Báo Đồng Nai điện tử
En

Phá đá, mở luồng cho sông Đồng Nai

10:06, 05/06/2017

Tuyến đường thủy sông Đồng Nai hết sức quan trọng trong vận tải hàng hóa giữa 2 tỉnh Đồng Nai và Bình Dương. Hai bên bờ sông có khá nhiều cảng nội địa, từ cảng container đến cảng vật liệu xây dựng, song những bãi đá ngầm dưới lòng sông hiện là một cản trở lớn đến hoạt động vận tải.

Tuyến đường thủy sông Đồng Nai hết sức quan trọng trong vận tải hàng hóa giữa 2 tỉnh Đồng Nai và Bình Dương. Hai bên bờ sông có khá nhiều cảng nội địa, từ cảng container đến cảng vật liệu xây dựng, song những bãi đá ngầm dưới lòng sông hiện là một cản trở lớn đến hoạt động vận tải.

Sà lan qua lại khu vực cầu Ghềnh khá nguy hiểm bởi bãi đá ngầm bên dưới.
Sà lan qua lại khu vực cầu Ghềnh khá nguy hiểm bởi bãi đá ngầm bên dưới.

Hai tỉnh Đồng Nai và Bình Dương đã kiến nghị Bộ Giao thông - vận tải cho thanh thải những bãi đá ngầm này để nâng cao năng lực vận tải đường thủy.

* Nguy hiểm rình rập

Theo tính toán của các đơn vị vận tải, hàng hóa vận chuyển bằng đường thủy có chi phí thấp hơn so với đường bộ khoảng 30%. Vì vậy, tỉnh, thành phố nào có nhiều cảng nội địa thì xem như có một lợi thế lớn. Tuyến sông Đồng Nai còn quan trọng bởi kết nối giữa các cảng của Đồng Nai, Bình Dương với cảng biển Cát Lái, Thị Vải bằng tuyến đường thủy nội địa nên lượng phương tiện lưu thông khá đông.

Tuy nhiên, những bãi đá ngầm lại là nỗi ám ảnh cho các tài công điều khiển phương tiện trên tuyến sông này. Tài công Nguyễn Văn Quyết - người có kinh nghiệm nhiều năm điều khiển sà lan chở vật liệu xây dựng từ Đồng Nai về Cần Thơ, cho biết trên suốt hành trình ông “ngán” nhất là đoạn sông từ trước cầu Đồng Nai ngược lên các cảng thượng nguồn do có nhiều bãi đá ngầm rất nguy hiểm. “

Năm 2003, người em họ tôi chở đá từ Hóa An (Biên Hòa) xuống Tiền Giang khi qua bãi đá ngầm chân cầu Ghềnh, do chủ quan đã bị đụng phải đá ở đây. Rất may lúc đó trên sà lan không có hàng, nếu không rất khó tránh khỏi bị chìm” - ông Quyết kể.

Phó giám đốc Sở Giao thông - vận tải Từ Nam Thành nhận định, thanh thải các bãi đá ngầm trên sông Đồng Nai là rất cần thiết để nâng cao năng lực vận chuyển hàng hóa. Đây là những bãi đá khá nguy hiểm cho các tàu và sà lan chở hàng.

Ông Thành cũng cho biết, việc xử lý đá ngầm trên sông Đồng Nai do Bộ Giao thông - vận tải quyết định và giao cho Cục Đường thủy nội địa Việt Nam (Bộ Giao thông - vận tải), tỉnh chỉ phối hợp hỗ trợ khi được yêu cầu.

* 200 tỷ đồng phá đá

Lãnh đạo Sở Giao thông - vận tải cho hay, hơn 10 năm trước các bãi đã lớn đã được phá một phần để mở rộng luồng cho tàu thuyền đi lại tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng so với nhu cầu phát triển về giao thông thủy.

Theo thống kê của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, tuyến sông Đồng Nai có tới 7 bãi đá ngầm, có những bãi đá dài đến 800m, tạo ra dòng chảy không ổn định cần thanh thải. Cụ thể, đó là các bãi đá ngầm: Ba Sang, cầu Ghềnh, Bửu Hòa (TP.Biên Hòa), Ông Nghê (xã Tân Mỹ, huyện Bắc Tân Uyên, Bình Dương), Bà Đằng, Tân Định (xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu) và bãi đá ngầm Hiếu Liêm (xã Trị An, huyện Vĩnh Cửu).

Theo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, bãi đá ngầm Ba Sang lớn nhất, rộng hơn 800m gần cảng Đồng Nai, trong khi đó nguy hiểm nhất là  bãi đá ngầm Cầu Ghềnh. Đây là đoạn sông chia nhánh hẹp, tạo luồng chảy xiết và phức tạp.

Để thanh thải các bãi đá này đảm bảo cho giao thông hàng hải của tuyến sông, kinh phí dự kiến cần khoảng 200 tỷ đồng. Trước mắt, sẽ ưu tiên thanh thải những bãi đá nguy hiểm như bãi đá Cầu Ghềnh, sau đó sẽ mở rộng ra các bãi đá còn lại. Ông Hoàng Hồng Giang, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, cho biết hiện nay cục đang cho thực hiện các công tác hoàn thiện hồ sơ, kế hoạch thanh thải để chuẩn bị thi công.

Việc phá bỏ bớt các “bẫy” đá ngầm dưới lòng sông Đồng Nai sẽ mở rộng thêm luồng cho các phương tiện đường thủy lưu thông, tạo ra cơ hội phát triển các cảng trên thượng nguồn sông Đồng Nai.

Vân Nam

Tin xem nhiều