Báo Đồng Nai điện tử
En

Sản xuất bao bì: Cuộc cạnh tranh không cân sức

07:10, 10/10/2017

Triển lãm quốc tế về ngành công nghiệp đóng gói bao bì và in ấn tại Việt Nam (Vietnam Print Pack 2017) diễn ra ở TP.Hồ Chí Minh vừa kết thúc vào cuối tuần qua (ngày 8-10).

Triển lãm quốc tế về ngành công nghiệp đóng gói bao bì và in ấn tại Việt Nam (Vietnam Print Pack 2017) diễn ra ở TP.Hồ Chí Minh vừa kết thúc vào cuối tuần qua (ngày 8-10).

Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Trần Văn Tư (bìa phải) tham quan gian hàng giới thiệu sản phẩm bao bì ny-lông của một doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ở TP.Biên Hòa.
Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Trần Văn Tư (bìa phải) tham quan gian hàng giới thiệu sản phẩm bao bì ny-lông của một doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ở TP.Biên Hòa.

Các chuyên gia trong lĩnh vực này nhận định đây là ngành còn nhiều tiềm năng, song cơ hội nhiều vẫn nghiêng về doanh nghiệp ngoại.

* Rộng cơ hội

Bà Khấu Thị Kim Châu, Giám đốc Công ty TNHH Trường Toàn Phát (phường Tân Phong, TP.Biên Hòa), chuyên sản xuất bao bì ny-lông, cho biết hầu hết các sản phẩm xuất khẩu đều cần đến bao bì để đóng gói và phần lớn là bao ny-lông. Vì vậy, ngành công nghiệp chế biến xuất khẩu càng tăng trưởng mạnh thì cơ hội cho ngành sản xuất bao bì phát triển theo. Không chỉ vậy, ngành bao bì phục vụ trong nước cũng tăng mạnh do các sản phẩm đóng gói ngày một tăng.

Theo đánh giá của Hiệp hội Bao bì Việt Nam (VINPAS), nguyên nhân giúp ngành bao bì nội địa tăng do quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh và thói quen sử dụng sản phẩm đóng gói ngày càng nhiều đã đem lại cho ngành này cơ hội. Nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm, nước uống đóng chai, dược phẩm ngày một tăng kéo theo các sản phẩm bao bì ngày càng tăng.

Còn theo các doanh nghiệp sản xuất bao bì, đối với mặt hàng thực phẩm, bao bì được xem là “bộ mặt” cho sản phẩm đó, có yếu tố góp phần quyết định để người mua lựa chọn sản phẩm. Chính vì vậy, yêu cầu bao bì ngày càng khắt khe hơn, đòi hỏi mẫu mã đẹp, tiện lợi còn phải an toàn và thân thiện môi trường.

Theo Ban tổ chức Vietnam Print Pack 2017, trong những năm gần đây ngành công nghiệp đóng gói và in ấn ở Việt Nam phát triển khá cao. Thị trường Việt Nam được đánh giá là hấp dẫn với các nhà cung cấp máy móc thiết bị nước ngoài trong lĩnh vực công nghiệp này. Cũng chính vì vậy, triển lãm lần này có đến hơn 300 doanh nghiệp từ 11 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia.

* Sức ép lên doanh nghiệp nội

Ông Thái Anh Đức, Giám đốc Công ty TNHH Sao Lam (xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu, sản xuất bao bì đóng gói hàng nông sản), cho hay các doanh nghiệp bao bì của Việt Nam đang phải cạnh tranh khá mạnh, nhất là với doanh nghiệp Trung Quốc. Các doanh nghiệp Trung Quốc có nhiều lợi thế, như: có ngành công nghiệp hỗ trợ mạnh, nguyên phụ liệu rẻ hơn dẫn đến giá thành sản phẩm khá cạnh tranh.

Không chỉ cạnh tranh với các doanh nghiệp bên ngoài, ngay ở thị trường trong nước ngành công nghiệp này cũng cạnh tranh khá khốc liệt giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp FDI.

Ông Nguyễn Đức Thịnh, chủ một doanh nghiệp sản xuất bao bì nhựa tại Bình Dương, chia sẻ: “Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào thị trường Việt Nam sau các doanh nghiệp trong nước nhưng có tài chính mạnh, kinh nghiệm quản trị và được sự hỗ trợ từ các công ty mẹ nên việc cạnh tranh luôn lợi thế hơn, chưa kể còn có một lượng khách hàng của chính quốc gia đó ủng hộ”.

Theo VIPAS, doanh nghiệp FDI nhờ có công nghệ hiện đại, dây chuyền sản xuất khép kín và phần lớn là tự động nên có năng suất rất cao và mức chi phí thấp. Việc chạy đua về công nghệ sản xuất doanh nghiệp trong nước luôn bị thua vì tiềm lực tài chính yếu. Đánh giá chung từ điều kiện sản xuất, kinh doanh đến năng lực cạnh tranh, doanh nghiệp FDI đều lấn lướt. Doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là khối doanh nghiệp nhỏ và vừa “đuối sức” trong cuộc chơi khi chịu nhiều áp lực, cụ thể là: cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài, lệ thuộc vào nguồn nguyên liệu, máy móc công nghệ kém.

Vân Nam

Tin xem nhiều