Báo Đồng Nai điện tử
En

Nguy cơ trắng tay từ đầu cơ đất

07:12, 25/12/2017

Hơn 1 năm nay, đất đai ở nhiều khu vực trong tỉnh như: Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom, Vĩnh Cửu và Biên Hòa đều lên cơn sốt. Làn sóng đầu tư đất kiếm lời khá sôi động, tuy nhiên ẩn đằng sau đó là rất nhiều rủi ro khi người mua không nắm rõ quy hoạch sử dụng đất. Mặc dù dễ đối diện với nguy cơ trắng tay, nhưng rất nhiều người vẫn bỏ tiền tỷ đầu cơ đất.

Hơn 1 năm nay, đất đai ở nhiều khu vực trong tỉnh như: Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom, Vĩnh Cửu và Biên Hòa đều lên cơn sốt. Làn sóng đầu tư đất kiếm lời khá sôi động, tuy nhiên ẩn đằng sau đó là rất nhiều rủi ro khi người mua không nắm rõ quy hoạch sử dụng đất. Mặc dù dễ đối diện với nguy cơ trắng tay, nhưng rất nhiều người vẫn bỏ tiền tỷ đầu cơ đất.

Bài 1: "Bẫy đất nền"

Khu dân cư ngay trung tâm thị trấn Trảng Bom (huyện Trảng Bom) đã hoàn thành hạ tầng nhiều năm, nhưng chủ yếu mua đầu cơ nên vẫn vắng hoe không người ở.
Khu dân cư ngay trung tâm thị trấn Trảng Bom (huyện Trảng Bom) đã hoàn thành hạ tầng nhiều năm, nhưng chủ yếu mua đầu cơ nên vẫn vắng hoe không người ở.

Hiện nay, những khu vực trong phạm vi khoảng 20km của dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành đất đai bắt đầu “nóng” khi Quốc hội đồng ý thông qua dự án. Người dân trong tỉnh và các tỉnh, thành lân cận về đầu tư đất đai khá nhộn nhịp. Có những dự án chưa hoàn thành thủ tục, dự án không có cũng được các doanh nghiệp rao bán tràn lan...

Mặc dù các địa phương đang diễn ra tình trạng mua bán đất ồ ạt đã có khuyến cáo người mua đất đầu tư về tình trạng dự án, tuy nhiên vẫn có nhiều người dân bỏ ra từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng để mua đất. Kết quả, quá thời hạn hợp đồng đã lâu mà chưa được giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, người mua sốt ruột đến cơ quan chức năng tìm hiểu mới vỡ lẽ dự án không có hoặc chưa được phép bán.

* Nguy cơ mất trắng

Thời gian qua, nhiều dự án khu dân cư tại các huyện Long Thành, Trảng Bom, Nhơn Trạch và TP.Biên Hòa được các doanh nghiệp (DN) rao bán tràn lan trên mạng internet, treo biển quảng cáo dày đặc trên các tuyến đường. Để tăng niềm tin cho nhà đầu tư, các công ty trên còn đưa bản vẽ khu dân cư và những tiện ích đi kèm, bản đồ phân lô để khách hàng lựa chọn vị trí. Với những chiêu quảng bá khá hấp dẫn như: đầu tư sớm sẽ được giảm giá 10-15%, sau khi hoàn thành hạ tầng muốn bán chốt lời ngay có thể bán lại cho công ty với mức lời 15-20%... nhiều người dân tại Đồng Nai, TP.Hồ Chí Minh đã tin tưởng bỏ tiền để đặt mua trước đất nền.

Ông Nguyễn Tấn Hưng, Phó chủ tịch UBND huyện Long Thành, cho biết gần đây nhiều dự án hạ tầng quan trọng được triển khai như: Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường cao tốc Bến Lức - Long Thành... nên kinh doanh bất động sản khá sôi động. Bên cạnh những nhà đầu tư thực hiện các dự án khu dân cư có cơ sở pháp lý rõ ràng thì có một số cá nhân, doanh nghiệp lợi dụng để tiếp thị chào bán các khu đất tự phân lô chưa được sự chấp thuận của đơn vị có thẩm quyền. Huyện đã phối hợp Sở Xây dựng rà soát lại các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trên địa bàn nhằm ngăn chặn tình trạng kinh doanh bất động sản trái phép.

Bà Nguyễn Thị P. (TP.Hồ Chí Minh), cho biết: “Vợ chồng tôi gom góp được hơn 600 triệu đồng để dưỡng già, nghe mấy người bạn rỉ tai đầu tư đất rất lời nên tôi quyết định rút toàn bộ để mua 2 lô đất nền dự án của Alibaba ở huyện Long Thành. Công ty hẹn sau 4 tháng sẽ giao sổ đỏ nhưng đợi gần 1 năm chưa có sổ, tôi đến Phòng Tài nguyên - môi trường huyện Long Thành hỏi mới biết dự án này không có”. Bà P. lo mất trắng số tiền dưỡng già của mình nên đã gửi đơn lên Hiệp hội Bất động sản TP.Hồ Chí Minh nhờ can thiệp.

Tương tư, nhiều người dân đã “mắc bẫy” bỏ ra từ 300 triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng mua đất nền dự án tại xã An Phước (huyện Long Thành) của Công ty cổ phần địa ốc Alibaba (TP.Hồ Chí Minh). Theo ông Tạ Huy Hoàng, Giám đốc Sở Xây dựng, Công ty cổ phần địa ốc Alibaba chưa được cấp phép thực hiện dự án khu dân cư nào tại huyện Long Thành. Một số công ty khác cũng đang tung cùng chiêu với Alibaba là bán đất nền tại Long Thành cho những nhà đầu tư thứ cấp.

* Chính quyền cảnh báo, vẫn mua

Dù UBND huyện Long Thành đã cắm biển cảnh báo tại xã Long Phước nhưng vẫn có những nhà đầu tư tin tưởng vào quảng cáo đặt tiền mua đất khi chưa tìm hiểu đầy đủ hồ sơ dự án và không đến tận nơi xem đất. Một số công ty bất động sản dùng chiêu thuê xe ô tô chở những người có nhu cầu mua đất đầu cơ xuống tận nơi xem và bố trí một số cò mồi dọc đường tỉ tê chuyện đầu tư đất bằng cách mua đi bán lại lời như thế nào, khiến không ít người đã tin tưởng đặt mua theo. Thực tế, khu đất các nhà đầu cơ được dẫn xuống coi chỉ là khu đất trống chưa có hạ tầng.

Khu đất ở xã Long Phước (huyện Long Thành) do Công ty cổ phần địa ốc Alibaba tự “vẽ” ra dự án bán cho nhiều nhà đầu tư.
Khu đất ở xã Long Phước (huyện Long Thành) do Công ty cổ phần địa ốc Alibaba tự “vẽ” ra dự án bán cho nhiều nhà đầu tư.

Ông Huỳnh Văn Hà (xã Long Phước, huyện Long Thành), cho hay: “Hơn 1 năm nay, cứ vào cuối tuần tôi thấy có vài chiếc xe ô tô chở người xuống xem đất, biển quảng cáo bán đất treo khắp nơi. Người dân ở nơi khác đến không biết mới tin và đặt mua, chứ dân trên địa bàn này chẳng ai mua vì dự án không được công khai tại UBND xã”.

Ông Lê Hữu Đảng, Phó chủ tịch UBND huyện Trảng Bom, cho biết huyện có 5 dự án khu dân cư đang triển khai gồm: dự án khu dân cư Bảo Minh (ở thị trấn Trảng Bom), dự án Diamond City, dự án của Tổng công ty cao su Đồng Nai (đều ở xã Đồi 61), dự án Sonadezi Giang Điền (ở xã Giang Điền) và dự án khu dân cư ở xã An Viễn. Do đó, người dân không nên tin theo quảng cáo của doanh nghiệp đặt cọc mua đất nền dự án khi chưa có đầy đủ hồ sơ pháp lý để tránh bị lừa.

Mua bán đất tại những khu vực trên hầu hết là đầu cơ mong giá đất tiếp tục tăng để bán kiếm lời, thực chất rất ít người có nhu cầu xây dựng nhà để ở. Bằng chứng là nhiều dự án khu dân cư đã đầu tư hạ tầng đầy đủ nằm ngay trung tâm các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom, TP.Biên Hòa và đã được bán gần hết, nhưng rất ít căn nhà được xây dựng lên. Có không ít khu dân cư đã hoàn thiện hạ tầng, xây dựng nhà thô bỏ 5-7 năm nay vẫn chưa có người đến sinh sống.

Theo ông Võ Tấn Đức, Phó chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch, hiện nay quy hoạch các dự án đều được huyện công khai. Người dân có thể tìm hiểu thông tin về dự án ngay tại UBND các xã, huyện để tránh bị lừa. Gần đây, tình hình mua bán đất trên địa bàn huyện có diễn ra sôi động nhưng chưa phát hiện ra tình trạng như công ty cổ phần Alibaba.

Tuy nhiên, ở 2 huyện Nhơn Trạch, Trảng Bom và TP.Biên Hòa thời gian qua xảy ra tình trạng bán đất dự án khi chưa hoàn thành hồ sơ, hạ tầng. Chủ các dự án lách bằng cách chuyển nhượng cho người mua dưới dạng hợp đồng góp vốn đầu tư. Đầu tư dạng này rủi ro cũng rất lớn vì có những dự án người dân đã giao tiền 6-8 năm chưa nhận được đất nền như: dự án ấp Xóm Hố (xã Phú Hội, huyện Nhơn Trạch) do Công ty TNHH Vạn Phúc làm chủ đầu tư... Bên cạnh đó, có không ít trường hợp vẫn lén lút phân lô bán nền bằng giấy tay tại những nơi có khu công nghiệp phát triển, dân cư đông đúc thuộc địa bàn các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom, Vĩnh Cửu và TP.Biên Hòa. Những trường hợp phân lô, bán nền đất nông nghiệp nếu chính quyền địa phương phát hiện sẽ xử lý, nhưng vẫn chưa triệt được tận gốc.

Theo Trung tâm phát triển quỹ đất Đồng Nai chi nhánh Biên Hòa, trên địa bàn thành phố đang triển khai 48 dự án khu dân cư, trong đó có 5 khu dân cư chưa có hồ sơ. Khu vực xã Tam Phước, Phước Tân là nơi đang có nhiều dự án đất nền được rao bán tràn lan. Tuy nhiên khu vực này chỉ có 3 dự án được cấp phép đầy đủ là khu tái định cư xã Phước Tân do Công ty cổ phần đầu tư Đồng Thuận làm chủ đầu tư. Xã Tam Phước có 2 dự án khu dân cư, tái định cư của Tổng công ty Tín Nghĩa và Công ty cổ phần xây dựng và kinh doanh nhà Phú Tín.

Hương Giang

(Xem tiếp Bài 2: Đổ nợ vì đất nông nghiệp)

 

 

 

Tin xem nhiều