: Đô thị Biên Hòa - Long Khánh:Phải giữ nét riêng khi phát triển đô thị

08:05, 28/05/2018

Căn cứ vào quy hoạch xây dựng vùng TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai đã tiến hành xây dựng quy hoạch đô thị cho toàn tỉnh. Trong đó, TP.Biên Hòa, huyện Long Thành, Nhơn Trạch và TX.Long Khánh được nhắm tạo thành những trụ phát triển chính của từng vùng cho tương lai. Tuy nhiên, vóc dáng đô thị Đồng Nai cho đến nay vẫn còn mờ nhạt, chưa tạo được những điểm nhấn.

Căn cứ vào quy hoạch xây dựng vùng TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai đã tiến hành xây dựng quy hoạch đô thị cho toàn tỉnh. Trong đó, TP.Biên Hòa, huyện Long Thành, Nhơn Trạch và TX.Long Khánh được nhắm tạo thành những trụ phát triển chính của từng vùng cho tương lai. Tuy nhiên, vóc dáng đô thị Đồng Nai cho đến nay vẫn còn mờ nhạt, chưa tạo được những điểm nhấn.

Một góc đô thị Biên Hòa thiết kế đều đều, chưa có điểm nhấn trong kiến trúc.
Một góc đô thị Biên Hòa thiết kế đều đều, chưa có điểm nhấn trong kiến trúc.

TP.Biên Hòa đã được công nhận là đô thị loại I và là thành phố có nhiều lợi thế về phát triển đô thị, thế nhưng việc phát triển đô thị trong nhiều năm qua vẫn ì ạch, chưa xứng tầm với một thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Trong khi đó, TX.Long Khánh đang thuê thiết kế nước ngoài để quy hoạch chi tiết đô thị, mong muốn của nhiều cư dân sống lâu năm tại đây là trong phát triển đô thị vẫn giữ nét truyền thống.

Biên Hòa vẫn còn khá lúng túng trong việc phát triển đô thị, một đô thị loại I nhưng đến nay vẫn chưa xác định rõ khu trung tâm của thành phố. Các công trình tạo ra điểm nhấn cho thành phố còn khá mờ nhạt. Còn TX.Long Khánh đang chuẩn bị đưa 5 xã lên phường và trở thành thành phố, đô thị loại II vào năm 2020.

* Một Biên Hòa mờ nhạt

Phần lớn người dân ngoài tỉnh biết đến Biên Hòa là một thành phố với các khu công nghiệp hơn là một đô thị loại I. Kiến trúc đô thị cũng như các dịch vụ đi kèm của thành phố khá mờ nhạt.

Mới đây, trong điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng TP.Hồ Chí Minh đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Chính phủ đã xác định đô thị Biên Hòa là đầu mối giao thông quan trọng và trung tâm tiếp vận phía Đông của vùng TP.Hồ Chí Minh. Trung tâm cấp vùng về dịch vụ đa lĩnh vực chất lượng cao, cung cấp các dịch vụ đô thị và công; trung tâm nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, thương mại - tài chính, du lịch, thể dục - thể thao.

Ông Đặng Quốc Nghi, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Rồng Nam Việt (ở phường Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) cho hay, mỗi khi có khách hàng hay bạn bè về Biên Hòa, thực sự ông cũng không biết đưa đi đâu chơi để giới thiệu tổng quan cũng như các điểm nhấn của thành phố. 

Cảnh quan kiến trúc đô thị ở TP.Biên Hòa cũng không có nhiều công trình, dự án tạo dấu ấn cho bộ mặt thành phố. Về phát triển khu dân cư, kiến trúc sư Vũ Văn Dũng, Giám đốc Công ty TNHH tư vấn thiết kế xây dựng Nam Kiến (phường Tân Biên), cho rằng phát triển khu dân cư ở Biên Hòa còn mang tính tự phát nhiều. “Nếu nhìn từ bản đồ vệ tinh hoặc trên cao nhìn xuống thấy TP.Biên Hòa phát triển khá lởm chởm. Như vậy, diện tích đất phát triển đô thị hiệu quả là chưa cao. Những dự án xây dựng khu dân cư mang tính hiện đại chưa có, chủ yếu là khu dân cư tự phát triển” - ông Dũng chia sẻ.

Đó cũng là lý do vì sao nét đô thị của Biên Hòa còn mờ nhạt. Ông Dũng cho rằng lẽ ra ở những phường như Long Bình, Long Bình Tân, Trảng Dài và một phần của Tân Biên thì chính quyền thành phố phải rất kiên quyết để tạo ra khu dân cư ngăn nắp, bởi đây là những khu vực phát triển tương đối mới sau này. Tuy nhiên, hiện tại nơi đây lại là những khu dân cư xây dựng lộn xộn và hạ tầng xập xệ.

Từ năm 2015, Long Khánh đã được Bộ Xây dựng công nhận là đô thị loại III. Hiện thị xã đang gấp rút hoàn thành hồ sơ, cùng một số tiêu chí để đưa 5 xã lên phường là: Xuân Tân, Xuân Lập, Bàu Sen, Suối Tre, Bảo Vinh. Dự kiến đến năm 2020 TX.Long Khánh sẽ lên thành phố trực thuộc tỉnh và trở thành đô thị loại II.

Trưởng phòng Quản lý đô thị TP.Biên Hòa Doãn Văn Đồng cho rằng đến ngay cả khu trung tâm của thành phố vẫn chưa có vóc dáng một đô thị, vì thế Biên Hòa mờ nhạt là không tránh khỏi.

Ông Bùi Mạnh Lân, Tổng giám đốc Công ty cổ phần bất động sản Tân Mai (ở phường Thống Nhất, TP.Biên Hòa), chia sẻ Biên Hòa là thành phố có địa thế rất đẹp, ít nơi có được nhưng đến nay vẫn “chìm trong giấc ngủ”, chưa được đánh thức. Việc này khiến cho đô thị trải qua hàng trăm năm vẫn mang hình vóc cũ kỹ. “Tôi nghĩ lãnh đạo tỉnh và thành phố cần hành động quyết liệt hơn để đô thị Biên Hòa phát triển đúng với tầm vóc của nó. Thành phố không còn “trẻ” nữa nếu không có những thay đổi mạnh mẽ sẽ mãi tụt lại phía sau” - ông Lân nói. 

Kiến trúc sư Nguyễn Văn Tất, hội viên Hội Kiến trúc sư Đồng Nai, nhận xét ông cũng đi nhiều nơi nhưng chưa thấy nơi nào có dòng sông đẹp như sông Đồng Nai chảy qua TP.Biên Hòa. Đặc biệt hơn là Cù lao Phố (xã Hiệp Hòa) và các phường ven sông như Tân Vạn, Bửu Hòa còn là vùng đất gắn liền với giá trị văn hóa - lịch sử. Ông Tất cho rằng ở Cù lao Phố cần được kiểm soát chặt không để tình trạng phân lô bán nền sẽ phá vỡ quy hoạch tổng thể, phát triển khu dân cư ở đây với mật độ thấp. Ông Tất cũng rất tâm đắc với những khoảng sông rộng của sông Đồng Nai ở đây. “Khúc sông qua Cù lao Phố rất rộng, nơi đây như một “quảng trường nước” mà không đâu có được. Khi phát triển đô thị cần chú trọng đến những vấn đề này” - ông Tất nhấn mạnh.

* “Đô thị sinh thái” cho Long Khánh

Nằm ở phía Đông Nam của tỉnh, TX.Long Khánh khá gần với các đô thị lớn trong vùng nên trong định hướng phát triển sẽ trở thành đô thị hạt nhân, cực phát triển kinh tế phía Đông Đồng Nai. Vì thế, trong quy hoạch phát triển đô thị Long Khánh hướng đến thành phố xanh - hiện đại - văn minh.

TX.Long Khánh có lợi thế là cửa ngõ giao thông vùng, liên kết với khu vực Đông Nam bộ, Tây Nguyên thông qua tuyến đường sắt, quốc lộ 1, quốc lộ 56, đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây và trong tương lai là cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, Dầu Giây - Phan Thiết. Đây là lợi thế cho phát triển kinh tế và thu hút đầu tư để nhanh trở thành đô thị loại II.

Từ lâu nhắc đến Đồng Nai, nhiều người nhớ ngay đến Long Khánh, một vùng đất màu mỡ, nổi tiếng với nhiều loại trái cây đặc sản của khu vực phía Nam. Vì vậy, trong phát triển đô thị, thị xã sẽ giữ nguyên nét truyền thống, nâng cao chất lượng các vườn cây ăn trái kết hợp với phát triển dịch vụ du lịch sinh thái, vườn.

Bà Nguyễn Thị Xuân Dung, Chủ tịch Hội Nông dân TX.Long Khánh, cho hay: “Khi nghe tin Long Khánh sẽ lên thành phố, người dân trong thị xã rất vui mừng. Mong muốn lớn nhất của người dân trong phát triển đô thị là phải có quy hoạch chi tiết từng phường, xã để phát triển và nên giữ lại những nét riêng nhà vườn để phát triển du lịch sinh thái miệt vườn nâng cao thu nhập cho người dân”. Cũng theo bà Dung, đô thị Long Khánh nên phát triển khu trung tâm có những điểm nhấn phù hợp để TP.Long Khánh trong tương lai hiện đại nhưng không mất đi nét truyền thống.

Nét riêng của Long Khánh là những ngôi nhà nhỏ ẩn hiện trong những khu vườn cây ăn trái xum xuê, xanh mát khiến cho người đến đây luôn có cảm giác bình yên.

Ông Phạm Thế Văn, Bí thư Chi bộ ấp Cẩm Tân, xã Xuân Tân, người gắn bó vùng đất này nhiều năm, chia sẻ: “Trong quy hoạch đô thị Long Khánh nên phát triển theo hướng mở, các khu dân cư mới không nên xây dựng nhà ở san sát mà nên có không gian rộng. Khu trung tâm cần mở rộng có thêm các dịch vụ vui chơi, giải trí, trung tâm thương mại đáp ứng nhu cầu của người dân”.

Nhiều người dân đã có 70-80 năm gắn bó với vùng đất này đều có chung tâm nguyện trong quy hoạch không nên phát triển nhiều khu công nghiệp. Thế mạnh của Long Khánh là vùng đất phì nhiêu trồng được nhiều loại cây ăn trái đặc sản cho thu nhập cao. Vì vậy nên tập trung phát triển nông nghiệp đô thị, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng, phát triển du lịch nhà vườn và dịch vụ.

PGS-TS. Nguyễn Văn Thư, Hiệu trưởng Trường đại học giao thông - vận tải TP.Hồ Chí Minh, cho rằng trong quy hoạch đô thị nên chú ý đến kết nối giao thông vùng, bởi đây là tiền đề cho thu hút đầu tư phát triển kinh tế của địa phương. Vì khi doanh nghiệp muốn đầu tư vào đâu một trong những yếu tố quan trọng để chọn lựa là giao thông thuận lợi và chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn. TX.Long Khánh là cửa ngõ giao thông vùng, nơi có nhiều đặc sản trái cây rất thuận lợi cho phát triển dịch vụ logistics, du lịch.

Khắc Giới - Hương Giang

Bài 2: Đô thị Long Thành - Nhơn Trạch: Hôm nay “nóng”, ngày mai sẽ ra sao?

Tin xem nhiều