Báo Đồng Nai điện tử
En

Bất động sản trong cơn bão "ảo"

07:04, 09/04/2018

Khoảng 2 năm gần đây, bất động sản tại Đồng Nai liên tục lên cơn "sốt", giá đất ở một số khu vực đã bị đẩy tăng thêm từ 40-100%. Dịch vụ "cò đất" theo đó cũng nở rộ...

Bài 1: Loạn mua bán, sang tay đất

Khoảng 2 năm gần đây, bất động sản tại Đồng Nai liên tục lên cơn “sốt”, giá đất ở một số khu vực đã bị đẩy tăng thêm từ 40-100%. Dịch vụ “cò đất” theo đó cũng nở rộ. “Sốt” đất được xác định không phải do nhu cầu nhà ở, đất ở tăng đột biến mà hầu hết do mua đầu cơ để kiếm lời. Không chỉ đất dự án được mua đi bán lại, đất nông nghiệp cũng bị xẻ thịt phân lô bán nền tràn lan.

Xã Hiệp Hòa (TP.Biên Hòa) là nơi giá đất bị thổi lên cao chót vót vì ăn theo dự án đường nối trung tâm thành phố.
Xã Hiệp Hòa (TP.Biên Hòa) là nơi giá đất bị thổi lên cao chót vót vì ăn theo dự án đường nối trung tâm thành phố.

Thị trường bất động sản ở Đồng Nai đang rất “loạn”. Nhiều khu vực dựa hơi các dự án lớn mới quy hoạch để “thổi” giá đất lên cao chót vót gây bất ổn cho thị trường.

* Người người làm “cò đất”

Chưa khi nào nghề làm “cò đất” tại Đồng Nai lại có nhiều người như hiện tại. Từ ông xe ôm, bà bán quán nước, bà làm móng tay, móng chân, đến chị bán mỹ phẩm online... cũng trở thành người môi giới đất đai. Chỉ cần người nào đó cần bán một thửa đất là có vài “cò” tìm đến đăng ký bán giúp với khoản hoa hồng phải trích lại từ 3-5% giá trị mảnh đất bán được. Ngoài ra, ở những khu vực đất đai đang “nóng” cò đất còn đẩy giá tăng thêm 100-300 triệu đồng so với giá chủ mảnh đất yêu cầu, nhờ vậy không ít “cò đất” đã ẵm một khoản tiền chênh lệch lớn. Những khu vực đất đai đang “nóng” được mua đi, bán lại nhiều gồm các huyện: Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom, Vĩnh Cửu và TP.Biên Hòa.

“Bong bóng” bất động sản tại Đồng Nai đang bị đẩy lên khá cao, vượt xa giá trị thực của mảnh đất. Đất nông nghiệp ở một số nơi như: TP.Biên Hòa bị đẩy lên 20-50 tỷ đồng/hécta, tại các huyện khu vực giáp ranh Biên Hòa giá đất nông nghiệp cũng bị giới đầu cơ đẩy lên 10-15 tỷ đồng/hécta.

Một “cò đất” tên C.V.N. (ở phường Bửu Long, TP.Biên Hòa) cho biết: “Tôi mới kiếm được khoản lớn nhờ bán được mảnh đất ở khu dân cư Bửu Long. Chủ đất đang cần tiền, bán gấp với giá 1,5 tỷ đồng, nhưng tôi tìm được khách mua với giá 1,65 tỷ đồng. Do đó, ngoài hưởng tiền hoa hồng 45 triệu đồng, tôi còn được tiền chênh lệch 150 triệu đồng”.

Trước đây ông N. làm nghề buôn bán quần áo, nhưng hơn 2 năm nay đã nghỉ để chuyên đi làm “cò đất”. Cũng theo ông N., chỉ cần 1-2 tháng “trúng” được một mánh lớn bằng làm lụng tích cóp cả mấy năm trời.

Tương tự, bà H. (ở xã Phước Tân, TP.Biên Hòa) cho hay: “Lúc trước tôi mở tiệm cắt tóc nhưng thu nhập không cao nên 3 năm nay chuyển qua làm môi giới bán đất khu vực Phước Tân, Tam Phước. Gần 2 năm nay đất khu vực này sốt, người “lướt sóng” nhiều nên có tháng kiếm được cả trăm triệu đồng”. Lúc nào trong tay bà H. cũng có gần 10 miếng đất cần bán.

Theo bà H., mua đất nông nghiệp có sổ đỏ (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) chung giá chỉ bằng 40-50% đất có sổ hồng (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất). Cụ thể, 1 nền đất 5x20m tại xã Phước Tân có sổ hồng thổ cư, đường vào khoảng 4m có giá 750 triệu đồng, nhưng đất nông nghiệp phân lô bán nền sổ chung giá chỉ 350 triệu đồng/nền.

Tại các khu vực khác của các huyện: Trảng Bom, Long Thành, Nhơn Trạch, “cò đất” cũng nhan nhản khắp nơi. Trong vai một người cần mua đất nền, chúng tôi vào một số quán cà phê ở các xã Tam An: Phước Bình, Lộc An (huyện Long Thành); Long Tân, Long Thọ, Phước An (huyện Nhơn Trạch)... hỏi chủ quán, chỉ cần 10 phút sau chủ quán đã giới thiệu cho chúng tôi một “cò đất” địa phương có sẵn một xấp phôtô sổ hồng; trong đó có đất thổ cư, sổ đỏ đất nông nghiệp phân lô, bán nền... để lựa. Nếu khách có nhu cầu, sẽ được đưa đến tận nơi để xem.

* Chủ yếu ăn theo các dự án

Đất đai tại Đồng Nai thời gian qua “sốt” không phải vì nhu cầu ở tăng đột biến mà là đầu cơ kiếm lời. Nắm bắt được nhu cầu này, các “cò đất” lợi dụng các thông tin về quy hoạch sẽ làm đường hoặc các công trình lớn để đẩy giá đất lên cao.

Phân lô bán nền đất bán đất nông nghiệp tràn lan tại huyện Long Thành
Phân lô bán nền đất bán đất nông nghiệp tràn lan tại huyện Long Thành

Cụ thể, TP.Biên Hòa mới đang trong giai đoạn điều chỉnh quy hoạch đường trung tâm nối từ khu ngã năm Vườn Mít đến cầu An Hảo, nhưng một số công ty bất động sản, “cò đất” đẩy thông tin là sắp làm đường trung tâm ngàn tỷ đồng khiến nhiều người tưởng thật, rủ nhau đầu tư đất xã Hiệp Hòa, phường Thống Nhất; giá đất bị đẩy cao gấp 2 lần so với đầu năm trước.

Ông Mẫn, chuyên môi giới mua bán đất tại xã Hiệp Hòa, nhận xét: “Từ khi có thông tin sẽ làm đường trung tâm nối qua Hiệp Hòa, giá đất khu vực này tăng chóng mặt, trở thành nơi có đất “sốt” nhất của thành phố.  Đất nông nghiệp được rao bán với giá 40-50 tỷ đồng/hécta, đất thổ cư 10-14 triệu đồng/m2”.

Tại các khu vực xã Hóa An, phường Bửu Hòa, phường Tân Vạn (TP.Biên Hòa) đất cũng tăng cao do có thông tin sẽ làm đường nối cầu Bửu Hòa với quốc lộ 1K. Tại huyện Cẩm Mỹ, giá đất nông nghiệp cũng bị đẩy tăng 30-60% do có thông tin sẽ làm khu công nghiệp. Khu vực gần dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (huyện Long Thành), các công ty bất động sản, “cò đất” tìm được bản quy hoạch vùng xung quanh sân bay do đơn vị tư vấn thiết kế nhưng không được tỉnh phê duyệt, lợi dụng thổi lên như là sắp được thực hiện đến nơi để thu hút các nhà đầu tư nhẹ dạ.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh khẳng định: “Tỉnh chưa phê duyệt quy hoạch vùng xung quanh dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Những thông tin quy hoạch là do một đơn vị tư vấn làm cách đây vài năm nhưng không được phê duyệt. Do đó, huyện Long Thành phải kịp thời thông tin rõ ràng để người dân biết, tránh bị lừa đầu cơ đất gây bất ổn chung cho thị trường bất động sản”.

Theo đánh giá của bà Trần Thị Cẩm Tú, Tổng giám đốc Công ty cổ phần dịch vụ bất động sản Eximrs (TP.Hồ Chí Minh, công ty đang nhận bán đất nền cho một số dự án tại Đồng Nai) thì thị trường bất động sản tại đây khoảng 2 năm nay khá “loạn”, giới mua đi bán lại tự ý đẩy giá lên quá cao so với giá trị thực.

Nhóm P.V Kinh tế

Bài 2: “Xẻ thịt” đất nông nghiệp

Tin xem nhiều